Ông Phùng Văn Kiệt (ngụ ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình ông có khoảng 2.000m² trồng sầu riêng. Từ cuối tháng 10/2017, sầu riêng bắt đầu ra quả. Thương lái đến đặt cọc mua với giá 60.000 đồng/kg, mua tất cả không phân loại.
Đến cuối tháng 1/2018, thời điểm sầu riêng vào đợt thu hoạch rộ, thương lái đến hái đợt đầu tiên với giá giao kèo ban đầu. Tuy nhiên, những đợt sau, thương lái bắt đầu chiêu trò ép giá. Nếu nông dân không giảm giá thì thương lái sẽ không thu mua và sẵn sàng bỏ tiền cọc.
Bằng chiêu trò này, giá thu mua mỗi đợt bắt đầu giảm dần và đến hiện tại, mỗi cân sầu riêng, thương lái trả với giá giảm hơn một nửa. Do bị ép giá, nhiều nông dân không đồng ý bán nên phải tìm đến các thương lái khác. Tuy nhiên, tất cả thương lái khác đều dùng chung hình thức ép giá này.
Còn bà Võ Thị Kiều (ngụ ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy), thở dài nói: “Ngày cận Tết, nếu nông dân không bán thì sẽ không bán được cho ai. Đặc biệt, sầu riêng chín rộ và rụng nên buộc lòng nông dân chấp nhận thua lỗ, bán với giá thấp”.
Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) cho biết, chính quyền địa phương đang tìm nguyên nhân tháo gỡ, buộc các thương lái mua sầu riêng với đúng giá đã giao kèo với người dân.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, trên địa bàn xã Mỹ Long có khoảng 70ha trồng sầu riêng. Nhưng đa số các hộ trồng sầu riêng theo kiểu tự phát, tự tìm đầu ra, không có việc liên kết chặt chẽ với nhau.
Việc ký kết giao kèo chỉ bằng miệng, hoặc giao kèo trên giấy nhưng không có chứng thực của địa phương. Do vậy, khi xảy ra tình trạng thương lái ép giá, người dân không thể khiếu kiện đến ngành chức năng.