Trong những ngày gần đây, hơn 200 tiểu thương buôn bán tại chợ Long Xuyên, TP.Long Xuyên, An Giang, lâm vào cảnh vô cùng “khốn đốn” từ khi nhận được thông báo số 79 được ký ngày 27/9 vừa qua, bởi ông Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang).
Nội dung thông báo này cho biết: Về việc di dời các hộ tiểu thương đang trực tiếp kinh doanh nông sản, dạng bán sỉ (rau củ, quả và trái cây) tại chợ Long Xuyên và trên địa bàn phường Mỹ Long, đến Chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần thủy hải sản thuộc khu dự án thương mại của Công ty TNHH đầu tư và chế biến lương thực Thiên Ngọc làm chủ đầu tư.
Thông báo 79 lập tức tạo nên sự phản ứng gay gắt từ bà con tiểu thương ở chợ Long Xuyên.
Trao đổi với phóng viên (PV) báo điện tử Người Đưa Tin, chị Ô Kim Loan, một tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ bức xúc nói: “Từ trước đến nay khi chưa có khu chợ Long Xuyên thì chúng tôi phải buôn bán đầu đường xó chợ, chạy hết chỗ này đến chỗ khác.
>> Tiểu thương bị ép di dời qua chợ tư nhân: Lợi ích nhóm? (2)
>> Ép tiểu thương di dời chợ: TP.Long Xuyên không minh bạch (3)
Sau khi chợ Long Xuyên được xây dựng chúng tôi rất mừng. Tưởng chừng được an phận buôn bán dồn hết vốn liếng của gia đình vào đầu tư sạp, đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Nhưng chưa thu hồi được vốn đầu tư thì chính quyền ra thông báo như vậy. Chúng tôi làm gì có tiền để chuyển đi nơi khác”.
Chị Nguyễn Thị Loan (tiểu thương) vừa khóc, vừa nói: “Hàng ngày buôn bán khi được khi không, mà ở chợ này thì gần trung tâm còn bán được chứ nếu mà buộc chúng tôi phải rời xuống dưới phường Mỹ Thới cách gần cả chục cây số, vắng như ‘chùa bà đanh’ thì còn buôn bán gì nữa.
Cả gia đình tôi phụ thuộc vào sạp rau bắp cải này từ mấy chục năm nay cũng giống như truyền thống từ thời cha ông rồi. Giờ bảo di dời thì cuộc sống cả gia đình sẽ ra sao?”.
“Chính quyền họ biết chúng tôi kinh doanh ở đây đã lâu lắm rồi, tiểu thương phải thức từ 2 giờ sáng mua rau, rồi phân phối lại cho những người bán lẻ khác trên địa bàn. Để kiếm được đồng tiền từ bó rau, trái bắp, nuôi sống gia đình vất vả khổ cực lắm. Vậy mà, họ nói di dời chúng tôi là di dời.
Thậm chí, không hề thông báo cho chúng tôi biết trước để chuẩn bị, tới khi mọi người kháo nhau làm ầm lên thì biết mình sắp cùng hàng trăm người khác phải tới bán ở ngôi chợ do tư nhân xây dựng”, bà Lê Thị Trinh (tiểu thương) bức xúc nói.
Không chỉ riêng gì chị Loan, bà Trinh…, tại khu chợ trên rất nhiều tiểu thương cũng lâm vào tình cảnh khốn cùng, phải chạy vạy từng đồng làm vốn, vay ngân hàng trả lãi hàng tháng chỉ để đầu tư vào buôn bán kiếm sống nuôi cả gia đình.
Nên trước quyết định di dời hơn 200 tiểu thương từ ngôi chợ Long Xuyên đang kinh doanh tốt đẹp, sang một ngôi chợ do tư nhân xây dựng, thuộc dự án bất động sản xa hàng chục km thưa vắng người và việc không hề thông báo, hỏi ý kiến tiểu thương của UBND TP.Long Xuyên đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt.
Các tiểu thương đã phản ánh đến cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết và làm rõ vụ việc. Hàng trăm con người đang không biết cuộc sống sẽ đi về đâu trước sự việc phải di dời. Cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm vẫn chưa giải thích thỏa đáng để yên lòng các tiểu thương.
Chợ Long Xuyên tọa lạc tại phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên có diện tích 18.100m2, qui mô 1.033 lô sạp với tổng mức đầu tư 38,18 tỉ đồng. Công trình gồm các hạng mục cơ bản như khu bách hóa công nghệ, nông sản thực phẩm tươi sống, khu tự sản tự tiêu và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật gồm: bãi xe tải, bãi xe dành cho người đi bộ cùng các tuyến giao thông nội, ngoại vi. Chợ là khu giao lưu buôn bán giữa đường bộ, đường thủy và các vùng lân cận của khu vực miền tây Nam Bộ. Với bề dày lịch sử của mình, nơi đây không còn thuần túy là điểm kinh doanh, buôn bán mà chợ cung cấp nông sản được biết đến như một chứng nhân lịch sử, một địa điểm hội tụ văn hóa truyền thống vùng miền. |
Đón đọc lúc 17h30: Kỳ 2 - Tiểu thương bị ép qua chợ tư nhân: Lợi ích nhóm?
Mỹ Linh - Sao Mai