Cần đặt mình vào địa vị của người lao động
Được biết, chiều 12/9, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay, những nội dung trong dự thảo về Luật thuế thu nhập cái nhân trình Quốc hội đang được dư luận hết sức quan tâm. Bởi nó có nhiều vấn đề đang gây tranh cãi, nhiều ý kiến phản biện trái chiều. Theo nội dung bản dự thảo của Bộ Tài chính trình lên Chính phủ và của Ủy ban Tài chính Ngân sách về thuế thu nhập cá nhân nhiều điểm đã được thay đổi so với Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2009. Theo đó, mức thu nhập khởi điểm đánh thuế, mức miễn trừ gia cảnh, biểu thức lũy tiến từng phần. Thậm chí trong hai bản đệ trình dự thảo của hai cơ quan này còn có chỗ chưa thống nhất.
Nếu quy định mức thuế khởi điểm là 9 triệu đồng thì có khoảng 2,6 triệu người sẽ được ra khỏi diện nộp thuế.
Trong khi Bộ Tài chính đưa ra con số 9 triệu đồng, mức miễn trừ gia cảnh là 3.6 triệu đồng/tháng thì Tiểu ban Chính sách và Thu ngân sách thuộc Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đưa ra mức đánh thuế khởi điểm là 7 triệu đồng, mức miễn trừ gia cảnh là 2,6 triệu đồng/tháng. Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia tỏ ra đồng tình với bản đề xuất của Bộ Tài chính hơn là của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, TS. Lê Đăng Doanh nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Cách đánh thuế khởi điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách quá khắt khe. Bởi hiện nay, với thu nhập 7 triệu đồng/tháng của người lao động cũng chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống. Chúng ta phải đặt địa vị của người lao động trong bối cảnh của nền kinh tế đang lạm phát để có quyết định sáng suốt hơn".
Theo ông Doanh, kinh tế nước ta đang trong tình trạng chịu ảnh hưởng của sự suy thoái của kinh tế toàn cầu. Con số lạm phát kinh tế luôn ở mức hai con số. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, nước, nhà... đang tăng cao. Trong khi đó, người dân còn phải đóng nhiều loại thuế khác nên cần phải khoan thư sức, đồng cảm với dân, giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn này. Mặt khác, con số giảm trừ gia cảnh 2,6 triệu đồng/tháng/người cũng không phù hợp với thực tế. T.S Doanh cho rằng: "Hiện nay, mưu cầu cuộc sống của người dân đã cao hơn trước. Chúng ta không thể để người dân phải sống một cách khổ sở như trước đây. Hiện nay, người dân ngoài ăn, ở, mặc, họ còn có những nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, du lịch, nghỉ dưỡng". Liên quan đến mức khởi điểm đánh thuế thu nhập cá nhân, ông Doanh tỏ ra đồng tình với đề trình của Bộ Tài chính. "Con số trên phản ánh sát hơn với điều kiện thực tế của người dân trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Do đó khi đem áp dụng vào thực tế sẽ trở nên phù hợp và được nhiều người ủng hộ", ông Doanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, T.S Lê Đăng Doanh còn tỏ ra băn khoăn về nội dung trong dự thảo quy định "mỗi người đóng thuế chỉ được miễn trừ gia cảnh với hai người kèm theo". Vị tiến sĩ này băn khoăn: Không hiểu dựa trên cơ sở nào, tiêu chí nào để đề xuất ý kiến trên. Theo ông Doanh, trên thực tế, một người lao động ở Việt Nam ngoài nghĩa vụ nuôi con thì còn có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Thậm chí, một cặp vợ chồng phải gồng mình nuôi tứ thân phụ mẫu và hai đứa con. Chính vì thế, quy định này trái ngược hoàn toàn với truyền thống hiếu nghĩa của dân tộc ta.
T.S Lê Đăng Doanh.
Hệ lụy xấu có thể xảy ra?
Xung quanh vấn đề dự thảo thuế TNCN, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần có sự sát thực hơn nữa trong việc xây dựng bộ luật này để gần hơn với thực tiễn. Vì họ lo ngại, những hệ lụy xấu có thể xảy ra.
Trước hết, đó là sự bất bình đẳng trong đóng góp thuế giữa những người đóng thuế TNCN. Bởi "độ dày" về khung áp dụng mức thuế khiến nhiều lao động có thu nhập sát nhau nhưng có mức đóng thuế lại chênh lệch lớn. Ví dụ người có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng đóng mức 10% trong khi người có mức thu nhập 10,1 triệu đồng/tháng phải đóng 15%. Điều này là biểu hiện sự bất bình đẳng trong việc đóng góp thuế của người lao động có mức thu nhập tương đương. Chính quy định trên đã khiến nhiều người lao động tỏ ra lo ngại về tâm lý không muốn phấn đấu nâng cao thu nhập. Có nhiều ý kiến cho rằng, nên chia biểu thức tính thuế ra nhiều khung khác nhau để vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động lại vừa đảm bảo được động lực. Đây là cơ hội để người lao động phấn đấu nâng cao thu nhập.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: "Hiện nay chúng ta đang khuyến khích làm giàu, làm giàu hơn nữa. Tuy nhiên, việc áp thuế TNCN đối với người thu nhập cao như bản dự thảo dễ tác động tới tâm lý chán nản của một số bộ phận trong giới này". Một số người cũng đồng quan điểm với ông Thành cho rằng, cách tính đó bất công cho những người làm ăn chân chính có thu nhập cao. Trong khi đó, những thành phần có thu nhập cao nhưng làm ăn phi pháp như buôn lậu, tham nhũng, đầu cơ, vẫn chưa kiểm soát được. Đây là mặt trái cần được nghiên cứu.
Theo ông Thành, nếu chúng ta không nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này sẽ xảy ra nhiều hiện tượng xấu, hệ lụy xấu. Như tâm lý trốn thuế, khai khống thuế của bộ phận người có thu nhập cao. Ông Thành cảnh báo, cách tính thuế này sẽ khiến chúng ta khó thu hút được lao động chất lượng cao làm việc trong nước. Vì nếu áp dụng thuế này thì các lao động chất lượng cao sẽ quay lưng, tìm kiếm một nơi làm việc khác mà quyền lợi sẽ được đảm bảo hơn.
Theo ông Thành, ở Mỹ, người ta đánh thuế 38% cho trường hợp bán nhà mà người mua không sử dụng. Việc làm này sẽ tránh được đầu cơ bất động sản và tăng thêm ngân sách cho Nhà nước. Hơn nữa, điều này sẽ tránh được sự chênh lệch trong thu nhập cá nhân.
Chưa "nắm" được "kẻ trọc đầu" T.S Lê Đăng Doanh tỏ ra băn khoăn về việc đánh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trên 35 triệu đồng/tháng như bản dự thảo là quá cao. Bởi điều kiện nước ta khác xa so với các nước trên thế giới. T.S Doanh cho biết, ở Thụy Điển người lao động bị đánh mức thuế cao nhất lên đến 65%. Tuy nhiên ở nước này, trung bình một người đi làm chỉ phải nuôi một người kèm theo nên cách đánh thuế như vậy là hợp lý. Nhiều người cũng tỏ ra ái ngại rằng trên thực tế, người đóng thuế thu nhập đa số là người làm công ăn lương. Họ phải lao động thực sự mới có được nguồn thu nhập chính đáng. Do đó, chúng ta mới chỉ nắm được "người có tóc, chứ chưa nắm được kẻ trọc đầu". |
Trinh Phúc - Quốc Triều