Lời nhắn đến Tổng thống Nga Vladimir Putin
Sáng ngày Chủ nhật (14/5), Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo từ khu vực gần bờ biển phía Tây nước này và bay gần 700 km. Các quan chức Nhật Bản cho biết, tên lửa được Triều Tiên phóng lên đã bay khoảng 30 phút, “tên lửa bay rất cao, đạt đỉnh khoảng 2000 km” và dường như đã rơi ở bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống khu vực biển Nhật Bản, nhưng rất gần miền Đông nước Nga, chỉ cách cảng Vladivostok khoảng 60 dặm (96km).
“Với một tên lửa bay đến gần khu vực đất liền của Nga hơn, trên thực tế, gần nước Nga hơn là so với Nhật Bản. Tổng thống Donald Trump không thể tưởng tượng được rằng Nga lại 'hài lòng' với hành động này", tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.
Ông David Wright, một chuyên gia tên lửa, đồng thời là Giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu của Ủy ban các nhà Khoa học Quan tâm (CCS) cho hay, dựa trên những số liệu do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cung cấp hiện nay cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên.
“Với loại tên lửa mới, Triều Tiên hoàn toàn có thể tiêu diệt căn cứ Guam, siêu căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương, vốn chỉ cách Triều Tiên 3.400 km. Nhưng tên lửa này còn lâu mới có thể vươn tới Mỹ khi khoảng cách là hơn 8.000 km và tiểu bang gần Triều Tiên nhất là Hawaii cũng cách Bình Nhưỡng 7.000 km”, ông Wright phân tích.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích nhận thấy những thay đổi quân sự đặc biệt của Nga sau vụ thử tên lửa ngày 14/5. Moscow đã đặt hệ thống phòng không tầm cao tại phía Đông trong tình trạng báo động cao, theo một báo cáo từ hãng tin RIA Novosti.
“Chúng ta cần biết rằng, Nga đang đặt trong tình trạng nguy hiểm, khi 1 quả tên lửa nhiều khả năng có thể rơi trên lãnh thổ mình. Để bảo vệ người Nga khỏi những sự cố bất ngờ có thể xảy ra, chúng tôi đã đặt hệ thống phòng không ở vùng Viễn Đông trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu”, Viktor Ozerov, người đứng đầu Ủy ban Hội đồng Liên bang về quốc phòng và an ninh cho hay.
Vụ thử tên lửa này rơi rất gần lãnh thổ Nga, nhiều khả năng, lãnh đạo Triều Tiên Kin Jong-un đang muốn truyền thông điệp tới Moscow và Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.
“Đối với Nga, Bình Nhưỡng như muốn nói rằng, tôi có thể đe dọa anh. Còn với Trung Quốc, Triều Tiên đang muốn khẳng định, họ là một quốc gia độc lập và không hề phụ thuộc vào Bắc Kinh”, Carl Schuster, giáo sư tại đại học Hawaii Pacific, đồng thời là cựu Giám đốc điều hành của trung tâm Tình báo Mỹ tại Thái Bình Dương nhận định.
Cùng ngày (14/5), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thương mại lớn với sự tham gia của nhiều các lãnh đạo trên thế giới, trong đó có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và phái đoàn Triều Tiên.
“Không phải ngẫu nhiên Triều Tiên thử tên lửa ngày hôm nay. Chính quyền Kim Jong-un như muốn thúc đẩy Nga cần tham gia nhiều hơn nữa trong việc giải quyết căng thẳng trên bán đản Triều Tiên. Đó là cách Bình Nhưỡng truyền tin tới Nga, họ cần phải lên tiếng để ngăn việc Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt quốc tế lên Triều Tiên”, giáo sư Carl Schuster phân tích.
Xem thêm >>> Trump gặp Ngoại trưởng Nga sau khi sa thải Comey: Hé lộ hai kịch bản
Lo ngại gia tăng tại khu vực Thái Bình Dương
Ngay sau vụ thử tên lửa, bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang những căng thẳng không đáng có trong khu vực.
Còn với Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án vụ phóng tên lửa ngày Chủ Nhật (14/5) và cáo buộc “Bình Nhưỡng đang cố tình chống lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
Trong khi đó, sau vụ thử tên lửa, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về vụ phóng tên lửa trên. Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi Tổng thống mới của Hàn Quốc nhậm chức hôm 9/4.
Tổng thống Donald Trump kêu gọi cần trừng phạt mạnh hơn Triều Tiên. "Hãy coi hành động khiêu khích này là lời kêu gọi mọi quốc gia áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh hơn nữa đối với Triều Tiên", theo Nhà Trắng.
Trong vòng hơn hai tháng qua, Triều Tiên đã 4 lần thử tên lửa đạn đạo tuy thất bại. Các chuyên gia về vũ khí tin rằng, Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này.
Cách đây 2 tuần (29/4), Triều Tiên đã phóng thử một quả tên lửa đạn đạo nhưng thất bại. Nhiều khả năng đó là một vụ thử tên lửa tầm trung có tên gọi KN-17, một loại mới của tên lửa Scud và có thể được dùng để tiêu diệt các chiến hạm.
Xem thêm >>> Bán đảo Triều Tiên: Tân TT Hàn Quốc có lật ngược thế trận tên lửa?
Phương Anh