Người đàn bà suốt đời chỉ khát khao tiếng gọi... 'mẹ'

Người đàn bà suốt đời chỉ khát khao tiếng gọi... 'mẹ'

Thứ 3, 09/04/2013 15:06

Vừa mới qua một cơn co giật, cháu Tuấn nằm im, vẻ mệt mỏi, trông rất đáng thương.

Mẹ Tuấn, phạm nhân Nguyễn Thị Hải Yến chìa cho chúng tôi xem chiếc khăn thấm máu từ vết thương ở miệng cháu. Yến rơm rớm nước mắt, bảo: "Những lúc con lên cơn như vậy, tôi chỉ biết nhìn con đau đớn mà không dám ôm. Nếu ôm, tình trạng co giật của cháu lại càng nặng hơn, cứ để yên, thoáng khí thì cháu sẽ đỡ dần... Tôi luôn khát khao một tiếng gọi "mẹ" mà chưa được".

Chăm con, mẹ mới hiểu tình mẫu tử 

Có lẽ, trong số các phạm nhân nữ đang nuôi con ở phân trại số 2 (trại giam Quyết Tiến), hoàn cảnh của Nguyễn Thị Hải Yến là đặc biệt nhất. Hai vợ chồng Yến bị bắt cùng ngày về tội buôn bán trái phép chất ma tuý. Họ có một đứa con nuôi bị bại liệt từ nhỏ. Vợ chồng Yến lên trại được mấy tháng thì người nhà đem con lên trả. Tính đến nay cũng đã được hơn bảy năm cháu bé sống cùng mẹ ở đây.

Theo quy định của Nhà nước thì trẻ đi theo mẹ vào trại giam chỉ đến ba tuổi sẽ được chuyển tới các trung tâm bảo trợ xã hội nhưng tình trạng bệnh của cháu Tuấn khá nặng, cháu không thể cử động, di chuyển, cũng như không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân được, nên Yến đã làm đơn xin được để con ở lại. Xét thấy hoàn cảnh đặc biệt của Yến, Ban Giám thị trại giam đã nhất trí để cháu Tuấn ở lại cho mẹ chăm sóc.

Tuy bị bại liệt và không thể nói được nhưng mỗi khi có người hỏi chuyện cùng thì Tuấn đều biểu hiện qua ánh mắt, nụ cười và đặc biệt là rất thương mẹ. Mỗi khi cháu ốm, mệt thường chỉ có mẹ là ôm được cháu vào lòng ru ngủ, nếu là người khác thế nào cháu cũng khóc cho đến khi có mẹ thì thôi.

Vì tình trạng bệnh tật nên cháu Tuấn cũng không ăn được nhiều, thường ngày chỉ có cháo trắng xay thêm ít rau, thịt. Thương con, thỉnh thoảng Yến lại nhá cơm đổi bữa cho cháu. Trước đây, cũng có một nữ phạm nhân tự nguyện chăm sóc cháu để Yến có thể luân phiên đi lao động nhưng gần đây, khi bệnh tình của Tuấn ngày càng nặng thì chỉ mẹ cháu mới chăm sóc được. Dù chưa từng được con gọi một tiếng mẹ nhưng người đàn bà mang nhiều nỗi bất hạnh ấy luôn cố gắng hết sức, dành tất cả tình thương để chăm sóc con. 

Đã 13 tuổi nhưng cháu Tuấn trông rất nhỏ bé, chân tay co quắp, nằm liệt hoàn toàn, chỉ có đôi mắt là rất sáng. Thấy chúng tôi hỏi chuyện, cháu cũng cười theo. Xung quanh có các em nhỏ hàng ngày bi bô nói chuyện, cháu cũng đỡ buồn. Ngoài thời gian ngủ, cháu nằm nghe mẹ và các cô, các bác kể chuyện.

Pháp luật - Người đàn bà suốt đời chỉ khát khao tiếng gọi... 'mẹ'

Nguyễn Thị Hải Yến luôn khát khao một tiếng gọi "mẹ".

Theo thiếu tá Nguyễn Thị Tấp, Phó đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, do hoàn cảnh của mẹ con phạm nhân Yến khá đặc biệt nên trại cũng hết sức tạo điều kiện để chữa trị cho cháu. Nguyễn Thị Hải Yến đang là một trong những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt ở trại nên cũng đã được giảm án nhiều lần. "Mẹ cháu được giảm án ngày nào, cháu càng sớm được trở về với xã hội ngày ấy. Dù thế nào đi chăng nữa, điều kiện ở bên ngoài cháu cũng đỡ thiệt thòi hơn", thiếu tá Tấp cho biết.

Khát khao cháy bỏng một tiếng... "mẹ"

Gặp phạm nhân Yến, chúng tôi không khỏi xúc động vì câu chuyện của người đàn bà suốt đời lận đận đi tìm tiếng gọi "mẹ" của con. Yến khóc nhiều, khóc vì thương con mà cũng vì thương mình. Giọt nước mắt muộn mằn của người đàn bà hiếm muộn vừa đáng thương, vừa đáng trách.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Sông Thao (Phú Thọ), Yến là con thứ năm trong gia đình có sáu anh chị em, tuy vất vả nhưng bố mẹ Yến vẫn cố gắng nuôi các con khôn lớn. Đến tuổi trưởng thành, Yến kết hôn cùng anh N.Đ.P ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Nhưng lấy nhau đến 10 năm, mấy lần chửa đẻ vẫn không thành. Chứng có thai ngoài dạ con của Yến khiến hai vợ chồng hết lần này đến lần khác hy vọng rồi lại thất vọng. Đến năm 1997, hạnh phúc gia đình Yến tan vỡ cũng chỉ vì nỗi hiếm muộn.

Một thời gian sau, Yến kết hôn cùng Nguyễn Đức Hoàn cũng ở thị trấn Sông Thao. Hoàn trước đây chưa từng kết hôn, nhưng do hiểu và cảm thông cho tình yêu giữa hai người nên gia đình Hoàn cũng không phản đối cuộc hôn nhân này. Cả gia đình chồng dốc hết tiền bạc để chữa trị cho Yến, chỉ mong sao có tiếng trẻ líu lo trong nhà nhưng những gì họ nhận được vẫn chỉ là nỗi thất vọng. Nghe lời khuyên của các bác sĩ, hai vợ chồng Yến nhận một cháu bé bị bỏ rơi ở bệnh viện về làm con nuôi.

Cháu bé mới sinh ra được một ngày tuổi, có đôi mắt sáng được hai vợ chồng Yến đặt tên là Tuấn. Nhưng chỉ ba tháng sau, thấy cháu có biểu hiện phát triển không bình thường, linh tính có điều gì đó không ổn, hai vợ chồng Yến đưa cháu đi khám thì phát hiện cháu có vấn đề về não. Lên bệnh viện Nhi Trung ương khám thì nhận được kết luận cháu bị chứng teo não dẫn tới bại liệt. Lúc đó, các bác sĩ cũng khuyên hai vợ chồng nên để cháu lại bệnh viện sẽ tiện cho việc chăm sóc nhưng vì quyến luyến cháu, cũng vì tình thương, dù gì hai vợ chồng cũng đã làm cha, làm mẹ của cháu một thời gian nên vợ chồng Yến lại ôm con về. 

Cho đến khi cháu Tuấn được gần 4 tuổi thì Hoàn mắc nghiện ma tuý. Nguyên nhân cũng do Hoàn chán chường chuyện gia đình, con cái và bị bạn bè xung quanh lôi kéo, đến khi vợ phát hiện ra thì Hoàn đã nghiện nặng. Vợ chồng rủ rỉ đưa nhau đi cai nghiện nhưng không thành. Cứ về được một thời gian thì Hoàn lại tái nghiện. Yến vừa buôn bán nuôi con vừa "nuôi" những cơn nghiện của chồng. Tự ti vì tâm lý ăn bám vợ và để có tiền thoả lấp những cơn nghiện ngày càng nhiều của mình, Hoàn nhận bỏ mối ma tuý cho một số con nghiện trong vùng.

Thấy chồng làm một mình thì thương, Yến cũng nhận làm theo, hai vợ chồng mua ma tuý về chia thành những tép nhỏ để bán, được một thời gian ngắn thì sa lưới pháp luật. Toà tuyên phạt Hoàn mức án 15 năm tù, Yến 13 năm tù. Hai vợ chồng bị tuyên án xong thì cháu Tuấn được chuyển về ở với bà ngoaị, nhưng do tuổi cao, sức yếu, việc chăm sóc cháu lại khá vất vả nên cuối cùng bà đành phải đưa cháu lên cho mẹ cháu nuôi dưỡng. Đây cũng là lần cuối cùng Yến được gặp mẹ, vì bà mất ít lâu sau đó.

Giờ, ngồi nghĩ lại những chuyện trước đây, Yến tỏ ra ăn ăn: "Hồi đó, thực ra cũng chỉ vì chữ tham chị ạ, chứ nếu buôn bán nhì nhằng, vợ chồng tôi cũng đủ sức nuôi cháu. Cuộc đời tôi đúng là chỉ toàn cay đắng. Chồng thì nghiện hết lần này đến lần khác, lại còn nhiễm HIV. Anh ấy mất năm ngoái. Sau ngày anh mất, gia đình nhà chồng cũng gần như quên luôn hai mẹ con tôi! Tôi cũng chẳng trách gì, mình làm thì mình chịu, chỉ thương cho con phải khổ lây. Hy vọng một ngày nào đó con có thể gọi tiếng "mẹ", như thế đã là đủ cho tôi lắm rồi".

Giọt nước mắt muộn mằn của Yến khiến người ta không khỏi chạnh lòng. Rời phân trại số 2, chúng tôi vẫn còn ám ảnh bởi nụ cười trong sáng của Tuấn và của những cháu nhỏ khác đang phải theo mẹ vào đây. Chúng tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó, nếu có duyên gặp lại, sẽ thấy các cháu phát triển toàn diện như những gì tuổi thơ đáng được hưởng.   

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!              

Có lẽ mẹ phải trả giá cho... đời!

Ôm đứa con tật nguyền trong tay, Yến lã chã nước mắt tâm sự: "Trước khi bị bắt, vợ chồng tôi cũng định xin nhận con của một người phụ nữ không chồng mà chửa để làm con nuôi. Suốt quá trình người phụ nữ ấy mang thai, hai vợ chồng tôi thường xuyên quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng, chỉ chờ ngày cô ấy sinh nở để được ẵm đứa bé vào lòng, cảm nhận từng tiếng khóc oe oe đáng yêu của trẻ. Ngày này qua ngày khác tôi vẫn mong chờ, ước ao cái giây phút hạnh phúc ấy, vậy mà… chưa được ẵm con ngày nào thì bị bắt.

Chỉ sau đó ít hôm, người phụ nữ kia cũng sinh con, được một bé trai bụ bẫm, đáng yêu lắm chị ạ. Hàng xóm nhà tôi có một cặp vợ chồng cũng hiếm muộn nên nhận nuôi đứa bé luôn. Vì thấy tôi cùng cảnh ngộ nên họ rất thương cảm, thỉnh thoảng lại lên trại thăm hai mẹ con tôi. Nhưng, đúng là ông trời bất công quá, lên 4 tuổi thì đứa bé đó mất vì tai nạn giao thông, hai vợ chồng hàng xóm của tôi khóc hết nước mắt. Họ lên thăm, tâm sự với mình, tôi cũng chỉ biết khóc thôi chị ạ! Cuộc đời tôi bất hạnh như vậy có lẽ cũng là do ông trời trừng phạt, để tôi phải trả giá cho những đớn đau mà mình đã đem đến cho rất nhiều gia đình khác, họ phải tan nát hạnh phúc vì ma tuý".

Thương con nuôi dù bị tật nguyền

Về nhà, thấy càng lớn, chân tay cháu càng co quắp, không ngồi, đứng, cử động được bình thường, vợ chồng Yến lại càng thương. Khi đó, có một số người trong họ hàng cũng tỏ ý phản đối việc vợ chồng Yến nhận nuôi cháu nhưng cả hai đều bỏ ngoài tai. Cháu Tuấn không chỉ nằm bất động mà còn thường xuyên đau ốm, tháng nào vợ chồng Yến cũng phải đưa cháu vào bệnh viện để chữa trị, thuốc thang. 

Đỗ Huệ - Chí Công

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.