Đây cũng là chứng tích thể hiện tinh thần yêu nước và sự quật cường của những chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Khu Chín Hầm thuộc ấp Ngũ Tây, làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế ( Thừa Thiên – Huế ). Gọi là Chín Hầm nhưng thực ra là 8 hầm và 1 căn nhà gác. Trước đây, khu vực này là kho tàng vật liệu vũ khí chiến tranh do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1941.
Hầu hết các căn hầm ở đây đều đã đổ nát
Năm 1954, trong một lần đi săn, Ngô Đình Cẩn, em trai Ngô Đình Diệm (Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa) tình cờ phát hiện và nhận thấy, đây là nơi lý tưởng để thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng. Ông ta nhanh chóng cải tạo nơi này và gọi là Chín Hầm.
Nhà giam Chín Hầm tồn tại từ năm 1954 đến 1963. Ngay vào ngày gia đình họ Ngô bị đảo chính, Ngô Đình Cẩn bị bắt, như để giải tỏa nỗi uất hận, người dân xứ Huế đã lên nhà giam Chín Hầm đập phá tan hoang.
Diện tích toàn bộ khu vực nhà giam là 4ha. Tất cả các hầm của nhà giam đều nằm xung quanh khu vực núi Thiên Thai.Trong đó, hầm số 1, 2, 3 ở phía trước đỉnh đồi. Hầm số 4, 9 trên đỉnh đồi. Sau đỉnh đồi là hầm số 5, 6, 7, 8.
Các hầm có hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Trừ hầm số 1 chìm sâu xuống lòng đất, các hầm còn lại chỉ bằng 1/3 - 2/3 chiều cao hầm nổi trên mặt đất.
Mỗi hầm có một chức năng riêng, tùy vào thành phần phạm tội khác nhau mà bị giam giữ ở các hầm khác nhau. Tất cả các hầm đều xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt sắt. Mỗi hầm có 20 chuồng cọp và chỉ có duy nhất một lỗ thông hơi.
Hiện nay, các hầm hầu như đã đổ nát. Chỉ có số 8 được phục dựng, bởi đây là căn hầm điển hình nhất của “ địa ngục trần gian ”.