Duy trì hiện trạng
Theo Task and Purpose, quân đội Mỹ có thể tiếp tục các hoạt động và các cuộc diễn tập quân sự thường xuyên trong khi bộ Ngoại giao Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan tới các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, cũng như các giải pháp ngoại giao.
Đây là phương pháp được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng trong suốt 8 năm ông cầm quyền, nhằm hạn chế hậu quả. Phương án này giúp tình hình trên bán đảo Triều Tiên không bị leo thang thành một cuộc xung đột quân sự.
Tuy nhiên, những người phản đối chính sách “kiên nhẫn chiến lược” mà ông Obama từng theo đuổi nhận định, phương án này đã nhiều năm thất bại trong việc ngăn chặn Triều Tiên đạt được năng lực hạt nhân hoặc tạo ra các tên lửa tầm xa.
Cho đến nay, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã bổ sung chính sách này bằng cách triển khai nhiều tàu sân bay hơn và đôi khi đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Bình Nhưỡng bằng “lửa và sự giận dữ”.
Tăng cường vũ trang cho quân đội Mỹ tại khu vực
Các máy bay tiêm kích và các máy bay ném bom của Mỹ, tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục tên lửa và thậm chí là các vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể được triển khai tới Hàn Quốc và Nhật Bản thường xuyên hơn để đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực.
Trong khi đó, hiện diện hải quân và lực lượng trinh sát điện tử gia tăng tại khu vực sẽ giúp ngăn chặn các chuyến hàng tới Triều Tiên, mà từ đây có thể giúp Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình vũ khí.
Tuy nhiên, một số người bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của phương án này vì e ngại Triều Tiên xem động thái trên là cớ để quốc gia bí ẩn tiếp tục chương trình phát triển vũ khí.
Bắn hạ tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên
Mục tiêu của Mỹ là nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng như đóng băng chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Để đạt được mục tiêu đó, việc bắn hạ tên lửa của Triều Tiên được xem là một giải pháp.
Nếu Mỹ bắn hạ các tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ mất các dữ liệu thử nghiệm cần thiết để có được sự tự tin đối với kho tên lửa của mình. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi các vũ khí phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ, như các tàu khu trục hải quân, phải liên tục hiện diện trong khu vực, hạn chế các nguồn lực sẵn có ở khu vực khác.
Dẫu vậy, Triều Tiên vẫn có thể thử các tên lửa tầm ngắn hơn, khiến các lực lượng Mỹ ở bán đảo Triều Tiên gặp nguy hiểm. Chưa kể, khó đoán được Bình Nhưỡng sẽ xử trí ra sao nếu các tên lửa của nước này bị bắn hạ.
Phá hủy các điểm bắn tên lửa của Triều Tiên
Với các cuộc không kích hạn chế và vài vụ phóng tên lửa Tomahawk của hải quân, quân đội Mỹ có thể sẽ phá hủy tất cả các bệ phóng tên lửa và nơi sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tuy nhiên, Mỹ có thể không nắm rõ toàn bộ cơ sở hạ tầng sản xuất tên lửa của Triều Tiên. Do đó có thể dễ dàng để sót một số địa điểm bí mật hoặc địa điểm dưới lòng đất.
Để đáp trả lại, Triều Tiên có thể triển khai toàn bộ lực lượng pháo binh nhằm vào các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tại khu vực, hoặc phóng tên lửa hạt nhân nhằm vào Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dùng vũ lực để phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Mỹ có thể dùng chiến dịch quân sự lớn hơn nhằm vào tất cả các cơ sở hạt nhân và tên lửa trên khắp Triều Tiên. Mỹ có thể huy động các lực lượng đặc nhiệm đổ bộ xuống biên giới để vô hiệu hóa các khu vực trọng yếu của Triều Tiên.
Song phương án này được cho là sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ thảm khốc đối với các đồng minh của Mỹ.
Thay đổi chế độ Triều Tiên
Phương án thay đổi chế độ ở Triều Tiên bằng vũ lực có thể sẽ diễn ra nhưng phương án này không hề đơn giản. Những người Triều Tiên khắc sâu các khẩu hiệu tuyên truyền sẽ tiếp tục chiến đấu, thậm chí là dữ dội.
Đây được đánh giá là phương thức nhiều rủi ro với các yếu tố khó đoán.
Rút lính Mỹ khỏi Hàn Quốc
Có ý kiến cho rằng, Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân đơn giản bởi vì Mỹ có binh lính tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu Mỹ rút quân, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ không cảm thấy bị áp lực. Điều này có thể dễ dàng khiến Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân.
Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đàm phán sau khi giành được ưu thế so với Hàn Quốc. Thêm nữa, bản báo cáo cũng phân tích Mỹ nên chấm dứt việc triển khai quân đội hợp pháp tới Nhật Bản, Hàn Quốc với hy vọng rằng đổi lại, Triều Tiên sẽ chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân bất hợp pháp.
Mỗi phương án có những điểm mạnh, yếu riêng. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng các phương án quân sự không thể giải quyết được các vấn đề về chính trị. Có điều, trong trường hợp xấu nhất xảy ra tại bán đảo Triều Tiên, nước Mỹ đã sẵn sàng ứng phó.
Xem thêm >> TT Trump: Washington coi Tokyo là "đồng minh quan trọng"