Chân dung họa sĩ : Bùi Xuân Phái
Cả đời họa sĩ Bùi Xuân Phái có ao ước lớn nhất là được đi Pháp, đến thăm bảo tàng Louvre và tận mắt ngắm những bức tranh của Picasso - bậc thầy hội họa mà ông hằng ngưỡng mộ. Nhưng lúc Hội Mỹ thuật thông báo ông được Chính phủ Pháp mời qua, thì Bùi Xuân Phái đã không thể đi được. Ông bị ung thư phổi, bước sang giai đoạn di căn. Đó là những ngày buồn thảm không thể quên đối với gia đình ông.
Bà Sính kể: "Hôm ông Phái đi triển lãm tranh Văn Dương Thành về, chợt bảo vợ: “Này, cánh tay tôi một bên bị béo ra”. Tôi lập tức đi mời bác sĩ thì nhận được trả lời ông ấy bị viêm họng. Nhưng bác sĩ lại gọi tôi ra nói: “Anh Phái bị ung thư rồi”. Mọi người giấu không cho ông biết. Ông ấy rất sợ vào bệnh viện nên cứ thấy ông hơi khỏe ra, tôi lại cho các con đón về. Sau đó, tôi quạt bún chả cho ông ăn. Ông rất thích...".
Những ngày còn lại của cuộc đời, Bùi Xuân Phái hối hả vẽ. Ông sai con trai hạ hàng loạt tranh xuống để sửa sang, vẽ thêm. Một số bức cũng bị ông xóa sạch. Ông vẽ lại tất cả những gì chợt hiện ra trong ký ức mình: Phố, hoa, những đứa con ở xa, và người vợ hiền tần tảo...
Mùa hạ, trước khi vào bệnh viện, ông còn cố vẽ phố Nhà Thờ, phố Nhà Hỏa, hai con phố nhỏ gần nhà ngập trong nắng, rất đẹp và sáng sủa. Căn bệnh bắt đầu hành hạ ông ngày càng nhiều. Trước khi đi mười ngày, ông bị mất tiếng, không nói được, muốn diễn đạt gì phải viết ra giấy.
Họa sĩ Bùi Thanh Phương kể: "Gia đình cố giấu ông về bệnh tật, nhưng tôi lại có cảm giác chính bố tôi mới là người đang cố đóng vai vui vẻ. Có lẽ, ông không muốn mẹ và chúng tôi đau lòng thêm. Ông đã đón đợi cái chết một cách bình thản nhất".
Bà Phái trong tranh của chồng vẽ
Trên giường bệnh, ông vẽ bức tự họa cuối cùng: Gương mặt gầy hốc hác chỉ có đôi mắt ngùn ngụt sáng. "Trong lúc ốm đau, thời gian đi cực kỳ là chậm. Nhất là đêm gần về sáng"- đó là những dòng nhật ký cuối cùng ghi bằng nét bút máy run run dưới góc bức tranh. Ngày 24/6/1988, trái tim họa sĩ Bùi Xuân Phái đập những nhịp đập cuối cùng...
Cuộc đời Bùi Xuân Phái là một bức chân dung lớn về nhân cách người nghệ sĩ: Ông thương yêu, tha thứ và làm việc. Sáu mươi tám mùa thu, ông đã đi trọn một vòng hào quang rực rỡ để trở thành một trong những danh họa bậc nhất của Việt Nam thế kỷ XX.
Những người Việt Nam dù có lưu lạc ở phương trời nào, nếu may mắn được gặp ông, sẽ thấy lòng mình ấm áp và được an ủi. Bởi qua tranh của Bùi Xuân Phái, họ đã gặp được mùa xuân vĩnh cửu của nghệ thuật đích thực - thứ nghệ thuật dung dị và luôn cảm động, vì đã vinh danh con người và vẻ đẹp của đời sống này. Còn Hà Nội, với tình yêu và lòng biết ơn, đã ghi tên ông vào 1000 năm thiêng liêng của mình - Phố Phái!
P.V