Nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí đó sẽ là gánh nặng cho người dân nghèo, bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc thu phí không đánh vào người nghèo mà còn góp phần tạo công bằng xã hội. Vì với quy định thu phí này thì người sử dụng cơ sở hạ tầng nhiều phải nộp tiền nhiều và ngược lại. Cụ thể, người đi ô tô phải nộp phí nhiều hơn, người đi xe máy cũng phải nộp một phần, tất nhiên là rất nhỏ, chủ yếu để xác định ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông. Còn người đi xe công cộng, đi bộ thì không phải nộp phí này.
Còn việc có ý kiến thắc mắc rằng nguồn kinh phí này dùng để làm gì thì bộ trưởng cho hay: Hiện nay, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng phần lớn là Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra để đầu tư. Nếu có thêm khoản thu này thì Nhà nước có thêm nguồn thu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư vào vùng sâu vùng xa cho các công trình giao thông nông thôn, ven biển và biên giới. Đặc biệt là đường tuần tra biên giới, nếu không thì ai sẽ giữ biên giới cho chúng ta? Người dân sẽ được hưởng cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, đảm bảo sự công bằng cho xã hội.
Theo chánh văn phòng Bộ Nguyễn Văn Công cho hay, dự kiến, mỗi năm phí lưu hành phương tiện với ôtô mang lại khoảng 15.000 tỷ đồng, tạo thêm nguồn thu đáng kể chi cho các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Đồng thời, việc này sẽ làm tăng chi phí sử dụng phương tiện cá nhân, hướng người dân tới sử dụng các loại phương tiện công cộng. Khi đề xuất này được triển khai, ùn tắc giao thông được cải thiện thì chính người dân sẽ được hưởng lợi do tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và giảm hao mòn phương tiện.
Đại diện Bộ Giao thông cho hay, khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân có thể triển khai sớm. Còn thời điểm cụ thể áp dụng thu phí ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở nghị quyết của HĐND cho phù hợp.
P.V