Malaysia bác bỏ tuyên bố của Triều Tiên
Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia, ông Tan Sri Khalid Abu Bakar ngày 3/3 bác bỏ tuyên bố của Triều Tiên rằng công dân Triều Tiên Kim Chol, người được cho là Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Triều Tiên, có thể chết vì một cơn đau tim.
Ông Khalid Abu Bakar nói rằng giới chuyên gia Malaysia đã xác nhận rằng ông Kim Chol đã chết sau khi 2 người phụ nữ bất ngờ dùng tay quệt lên mặt ông này với loại chất độc mà sau đó được xác nhận là chất độc thần kinh VX.
"Chúng tôi có các chuyên gia đủ trình độ chuyên môn để xác định nguyên nhân cái chết của ông Kim Chol. Các cuộc điều tra của chúng tôi cùng với các báo cáo chuyên gia đã xác định rằng ông Kim Chol bị sát hại. Triều Tiên có thể nói bất kỳ điều gì họ muốn song sự thật vẫn là sự thật", ông Bakar khẳng định.
Trước đó, Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia Ri Tong-il ngày 3/3 tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng ông Kim Chol chết vì cơn đau tim, tiểu đường và áp huyết cao chứ không phải vì bị đầu độc.
Triều Tiên chỉ công nhận người đàn ông chết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/2 là công Kim Chol theo hộ chiếu của người này, chứ không phải là Kim Jong-nam.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đối mặt với cáo buộc “đi đêm” với Nga
Theo tờ Washington Post, các nhà lập pháp đảng Dân chủ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích và kêu gọi tân Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions từ chức.
Lời kêu gọi trên xuất phát từ việc ông này bị “tố” từng liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ hai lần vào thời điểm Moscow đang đối mặt với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoái.
Theo các quan chức Mỹ, Bộ trưởng Jeff Sessions được cho là đã gặp Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak 2 lần vào năm ngoái khi ông còn là Thượng nghị sĩ bang Alabama và là thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ.
Lần đầu ông Sessions bị cáo buộc gặp riêng ông Kislyak, và cuộc gặp thứ hai có thêm một số người khác sau khi ông Sessions đọc bài diễn văn tại một sự kiện do Heritage Foundation tổ chức. Đọc tiếp…
Cựu Tổng thống Obama sắp quay lại chính trường?
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quay lại chính trường là điều mà nhiều người Mỹ luôn mong muốn. Mới đây, chính cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống Obama Eric Holder đã tiết lộ thông tin đầy bất ngờ nói trên. Theo ông Holder, ông Obama sẽ đảm nhiệm vị trí người đứng đầu một cánh của Đảng Dân chủ.
Ông Holder tuyên bố: “Ông ấy sắp trở lại và ông ấy đã sẵn sàng hành động”. Theo ông Holder, ông Obama có thể sẽ làm việc trong Ủy ban Phân vùng Vận động Bầu cử Quốc gia của Đảng Dân chủ có trách nhiệm chống gian lận trong bầu cử.
Trong bản mô tả của mình, Ủy ban này nêu rõ, họ là “một tổ chức của các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ nhằm vạch ra chiến lược phân vùng vận động bầu cử một cách toàn diện trong vòng 5 hoặc nhiều năm tới”. Ông Holder là Chủ tịch trong nhóm mà ông Obama được mời tham dự.
Thực hư tin đồn trùm khủng bố Osama bin Laden còn sống
Dù Nhà Trắng đã tuyên bố trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt vào năm 2011 nhưng vẫn có những người tin rằng hắn vẫn còn sống. Giả thiết này vẫn đang lan truyền rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội.
Những người tin bin Laden còn sống đang kỳ vọng chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump cam kết giải mật các tài liệu mật về cái chết của bin Laden để làm sáng tỏ nghi vấn trùm khủng bố khét tiếng này vẫn còn sống.
Họ tin rằng, kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9/2001 nhắm vào nước Mỹ thực tế chưa bị giết trong một chiến dịch đột kích của Hải quân SEAL tháng 5/2011 như những gì được công bố với công chúng. Bin Laden dược cho là đã được đưa tới một địa điểm bí mật và sống dưới một thân phận mới.
Nhà lý luận âm mưu Alex Jones cũng từng đặt ra nghi vấn về cái chết của bin Laden ngay từ đầu với giả thiết rằng, toàn bộ sự việc đã được làm giả để đẩy mạnh chiến dịch bầu cử năm 2012 của Tổng thống Obama. Thậm chí theo ông Jones, Bin Laden có thân phận thực sự là... một cựu đặc vụ CIA.
Chính quyền Obama trước đó tuyên bố, Bin Laden bị giết chết trong chiến dịch đột kích do Đặc nhiệm Hải quân SEAL tiến hành tại ngôi nhà tên này sống chui lủi ở Abbottabad, Pakistan. Vào ngày 2/5/2011, thi thể của bin Laden bị ném xuống biển Ả Rập từ boong tàu sân bay USS Carl Vinson.
Ông Kislyak đang trở thành tâm điểm trong cơn bão chính trị nước Mỹ
Đại sứ Sergey Kislyak là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và có sự nghiệp trải dài từ thời Liên Xô cho đến Liên bang Nga trong nhiều thập kỷ. Trước khi đến Mỹ làm đại sứ, ông đã có 5 năm làm Thứ trưởng Ngoại giao Nga và 5 năm làm phái viên của Moscow tại NATO.
Ông Kislyak đang trở thành tâm điểm trong cơn bão chính trị nước Mỹ, khi các cuộc gặp gỡ cá nhân giữa ông với các cộng sự của Tổng thống Donald Trump bất ngờ được hé lộ.
Sự việc trở thành cái cớ để giới truyền thông tiếp tục hâm nóng những câu hỏi về việc chính quyền mới của ông Trump có những quan hệ giấu kín với Điện Kremlin hay không. Đọc tiếp…
Trung Quốc âm mưu sang Đại Tây Dương
Sau khi Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền đơn phương ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, chuyên gia Lyle J.Goldstein của tờ National Interest nhận định, Bắc Kinh có thể đang có tham vọng tiếp tục vươn ra khu vực Đại Tây Dương.
Theo Goldstein, bằng chứng rõ nhất cho thấy tham vọng bành trướng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc chính là việc Bắc Kinh vừa bật mí về chiếc tàu sân bay thứ hai của nước này mang tên Sơn Đông nhiều khả năng sẽ được trình làng trong vài tuần tới sau hơn 2 năm 9 tháng đóng. Đọc tiếp…
Tổng thống Putin ngủ dưới cái rét 0 độ C
Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa lại chọn Siberia làm điểm dừng chân sau chuyến thăm chính thức tới Krasnoyarsk diễn ra vào tuần này.
Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga cho biết, ông Putin đã chọn ngủ qua đêm trong rừng taiga, nơi nhiệt độ dưới 0°C trong 2 ngày thăm vùng đất xa xôi hẻo lánh của nước Nga này. Đọc tiếp…
D.T (Tổng hợp)