Trao đổi về tình hình cấp tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tại diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ 1, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong giai đoạn 2013 – 2014, bám sát chủ trương của Chính phủ, tình hình tăng trưởng nền kinh tế và diễn biến thị trường bất động sản, NHNN đã triển khai nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Qua đó, tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng trưởng ở mức 14 – 15%/năm.
Sang năm 2015, giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành đã phát huy tác dụng với sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng ở mức 25%.
Ông Hùng cũng cho hay, trong giai đoạn cuối năm 2015 – 2016, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo tăng cường quản lý rủi ro về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Theo đó, ban hành Thông tư 06/2016 điều chỉnh hệ số rủi ro đối với đầu tư kinh doanh bất động sản và tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung, dài hạn.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số chương trình tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ. Dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng trưởng khoảng 15%.
Từ đầu năm 2017 tới nay, NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng… Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội có hiệu quả và phân khúc sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Ông Hùng nhận định, xu hướng dư nợ tín dụng bất động sản của các tổ chức tín dụng chuyển dịch theo hướng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và nhu cầu thực của thị trường.
Tính đến cuối tháng 7 vừa qua, dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 4% so với thời điểm 31/12/2016, chiếm tỷ trọng khoảng 9% dư nợ đối với nền kinh tế.
Dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hướng vào lĩnh vực tiêu dùng về nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân với mức tăng trưởng khoảng 11% so với thời điểm 31/12/2016.
Theo ông Hùng, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. Do vậy tỷ lệ nợ xấu đầu tư kinh doanh bất động sản đã giảm mạnh từ 7,05% năm 2013 đến nay còn 4,06%.
Ông Hùng cũng thông tin việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đang gặp một số khó khăn như việc thị trường bất động sản đang vận hành dưới sự điều tiết của một hệ thống luật pháp liên quan nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư kinh doanh, chính sách thuế… Tuy nhiên, các quy định và chế tài của hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch chưa có các dự báo xu hướng diễn biến của thị trường tác động xấu đến thị trường bất động sản.
Một khó khăn khác mà ông Hùng nhắc đến là thị trường bất động sản - lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng mất cân đối cung cầu tại nhiều phân khúc, đặc biệt phân khúc nhà ở cao cấp, biệt thự có dấu hiệu thừa nguồn cung trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ vẫn còn rất hạn chế.
Thêm vào đó, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn hạn chế, vốn chủ sở hữu thấp, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, thiếu dự án có tính khả thi.
Không những vậy, còn một số chủ đầu tư dự án bất động sản có hành vi lừa đảo, nhiều vụ án, tranh chấp, khiếu kiện xảy ra dẫn đến suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và người dân khi tham gia thị trường bất động sản…