Thời gian gần đây, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, hát xẩm bắt đầu “xâm nhập” mạnh vào các gameshow. Dạo một vòng truyền hình có thể thấy bên cạnh các cuộc thi chuyên về cải lương như "Chuông vàng vọng cổ", "Ai rành sáu câu", "Hò xự xang xê cống", "Tài tử tranh tài... thì các game show như "Làng hài mở hội", "Cười xuyên Việt", "Cùng nhau tỏa sáng", "Hội ngộ danh hài", "Sao nối ngôi"... cũng tràn ngập trích đoạn từ những vở cải lương nổi danh một thời. Trước đó các loại hình nghệ thuật như xẩm, trầu văn, chèo cũng được đưa lên sân khấu của game show để tô điểm thêm.
Thời gian đầu, việc nghệ thuật truyền thống được đưa lên sân khấu gameshow được coi là một hướng đi mới cho nghệ thuật truyền thống. Các loại hình nghệ thuật tưởng chừng như thất thế lại được sáng đèn và đại bộ phận công chúng ban đầu đón nhận. Thế nhưng, khi lượng người xem lớn và nghệ thuật truyền thống bắt đầu có sự thu hút trở lại của khán giả thì lúc đó có quá nhiều vấn đề phát sinh.
Những màn thể hiện nghệ thuật truyền thống trên sân khấu bị biến dạng một cách nghiêm trọng. Những thử nghiệm mới, những nghệ sĩ không chuyên đã làm những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống bị mất đi. Người xem có cảm giác bị tầm thường hóa và bị lôi kéo vào những chuyện hài nhảm nhí và xàm xí.
Các nghệ sĩ trẻ đã liên tục biến tấu những giá trị của nghệ thuật truyền thống bằng những các thể hiện khác lạ. Tuy nhiên, những cách thể hiện này chỉ làm phá nát nghệ thuật truyền thống. Điển hình là việc Hoài Lâm năm 2014 đã làm méo mó hình tượng nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.
Trấn Thành đã bị "ném đá" khi hài hóa trích đoạn "Đời cô Lựu" trong gameshow "Hội ngộ danh hài" với nhận xét phản cảm dành cho nhân vật của NSND Ngọc Giàu: "Em là tháp dinh dưỡng bao béo phì".
Còn thời gian gần đây, những "Tô Ánh Nguyệt remix", "Tấm Cám" trong Ơn giời cậu đây rồi đang làm xấu đi những hình tượng đẹp. Các gương mặt như Trấn Thành, Trường Giang, Chí Tài, Đại Nghĩa… nhẵn mặt các gameshow cũng gắn liền với các vai uốn éo, giả gái.
Cải lương bị hài hóa một cách nghiêm trọng. Cách đây không lâu, màn ảnh nhỏ dậy sóng khi trong đêm chung kết chương trình "Gương mặt thân quen", Bạch Công Khanh hóa thân thành NSND Bạch Tuyết với trích đoạn cải lương "Kiều Nguyệt Nga" và đoạt giải quán quân. Phần lớn khán giả đều thất vọng bởi “Xem Kiều Nguyệt Nga mà như thể Thị Mầu bị... chuốc rượu”.
Gameshow truyền hình đang trở thành nơi của “thảm hóa”, khiến cho không ít những người làm nghề chân chính ngao ngán. Mới đây, soạn giả Hoàng Song Việt đã phải thốt lên trên trang cá nhân của mình rằng ông không muốn bất kỳ tác phẩm nào của mình xuất hiện trên gameshow một lần nữa. Không chỉ soạn giả Hoàng Song Việt, rất nhiều nghệ sĩ, những người nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống đã tỏ ra “ngán ngẩm” với việc game show làm méo mó đi nghệ thuật truyền thống.
Còn nghệ nhân Bùi Văn Ro, chủ nhiệm câu lạc bộ chèo truyền thống làng Khuốc (Thái Bình) cho rằng: "Các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo cổ của làng Khuốc được lưu giữ và tồn tại hàng trăm năm nay, việc thể hiện nó đòi hỏi những người nghệ sĩ rất nhiều yếu tố. Trên truyền hình hiện nay, nhiều tác phẩm truyền thống người ta làm hời hợt khiến những người làm nghệ thuật như chúng tôi không thể mê nổi. Với chèo, vai hề chèo luôn có vị thế và bằng những tiếng cười sâu cay chứ không thể nhạt như cách người ta thể hiện như trên truyền hình thời gian qua.”
Chia sẻ với PV, nghệ sỹ Nguyễn Công Vượng (Vượng râu) ngao ngán cho biết: “Trước hết, vì lợi nhuận nên không ít các nhà sản xuất đã bất chấp thủ đoạn để tăng raiting, tăng lợi nhuận cho chương trình gameshow. Bên cạnh đó, việc xây dựng kịch bản và các thành viên ban giám khảo không hiểu biết về nghệ thuật truyền thống cũng góp phần làm cho nghệ thuật truyền thống méo mó. Với nghệ thuật truyền thống, việc thể hiện thành công được những tinh hoa của những bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tâm, phải luyện tập và hoạt động nghệ thuật miệt mài. Với game show, những con người không chuyên chỉ 1 – 2 tuần mà đã lên sân khấu hát được thì tôi cũng cảm thấy đáng sợ thật. Trong nghệ thuật Trầu văn việc nhầm lẫn giữa tiết mục "Cô đôi thượng ngàn" và "Cô bé thượng ngàn" gần đây nhất khiến những người nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống như chúng tôi thật sự ngán ngẩm.
Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào gameshow để góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống là một cách đang trân trọng. Tuy nhiên, đã không làm thì thôi, làm thì phải làm tốt, nghệ thuật truyền thống đáng quý ở cái cốt tinh hoa, làm mà không tốt thà đừng làm còn hơn. Đừng để nghệ thuật truyền thống bị tầm thường hóa bởi những điều nhảm nhí như thời gian qua.”
Trần Phương
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết