Mấy ngày qua, ở TP.Hà Tĩnh đang rộ lên trào lưu săn bắt ong bầu để bán cho các thương lái Trung Quốc. Được biết, trước đó, các đầu nậu đã dạy người dân cách bắt ong bầu và thu mua với giá "trên trời". Chính vì vậy, ngày ngày, hàng trăm người dân bỏ qua những lợi ích mà con vật này mang lại, thản nhiên tận diệt ong bầu để kiếm lời. Theo các chuyên gia sinh vật học, bắt ong bầu cũng đồng nghĩa với việc người dân đang tự tay phá hoại mùa màng.
Cả khoảng sân phơi đầy xác ong bầu
Cả làng đổ xô đi bắt ong bầu
Chúng tôi đến xóm 10 (phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh) đúng vào những ngày người dân đang rầm rộ truy quét ong bầu đem bán cho các thương lái. Từ người lớn đến trẻ em, mỗi người đều cầm trên tay bộ dụng cụ bắt ong. Được biết, bộ dụng cụ ấy rất đơn giản và không tốn kém. Họ chỉ cần một chiếc bếp dầu, một tấm sắt tròn, chiếc vợt lưới rộng và quan trọng nhất là gói mồi nhử (trị giá 50.000 đồng/1 lượng, mua từ Trung Quốc - PV) là có thể bắt được hàng ký ong. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là loại hỗn hợp có mùi thơm như phấn hoa. Mặc dù sử dụng loại "bảo bối" bắt ong bầu nhưng chính người dân nơi đây cũng không hiểu đó là chất gì, độc hại như thế nào.
Khi chúng tôi hỏi người dân xóm 10 về việc bắt loài vật này thì họ đều cho biết, người khởi xướng việc bắt ong bầu là vợ chồng ông Tuân và bà Quế (ở xóm 10). Người dân nơi đây không hiểu từ đâu mà ông Tuân lại có "mối" nhận thu mua ong với giá trên trời. Gia đình ông Tuân trước đây cũng chỉ đi bắt ong bầu đem đi bán. Tuy nhiên về sau có nhiều người dân cùng tham gia nên vợ chồng ông chuyển sang thu gom toàn bộ số ong bầu mà bà con bẫy được.
Để tìm hiểu về "đầu nậu" của phường Đại Nài, chúng tôi tìm đến gia đình ông Tuân. Lúc chúng tôi đến nơi thấy bà Quế đang lúi húi phơi từng bao ong đã chết trước sân nhà. Vừa dùng tay rải mỏng ong để phơi, bà Quế phân tích cho chúng tôi: Ong bầu khi bắt về phải đánh chết rồi mới đem ra phơi nắng. Tuy nhiên, muốn hàng đạt chất lượng phải phơi qua ba nắng to cho khô hẳn. Khi ong đã khô giòn thì mới được đóng gói cẩn thận và đem lên bàn cân. Đến khi nào thu được 10kg thì ông Tuân lại gửi ra cho đầu nậu ở Hải Phòng để họ xuất sang Trung Quốc. Được biết, mỗi kg ong bầu tươi bán với giá 500 nghìn đồng, còn đối với ong được sấy khô thì giá bán gấp đôi, khoảng 1 triệu đồng/kg.
Kể về việc thu mua và săn bắt ong bầu của gia đình, ông Tuân cho biết, cách đây khoảng hơn một tháng, người thông gia của ông có đưa một người lạ mặt ở ngoài Hải Phòng vào giới thiệu và đề cập đến chuyện thu mua ong. Người lạ mặt đó còn mang đến các dụng cụ dùng để đánh bắt và nhiệt tình hướng dẫn ông cách thức để làm mồi nhử ong. Nói xong, người này mang dụng cụ ra ngay ngoài sân để thực hiện. "Ông ta trộn gói mồi nhử có mùi thơm như phấn hoa với một ít đường. Sau đó hỗn hợp này được đun trên bếp dầu, mùi bay lên rất thơm. Khói thơm sẽ được phát tán trong gió và có thể bay xa 5 - 10km. Loài ong ngửi thấy mùi sẽ bay về vị trí đốt và như thế ông ta chỉ cần đưa vợt ra là đã có thể bắt được một cơ số ong", ông Tuân kể lại.
Cũng theo ông Tuân, từ khi ông và người nhà thực hiện công việc này, nhiều người trong xóm cũng học theo, bắt ong bầu bán. Họ cũng sắm các dụng cụ vợt, bếp dầu và mồi nhử. Và cứ thế, mỗi buổi nắng lên là dân làng lại kéo nhau lũ lượt ra đồng bắt ong. Cả một vùng được đốt những gói mồi nhử dụ ong đến thơm ngậy. Mỗi ngày, người nhiều thì bắt được khoảng 1kg, người ít thì cũng được khoảng 5 lạng ong bầu.
Ông Tuân đang cân và đóng gói ong để gửi ra Hải Phòng
Cẩn trọng với ý đồ phá hoại mùa màng?
Theo các nhà nghiên cứu sinh học, ong bầu hay còn gọi là ong mật. Đây là một loài ong màu xanh đen, bụng phình to. Ong bầu sống đơn lẻ hoặc thành đàn nhỏ. Tổ của nó là các ống tre ở các giàn mướp đã tàn. Ngoài tác dụng như chữa bệnh thì chúng còn giúp con người thụ phấn cho hoa màu.
Được biết hiện nay, những người thu mua ong bầu chủ yếu là thương lái Trung Quốc chứ không phải người dân mua để ngâm rượu uống. Thấy lợi trước mắt, không riêng bà con xóm 10 (phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh) săn bắt mà ở các tỉnh khác cũng đã tích cực bẫy ong để thu lợi. Khi chúng tôi hỏi về mục đích thu mua ong bầu của các lái buôn Trung Quốc thì người dân nơi đây đều lắc đầu không biết. Nói chuyện với chúng tôi, một người đàn ông trung niên xóm 10 bảo: "Chỉ thấy họ nói cần mua ong bầu với giá cao nên chúng tôi bắt đem bán. Thực ra chúng tôi cũng chẳng cần biết họ mua ong về để làm gì".
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Xuân Hương, chủ tịch UBND phường Đại Nài (TP.Hà Tĩnh) cho biết, ông cảm thấy hết sức bất ngờ trước thông tin trên. Cũng theo ông Hương, ong bầu là sinh vật có ích cho nhà nông. Hiện nay số lượng của chúng vốn đã hiếm rồi mà người dân bắt được cả yến để bán là một điều bất thường. UBND phường sẽ cho kiểm tra lại sự việc để xử lý.
Trước đó, bà Quế cũng cho chúng tôi biết, loài ong bầu có nhiều lợi ích, đặc biệt là trong mùa màng. Nhưng bây giờ nó có giá trị kinh tế cao nên nhà nhà đổ xô bắt, người người săn ong để bán. "Nhiều người từ nơi khác đến đây để xin công thức về thực hiện và chúng tôi đều chia sẻ", bà Quế kể.
Theo ông Đinh Quyết Tâm, chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, việc bắt hết ong bầu là tận diệt con giống, là giết hết loài thụ phấn cho cây trồng. Lúa, ngô, táo… sẽ mất mùa do không được thụ phấn hoa. Người dân cần cảnh giác hơn với những ý đồ phá hoại mùa màng, lũng đoạn thị trường lương thực.
Bà Bùi Thị Minh, chánh văn phòng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay có việc người dân tại một số khu vực ngoại thành Hà Tĩnh đang bắt ong bầu để bán. Tuy nhiên cụ thể sự việc đến đâu thì cũng chưa rõ. Các cơ quan trong tỉnh đang tìm hiểu sự việc.
Phá hủy đa dạng sinh học
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, GS. TS Nguyễn Lân Dũng, Viện vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, không chỉ ở Hà Tĩnh, ong bầu đang được một số địa phương săn lùng trên quy mô lớn. Nhiều nơi người dân còn thuê người về bắt ong để ngâm rượu. Theo kinh nghiệm dân gian, ong bầu có giá vì để ngâm rượu chữa thấp khớp, chữa bệnh động kinh, phong ngứa, nhức mỏi, đau khớp. Nhiều người còn cho ong đốt để chữa bệnh bướu cổ.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, không ít người đã giàu lên nhờ việc bán rượu ngâm ong bầu với giá từ 300 - 500.000 đồng một bình (mỗi bình khoảng 60 - 100 con). Tuy nhiên, mọi tác dụng của việc uống rượu ong bầu nói chung vẫn chưa có những nghiên cứu khoa học chuyên sâu mà chỉ là dựa theo kinh nghiệm dân gian.
Vị chuyên gia sinh học này cho biết thêm, vì chưa được nghiên cứu đầy đủ nên chưa thể khẳng định được hiệu quả chữa bệnh của các loại ong bầu. Chính vì thế, người dân không nên đổ xô đi khai thác, mua bán cho bất kỳ đối tượng nào.
Sự thực đáng lo ngại Bày tỏ lo ngại về việc người dân nhiều vùng đang tận thu ong bầu để đem bán cho thương nhân Trung Quốc, GS. Dũng chia sẻ, “tất cả các loại ong đều góp phần thụ phấn đắc lực cho cây trồng và cây rừng. Nếu khai thác triệt để sẽ dẫn đến khả năng tuyệt chủng, phá hủy tính đa dạng sinh học, suy giảm cân bằng sinh thái trong hệ động vật. Việc đổ xô đi lùng sục bắt ong bầu không phải để sử dụng mà lại để bán cho nước ngoài quả thực đáng lo ngại. Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm trong chuyện này (chẳng hạn như việc mua rễ hồi, mua móng trâu bò...) cho nên cần phải hết sức cảnh giác". |
Khánh Ly - Hà Hằng - Phạm Hạnh