Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị tăng thuế phí phương tiện trên địa bàn cả nước, đồng thời làm rõ cơ sở thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì cùng xắn tay giải quyết bài toán giao thông, Bộ Xây dựng đang "bắt tay" với Bộ GTVT để "tận thu" sức dân?.
Dân "khó thở"...
Bộ GTVT cho biết, Bộ này vừa nhận được góp ý về Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại 5 thành phố lớn của Bộ Xây dựng. Trong đó, nổi bật là đề nghị tăng thuế phí phương tiện trên cả nước, đồng thời đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho rằng, các giải pháp về hạn chế phương tiện cá nhân cần có sự đánh giá việc thực hiện, sử dụng các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí đăng ký phương tiện cũng như tác động đối với người dân.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất thêm một số giải pháp mới so với đề án như phí môi trường, cấp hạn mức đăng ký mới (quota) phương tiện cá nhân, đấu giá và nộp tiền lưu hành xe, chứng minh có chỗ đỗ xe ô tô con, khuyến khích phương tiện chuyển nhượng hưởng phí thấp và hỗ trợ thủ tục khi sang tên chính chủ, đăng kiểm xe gắn máy... "Việc tăng các loại thuế này nên áp dụng trên địa bàn cả nước không chỉ đối với các thành phố lớn như đề xuất của đề án. Đồng thời phải có lộ trình điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Quang nhấn mạnh.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, người phát ngôn Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Lưu, chánh văn phòng Bộ cho biết: "Bộ GTVT đã nhận được văn bản góp ý của lãnh đạo Bộ Xây dựng. Theo đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét và tiếp thu những điểm hợp lý, coi đây là một đề tài nghiên cứu khoa học. Sau khi lấy ý kiến các ban ngành, địa phương sẽ bổ sung trình lãnh đạo Bộ. Trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện Đề án hạn chế phương tiện cá nhân đã đưa ra trước đây".
Trước góp ý của Bộ Xây dựng về việc nhân rộng Đề án hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn cả nước, chánh văn phòng Bộ GTVT cho rằng, thực ra tình trạng ùn tắc chủ yếu xảy ra ở một số thành phố lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng thuế, phí để giảm ùn tắc giao thông là không có cơ sở thực tế. Bởi lẽ, việc thu phí phương tiện cá nhân không thể làm cho phương tiện lưu thông trên đường giảm đi. Vì không có chuyện người dân đóng phí giao thông rồi bỏ xe ở nhà để đi lại bằng phương tiện khác. Bài toán giảm ùn tắc giao thông và kẹt xe do phương tiện cá nhân gây ra sẽ vẫn tiếp tục đi vào ngõ cụt.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận định, nói là góp ý nhưng thực chất, Bộ Xây dựng đang "phụ họa" cùng Bộ GTVT. Ông Hùng cũng dẫn chứng nhiều điểm bất hợp lý trong Đề án hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ GTVT. "Thuế môi trường đã được thực hiện theo Luật môi trường. Hiện nay thuế môi trường thu theo mức sử dụng xăng dầu với mức là 1000đ/lít xăng dầu. Tăng thuế môi trường với phương tiện cá nhân vừa không hợp lý, vừa khó tổ chức thực hiện", ông Hùng đơn cử.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, nếu cấp hạn ngạch cho số phương tiện được đăng ký mới trong năm chỉ áp dụng cho 5 thành phố lớn là không khả thi. Bởi phương tiện cá nhân có thể được đăng ký tại các tỉnh, thành phố khác nhau, sau đó đưa về 5 thành phố lớn để hoạt động. Bên cạnh đó, việc đăng ký ô tô con phải chứng minh được có chỗ đỗ xe làm tăng thủ tục hành chính và không phù hợp với thực tế, giải pháp này trước đây được áp dụng nhưng nhân dân không đồng tình nên đã bị bãi bỏ.
Dịch vụ vận tải cũng "lạnh sống lưng"
Theo ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, đề xuất Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, người dân chỉ thấy nổi bật các giải pháp sử dụng biện pháp tài chính, thu tiền của dân là chính. Nếu hạn chế phương tiện cá nhân, thu nhiều loại phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tâm lý của người dân.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh, hạn chế phương tiện cá nhân nên làm trong khuôn khổ pháp luật hiện hành cho phép quy định trong Luật Giao thông đường bộ và thẩm quyền của chính quyền địa phương. Từ năm 2016 trở đi mới thực hiện các giải pháp được chọn lọc trong đề án, kể cả thu một số loại phí thích hợp, khi nền kinh tế đã qua thời kỳ suy thoái.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra rằng, hiện nay, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đã làm cho ô tô dưới 10 chỗ ngồi của Việt Nam cao gấp 2,5 đến 3 lần ô tô của các nước trong khu vực. "Theo Nghị định của Chính phủ, phí trước bạ của ô tô dưới 10 chỗ ngồi là 10% đến 20%, tại TP.Hà Nội đã áp dụng 20%, TP.Hồ Chí Minh là 15%. Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ô tô đang đề nghị giảm thuế trước bạ. Theo tôi, đề nghị này là hợp lý, do đó ta không thể tăng thêm phí trước bạ. Phí đăng ký phương tiện tại Hà Nội cũng đã tăng từ 2 triệu lên 20 triệu, do đó không có cơ sở tăng thêm nữa", ông Hùng nói.
Trao đổi với PV, bà Đinh Thị Mai Lan, ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội phân tích: Thời gian qua, người dân rất bối rối về chính sách thu phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí hạn chế phương tiện giao thông vào nội đô. Chính sách được đưa ra giữa thời điểm lạm phát và suy thoái, đời sống nhân dân khó khăn, lại mỗi lúc nói một khác, lúc tuyên bố thu trên tất cả ô tô đang lưu hành, lúc lại chỉ thí điểm ở một số thành phố lớn, kèm theo những phát ngôn gây sốc kiểu "không đóng phí giao thông thì người dân đi bộ" khiến người dân bức xúc.
Theo quan điểm của các chuyên gia, việc tìm cách hạn chế phương tiện cá nhân chỉ thực hiện được khi hệ thống giao thông công cộng phát triển với nhiều loại hình từ xe buýt đến tàu điện ngầm, tàu điện trên cao hoạt động rộng khắp với giá rẻ và bổ sung cho nhau. Thấy các phương tiện này sử dụng hiệu quả, thuận tiện, dễ dàng thì người dân sẽ ủng hộ và từ bỏ đi lại bằng các phương tiện cá nhân trong các đô thị.
"Đánh" phí nặng là dồn khó cho dân Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện tượng thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh tỉ lệ chịu thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4-3 lần so với các nước khác trong khu vực. Đáng lo là tổng thu thuế và phí của Việt Nam chủ yếu đến từ ba nguồn chính là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu cùng thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong số đó, ô tô phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 45%-60%, xe máy trên 125cc phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 20% rồi thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng... Với mức thuế phí nặng như vậy trong khi dân vẫn còn nghèo, lương không đủ sống thì việc tăng cao thuế, phí không khác gì dồn khó cho người dân. |
Anh Đức - Trinh Phúc