Thủ lĩnh của 30 mảnh đời "chiến thắng HIV"

Thứ 6, 28/12/2012 00:09

Chồng chết vì HIV, "án tử" cũng treo lơ lửng trên đầu chị. Thế nhưng, thay vì chán nản, tuyệt vọng, chị đã quyết tâm vượt lên số phận.

Sau 7 năm từ khi hay tin mình bị HIV, chị vẫn khỏe mạnh, sống có ích cho mình, và là chỗ dựa tinh thần cho những người cùng hoàn cảnh như chị. Nghị lực phi thường của Trưởng nhóm đồng đẳng viên huyện Diễn Châu (Nghệ An), chị Trần Thị H. khiến nhiều người nể phục.

Số phận không may mắn

Sinh năm 1981, học xong phổ thông, chị lập gia đình khi tuổi mới tròn 20. Hai vợ chồng trẻ chỉ trông vào mấy sào ruộng nên kinh tế gặp muôn vàn khó khăn. Chồng chị phiêu bạt khắp nơi để làm ăn, nuôi sống vợ con, nhưng đi nhiều nơi, làm nhiều việc mà đồng tiền kiếm về cho gia đình chẳng được bao nhiêu. Quá khó khăn, chị đã bàn với chồng chạy vạy kiếm tiền đi xuất khẩu lao động.

Thế nhưng ngày ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe lần cuối trước lúc lên đường, chị nhận được thông báo khiến chị choáng váng: Dương tính với HIV. Trở về trong nỗi bẽ bàng và đau khổ, chị phải lấy lý do trục trặc máy bay để lừa dối anh em họ hàng và làng xóm.

Điều băn khoăn lo lắng lớn nhất lúc này, là chồng và con chị có bị mang căn bệnh như chị hay không, bởi họ sống chung một nhà, và trước ngày ra Hà Nội, việc "sinh hoạt" của vợ chồng chị vẫn diễn ra đều đặn.

Đem chồng vào TP.Vinh kiểm tra thì chị lại thêm một lần nữa chết lặng, chồng chị không chỉ bị HIV, mà đang mang căn bệnh này ở giai đoạn cuối. Lúc này, không thể giấu vợ, chồng chị đã khai rằng, anh hút thuốc phiện và chích ma túy trong thời gian đi làm xa. Chính chồng chị là người lây bệnh sang cho chị, chứ không phải một sự vô tình nào đó như chị đã từng suy nghĩ.

Thời gian sau đó, chị một tay chăm sóc chồng, một tay chăm sóc đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. 2 năm sau đó, chồng chị ra đi. Ngày đưa tang chồng, bên cạnh nỗi đau mất đi người thân, chị còn nghe những lời đàm tiếu khiến chị muốn gục ngã theo chồng.

Niềm tin vào đứa con khiến chị bình tĩnh khát khao về cuộc sống. Lo việc tang cho chồng xong, chị ôm con vào Vinh để xét nghiệm máu. Trong đầu chị luôn lóe lên hy vọng mong manh, rằng con của chị sẽ không phải mang căn bệnh thế kỷ. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, con chị âm tính với HIV.

Nghị lực phi thường

Ôm con trở về trong niềm hạnh phúc lớn, nhưng chị hiểu rằng, để đối phó với bệnh tật, vượt qua những lời dị nghị của xóm làng, chị phải có một bản lĩnh phi thường. Chị bắt đầu học vi tính, rồi lên mạng nghiên cứu cách điều trị bệnh tật cũng như tâm lý vượt qua sợ hãi.

Từ đây, những câu nói châm chọc, chế giễu không còn làm chị chạnh lòng, ngược lại càng khiến chị quyết tâm phải sống tốt, sống lành mạnh để minh chứng cho tất cả mọi người hiểu rằng người bị HIV không phải đáng bị người đời xa lánh, phân biệt đối xử.

Đấu tranh với bệnh tật, chị chăm chỉ làm việc để khỏa lấp đi những suy tư và lo âu, một mặt cũng để tăng thu nhập cho gia đình. Với nỗ lực của chính mình, chị đã cân bằng được cuộc sống.

Nhờ kiến thức thu thập được từ các phương tiện truyền thông cùng cơ duyên trong một lần đi khám bệnh tại TP.Vinh, chị biết đến nhóm gọi là đồng đẳng viên, nơi những chị em phụ nữ có HIV có thể trao đổi, chia sẻ và tuyên truyền các biện pháp phòng tránh căn bệnh thế kỷ này cho cả cộng đồng.

Thấy vai trò của nhóm đồng đẳng với chị em bị HIV rất lớn, trong khi ở huyện miền biển Diễn Châu, những gái mại dâm làm tiền ở các bãi biển rất đông, chị nghĩ rằng nếu nhóm ra đời, sẽ giúp ích không nhỏ cho nhiều người.

Chị H. đề xuất với Hội LHPN huyện Diễn Châu về việc thành lập nhóm đồng đẳng và sau đó được chấp nhận. CLB đồng đẳng viên mang tên "Bình Minh", do chị làm nhóm trưởng ra đời. Từ đây chị càng thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, khi không chỉ giúp ích cho mình mà chị còn góp phần làm cho xã hội lành mạnh hơn.

Từ nhiều năm qua, ngày ngày chị đi gặp gỡ những đối tượng nghiện chích ma túy, gái mại dâm để vận động, tuyên truyền cho họ về cách phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Do là người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ và từng trải qua rất nhiều cảm xúc mặc cảm, xấu hổ, nên mọi lời nói, cử chỉ của chị đều ân cần, chu đáo. Chị nói với họ về tác hại của ma túy, của việc dùng chung kim tiêm và nguy cơ mắc bệnh thế kỷ.

Với sự kiên trì và lòng nhiệt huyết, chị lấy được niềm tin của tất cả mọi người. Đến thời điểm này, nhóm "Bình Minh" do chị làm nhóm trưởng đã làm được những việc rất tích cực, như thu nạp được 30 thành viên là những người nhiễm HIV.

Ngoài việc tự giúp đỡ nhau, nhóm còn đưa hơn 200 bệnh nhân đến khám tại các phòng khám huyện Diễn Châu. Trong số này, có 170 người được điều trị ARV, 740 lượt người nhiễm HIV và trên 800 lượt trẻ có nguy cơ nhiễm HIV được chăm sóc tại nhà.

7 năm trôi qua, chị H. vẫn khỏe mạnh, vẫn là chỗ dựa vững chắc cho đứa con của mình. Nỗ lực của chị H. cũng là thông điệp mà chị muốn gửi tới người cùng cảnh ngộ, rằng "nhiễm HIV không phải là hết đời", và những người trót mang căn bệnh này cũng không đáng bị phân biệt và đổi xử.

Lê Giáp

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star
Tag: HIV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.