10 năm qua có thể được coi như quãng thời gian bùng nổ của các thể loại sách dịch trên thị trường sách Việt Nam, nhất là sách văn học. Đặc biệt là vài năm trở lại đây, các bản dịch văn học ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm không chỉ của những người trong nghề mà còn đón nhận được những phản hồi của người ngoài ngành, đặc biệt là của độc giả. Từ đây, những ý kiến trái chiều về các bản dịch của các tác phẩm văn học được nhắc đến. “Dịch giả số 1 Việt Nam” Dương Tường cũng bị đưa vào vòng xoáy khi cách đây không lâu, bản dịch tác phẩm Lolita của ông được đưa ra mổ xẻ.
Khi người đàn ông bị ung thư ruột dịch thành ung thư tử cung
Chỉ cần nhìn lướt qua các giá sách tại các nhà sách có thể thấy văn học dịch chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa. Từ những kiệt tác kinh điển như “Đồi gió hú”, “Túp lều bác Tom”, “Lolita” hay những tác phẩm đoạt giải Nobel... cho đến những chuyện tình “fast-food” (những quyển truyện đọc trong lúc chờ tàu) đều có một lượng độc giả nhất định.
Được coi là “ô cửa nhỏ mở ra thế giới lớn”, văn học dịch góp phần đáng kể cho sự phát triển của văn học nước nhà. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư chuyên sâu. Sách dịch chiếm tới 70-80% thị trường trong nước nhưng nhiều bản dịch lại quá nhiều lỗi, thậm chí trên các diễn đàn đã xuất hiện cụm từ “thảm họa dịch thuật”, gây ra những vụ tranh cãi nảy lửa thời gian vừa qua.
Tác phẩm Lolita của Nabokov là một ví dụ điển hình. Bản dịch đầu tiên của dịch giả Dương Tường đã gây sóng gió trong dư luận về những lỗi sai của dịch giả cũng như sự minh bạch trong công việc làm chú thích. Đỉnh điểm của sự việc là sự xuất hiện của dịch giả Thiên Lương, người công khai chỉ trích Dương Tường và ra mắt bản dịch Lolita của chính mình. Trên trang blog cá nhân, dịch giả Thiên Lương đã “vạch” từng lỗi sai trong bản dịch của Dương Tường và khẳng định bản dịch này “sai từ dòng đầu tiên sai đi”