Việc thương lái thu mua cau non ồ ạt đã khiến mặt hàng này bỗng chốc khan hiếm và không ngừng tăng giá một cách bất thường. Nhiều người dân vốn quen với công việc đồng áng cũng chuyển sang làm thương lái để kiếm thêm thu nhập từ mặt hàng này. Huyện Nam Đông và TX.Hương Trà là 2 địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế, thời gian gần đây xuất hiện nhiều cơ sở tập kết thu gom cau non với số lượng lớn.
Theo người dân địa phương, trước đây giá cau quả rất bèo bọt, chỉ tăng nhẹ vào mỗi dịp lễ tết. Thế nhưng những năm gần đây, sự xuất hiện của các thương lái thu mua cau non khiến giá mặt hàng này bỗng tăng cao bất ngờ.
Ông Phạm Sinh, chủ cơ sở thu mua cau non ở thôn Giáp Nhì, phường Hương Văn, TX.Hương Trà cho biết, mỗi ngày, cơ sở ông nhập vào khoảng 2 tấn cau non từ các thương lái. Cau non được các thương lái thu mua tại vườn với giá 12.000 đồng/kg. Sau khi thu mua, gia đình thuê người tách cau ra khỏi buồng đóng vào bao xuất ra các đại lý ở phía Bắc với giá 20.000 đồng/kg để đưa sang Trung Quốc. Thường mùa thu mua cau non bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12; số cau non khô sau khi sơ chế, được người Trung Quốc mua về chế biến kẹo cau xuất sang các nước châu Âu.
Ông Phạm Cường ở thôn Giáp Nhì cho biết, sau khi được sấy khô, giá cau non sẽ dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Mùa thu mua cau cũng trúng vào lúc nông nhàn, bà con đã thu hoạch xong hoa màu; thấy thị trường cau non nhộn nhịp và có lợi nhuận cao, nhiều người dân đã trở thành những thương lái trực tiếp đi thu mua cau rồi bán lại cho các chủ cơ sở chế biến kiếm lời, trung bình mỗi ngày nếu chăm chỉ, một người có thể kiếm từ 200.000 - 400.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi), trú tại tổ 4, phường Tứ Hạ, TX.Hương Trà cho biết: “Nhà tôi có trồng một vườn cau khoảng 30 cây nên dịp này tranh thủ hái để bán cho thương lái khi còn được giá. Để kiếm thêm tiền, tôi còn tranh thủ đi mua của mấy hộ trong thôn về bán lại, mỗi ngày chăm chỉ cũng thu gom được hơn 50kg cau tươi, về bán lại cho cơ sở chế biến cau sấy khô cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Văn, TX.Hương Trà cho biết: “Cách đây 2 năm, trên địa bàn từng xảy ra hiện tượng thương lái ồ ạt thu mua cau non xuất sang Trung Quốc. Lúc đó, nhiều thôn có cơ sở thu mua cau non từ các hộ dân nhưng hiện nay chỉ còn 2 cơ sở ở thôn Giáp Nhì là có thu mua cau, còn thu mua cau non hay già, địa phương chưa nắm được. Nhiều hộ dân tranh thủ lúc nông nhàn cũng đi thu mua cau về nhập cho 2 cơ sở này kiếm lãi, tuy nhiên do số lượng người đi thu mua không cố định nên phường cũng không nắm rõ".
Là đối tượng dễ bị ảnh hưởng, người nông dân không nên vì lợi ích nhỏ trước mắt mà chặt các cây trồng khác chuyển sang trồng cau. Vỗn dĩ, cây cau không phải là cây có giá trị kinh tế cao, thời gian từ lúc trồng đến khi khai thác rất lâu, đầu ra không ổn định trừ mỗi dịp tết. Nếu người dân chạy đua trồng loại cây này đến lúc thương lái dừng mua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình. Ngoài ra, việc thương lái Trung Quốc tiến hành thu mua nông sản Việt một cách “lạ đời” cũng đã diễn ra rất nhiều lần, để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Khi thương lái thu mua, không ai quan tâm họ mua làm gì, mà chỉ để ý cái lợi trước mắt. Để rồi sau nhiều phen thương lái đột ngột dừng thu mua, người nông dân đành “ngậm ngùi” ôm trái đắng.
Đình Tuấn - Nguyên Hồ