Hãng thông tấn UPI đưa tin ngày 6/3 cho hay, Trung Quốc đang tăng cường kế hoạch kiểm soát các vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền (phi pháp) ở Biển Đông và Hoa Đông.
UPI dẫn nguồn Tân hoa xã khẳng định rằng hôm 6/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lớn tiếng kêu gọi gia tăng sự hiện diện của lực lượng quân đội tại “những khu vực ngoài khơi”, ám chỉ rõ ràng tới việc đưa thêm quân ra Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp những đảo nhân tạo.
Ông Lý Khắc Cường cũng đề nghị trước Quốc hội Trung Quốc rằng Bắc Kinh nên quản lý hoạt động của hải quân chặt chẽ hơn.
Theo hãng tin Nga Sputink, các chuyên gia an ninh tin rằng động thái trên của Trung Quốc có thể sẽ thổi bùng căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực có tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cuối tuần trước, Trung Quốc vừa điều các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và một máy bay cảnh báo sớm tới tham gia tập trận cùng các tàu chiến ở Tây Thái Bình Dương. Sau động thái này, phía Nhật Bản ngay lập tức đã điều máy bay tiêm kích tới khu vực để quan sát những động thái của Bắc Kinh.
Sputnik dẫn một nguồn tin từ Bắc Kinh nói với tờ Hankuk Ilbo (Nhật báo Hàn Quốc) khẳng định Trung Quốc có thể sẽ vẫn tiếp tục đưa ra những hành động khiêu khích hơn nữa.
Những động thái quân sự hóa khu vực này khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, thể hiện qua tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson, người từng lên án Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng những công trình quân sự ở khu vực tranh chấp là hành vi “bất hợp pháp”.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng Bắc Kinh đã xây dựng nhiều công trình và các cấu trúc ở Biển Đông nhằm phục vụ mục đích quân sự và chứa tên lửa, dù Trung Quốc nhiều lần phủ nhận điều đó.
Để ngầm gửi thông điệp tới Trung Quốc, theo Sputnik, Lầu Năm Góc đã cho triển khai Hạm đội 3 hùng mạnh tới trực tiếp chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay tuần tra ở Biển Đông lần đầu tiên kể từ sau khi diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Sang tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến thảo luận về những vấn đề căn bản ảnh hưởng tới quan hệ hai nước trong 4 năm tới.
Tại khu vực biển Hoa Đông, theo UPI, Trung Quốc cũng dự tính sẽ đưa ra những động thái cứng rắn hơn. Đây là khu vực tranh chấp từ lâu giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư theo cách gọi của Bắc Kinh, còn phía Tokyo gọi là Senkaku.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ Nhật Bản “một trăm phần trăm” đối với chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hồi năm 2014, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng nói, những nỗ lực sử dụng vũ trang của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp sẽ phải đối mặt với sức mạnh quân sự Mỹ.
Xem thêm: Công ty Hàn Quốc điêu đứng vì Trung Quốc trả đũa vụ triển khai THAAD
Danh Tuyên