Để lại con trai ở Thái Lan
Việc bà Yingluck trốn thoát ngay trước phiên toà ngày 25/8 để tránh phán quyết trong vụ kiện chống lại bà về sai sót ở chương trình trợ giá lúa gạo được đánh giá là bất ngờ.
Bởi lẽ hai ngày trước đó, hôm 23/8, người ta còn thấy nữ cựu Thủ tướng quỳ gối trước các nhà sư để dâng lễ vật theo một nghi thức lễ hội truyền thống.
Khoảng 9h sáng, bà tham gia phóng sinh cá tại chùa gần sông Chaophraya ở Thủ đô Bangkok. Và theo lời các trợ lý của bà, đến thời điểm đó, bà Yingluck vẫn giữ ý định trình diện tại phiên tòa luận tội sáng 25/8. Tuy nhiên, cuối cùng, chỉ trong vòng 1 ngày, bà đã rời khỏi Thái Lan.
Một nguồn tin thân cận cho biết, bà Yingluck Shinawatra vẫn có ý định có mặt tại phiên tuyên án, tuy nhiên bà đã lựa chọn ra đi vì theo nguồn tin bà nắm được, tòa án sẽ ra phán quyết nghiêm khắc đối với bà và sẽ không cho bà tại ngoại.
“Bà ấy không phải một người hấp tấp. Bà ấy luôn luôn lên kế hoạch một cách rất cẩn thận. Việc rời đi thực sự là một quyết định vào phút chót", nguồn tin cho hay.
Cũng theo nguồn tin này, bà Yingluck đã bỏ trốn cùng với hai trợ lý, chỉ để lại cậu con trai Supasek Amornchat, 15 tuổi, ở lại Thái Lan.
Để đánh lạc hướng dư luận, lúc 10h55 sáng 24/8, vài giờ trước khi rời đi, bà Yingluck vẫn đăng một dòng trạng thái trên tài khoản Facebook cá nhân khuyên người ủng hộ không nên tới phiên tòa hôm sau, đồng thời xin lỗi vì không thể gặp mặt họ vì lý do an ninh.
Việc bà Yingluck bỏ trốn khỏi Thái Lan trót lọt bất chấp mạng lưới an ninh dày đặc làm dấy lên đồn đoán bà có thể đã được những nhân vật có ảnh hưởng trong chính quyền Thái Lan hỗ trợ.
Tờ Asia Nikkei trích dẫn nhiều nguồn tin khác nhau cho rằng, không phải ai khác mà chính quyền quân sự đã lật đổ Chính phủ Yingluck trong một cuộc đảo chính năm 2014 và nỗ lực nhiều năm để làm suy yếu ảnh hưởng của gia đình Shinawatra... là thế lực giúp bà Yingluck rời đi.
Tờ Bangkok Post cho hay, với sự trợ giúp trên, nữ chính khách dễ dàng qua Campuchia, đến Singapore và cuối cùng có mặt ở Dubai đúng theo kế hoạch.
Giới quan sát lý giải, với tính chất của một chính quyền quân sự, sẽ rất khó cho bà Yingluck có thể rời bỏ đất nước, mà không có sự giúp đỡ của một nhân vật có quyền lực nào đó.
Tuy nhiên, hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan (NCPO), chính quyền quân sự đương thời của Thái Lan hôm 28/8 cũng bác bỏ thuyết âm mưu nói rằng, họ bí mật đồng ý cho bà Yingluck thoát khỏi đất nước trước khi phiên tòa diễn ra. Tuyên bố này cũng đưa ra cùng lúc phía Campuchia khẳng định, không có chuyện Phnom Penh để nữ chính khách Thái Lan đi qua nước mình trong kế hoạch trốn thoát.
Giới chức Thái Lan, trong đó có Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan cũng bác bỏ đồn đoán này. Họ khẳng định, không biết bằng cách nào bà Yingluck có thể lọt qua lưới an ninh cũng như không biết tung tích hiện nay của bà.
Đề nghị Interpol phối hợp truy tìm
Một số nguồn tin thân cận với giới quyền lực Thái Lan cho rằng, lý do khiến các quan chức có động thái “bật đèn xanh” cho cuộc đào thoát của bà Yingluck là nhằm tránh sức ép và bất ổn xã hội, đặc biệt khi mà vẫn có rất nhiều người ủng hộ nữ cựu Thủ tướng.
Tuy nhiên, nguồn tin trong NCPO cho biết, việc trốn thoát của nữ chính khách hoàn toàn không có lợi cho NCPO, khi thực tế họ phải đối mặt với chỉ trích khắc nghiệt từ công chúng.
Ngày 28/8, Phó Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP), Đại tướng Srivara Ransibrahmanakul đã chỉ thị cho bộ phận hợp tác quốc tế của cảnh sát đề nghị Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phối hợp truy tìm cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Tướng Apichart cũng cho hay, RTP sẽ liên lạc với UAE, một quốc gia thành viên của Interpol để yêu cầu xác minh thông tin về sự hiện diện của bà Yingluck tại quốc gia Trung Đông này.
Ông nói, nếu cảnh sát nước ngoài phát hiện tung tích của bà Yingluck, RTP sẽ yêu cầu một lệnh truy bắt quốc tế đối với nhân vật này. Trước đó, lệnh truy nã bà Yingluck đã được tòa án đưa ra sau khi bà không xuất hiện tại tòa vào ngày 25/8.
Giới quyền lực Thái Lan bẽ bàng
Việc bà Yingluck trốn thoát bí hiểm khiến giới chức Thái Lan, đặc biệt là chính quyền quân sự đối mặt với không ít chỉ trích. Sự biến mất bí ẩn của nữ cựu Thủ tướng khiến cho công chúng nước này nghi ngờ chính quyền đã để bà trốn thoát.
Nhà hoạt động chính trị Srisuwan Janya, Tổng thư ký tổ chức chính trị Hiệp hội bảo vệ hiến pháp Thái (APTC), cho biết, dân chúng có đủ lý do để tin rằng giới chức an ninh đã để cho bà Yingluck trốn thoát vì trước đó, bà bị lực lượng này theo dõi chặt chẽ.
“Làm sao giới chức biết khi nào và từ đâu bà ấy sẽ bỏ trốn? Việc trốn thoát của bà Yingluck là điều bất ngờ vì trước đó bà luôn nói sẽ không bỏ đi. Hơn nữa, luôn có cảnh sát túc trực trước cổng nhà bà mọi lúc”, Phó thủ tướng Prawit khẳng định.
Lãnh đạo APTC Srisuwan kêu gọi mở cuộc điều tra truy cứu trách nhiệm của Phó Thủ tướng Prawit và lãnh đạo cảnh sát quốc gia Chakthip Chaijinda vì không ngăn cản được bà Yingluck đào thoát.
Trong khi đó, giới chức Thái Lan vẫn không có lời giải thích chính thức về việc làm thế nào mà bà Yingluck có thể dễ dàng trốn thoát ngay trước thời điểm then chốt khi phán quyết của tòa án được đưa ra.
Xem thêm >> Thuyết âm mưu trong vụ đào tẩu của bà Yingluck và khối tài sản bị phong tỏa
V.T.H