Cụ Nguyễn Bá Đạm bên bức chân dung của mình được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ tặng
Đau chung nỗi đau của bạn
Năm nay đã ngoài 90 tuổi, thế nhưng cụ Nguyễn Bá Đạm (Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp đẽ với hai người bạn "nức tiếng" một thời của mình. Đó là họa sỹ bùi Xuân Phái và nhà văn Nguyễn Tuân.
Tình cờ quen biết nhau, thế nhưng tình bạn ấy đã trở thành tri âm, tri kỷ như tình bạn giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ (Đây là tình bạn trên cả mức tình bạn, là tình cảm hiếm có giữa kẻ sáng tác và người thưởng ngoạn. Khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ cây đàn quý bởi trên đời này, đã không còn người nghe hiểu tiếng đàn của mình).
Ngày ấy, khi đang là ông giáo trường sư phạm, cụ Đạm đến nhà một người bạn cùng dạy chơi, tại đây, cụ tình cờ được gặp họa sỹ Bùi Xuân Phái. Như mối nhân duyên tiền định, vừa gặp nhau hai người đã trở nên thân thiết như quen thân từ trước. Vừa nói chuyện vừa ngắm, vừa vẽ người bạn mới, đến khi đứng dậy cáo từ, Bùi Xuân Phái đưa cho cụ bức vẽ về mình. Đó là một bức vẽ bằng bút chì, khắc họa gương mặt cá tính của cụ.
Bắt đầu từ ngày hôm đó, tình bạn của hai người trở nên gắn bó thân thiết. Vì là chỗ thân tình, gần gũi nên ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, tiện tay là ông trở thành người mẫu bất đắc dĩ của họa sỹ Phái. Chẳng cầu kỳ chất liệu hay bút vẽ, vớ được gì là họa sỹ Phái vẽ ông. Có khi vẽ trên vỏ bao diêm, vỏ bao thuốc lá hay vỏ bánh kẹo...và vẽ bằng bút chì, bút mực... Tính đến nay, cụ Đạm được coi là người được họa sỹ Phái vẽ ký họa nhiều nhất với 242 bức ký họa (chủ yếu là ký họa gương mặt).
Với cụ Đạm, họa sỹ Phái không chỉ là người bạn mà còn là người anh em thân thiết. Cụ đau chung nỗi đau của bạn, vui với nỗi vui của bạn. Nói tới đây, đôi mắt cụ đượm buồn nhớ về nỗi đau tột cùng khi mất đi đứa con trai của họa sỹ Phái. Ngày ấy, cụ được người học trò ở trọ nhà cụ biếu mấy con cá mè to. Nhớ tới người bạn của mình, cụ vội vã cầm vài con cá to mang đến biếu họa sỹ Phái.
Ngày ấy thực phẩm vô cùng quý hiếm, nhưng có gì cụ cũng nghĩ tới người bạn của mình. Cụ đi với tâm trạng phấn khởi vì mình đang mang niềm vui tới cho người bạn của mình. Thế nhưng tới nơi, cụ như người mất hồn. Trước mắt cụ hiện ra cảnh người bạn thân của mình đang chết nửa con người, đau đớn vật vã khóc thương cho đứa con trai xấu số vừa mất do tai nạn giao thông.
Nói đến đây cụ tâm sự: "Khi ấy tôi không hiểu nổi cảm xúc của mình là gì, chỉ thấy đau buồn vô cùng. Bạn mình đau đớn, mình cũng đau đớn chẳng kém. Lúc ấy trong đầu tôi chỉ có hình ảnh của một con người khỏe mạnh vẫn nói cười với mình hôm trước mà hôm nay đã không còn nữa. Cảm giác ấy đập vào gây mất thăng bằng, xúc cảm gây đau đớn vô cùng đối với tôi".
Có thể nói, cụ Đạm không chỉ là người tri âm, tri kỷ mà còn là người giúp đỡ họa sỹ Phái mở rộng xưởng vẽ tranh. Đối với họa sỹ Phái, chuyện tiền nong là điều vô cùng kiêng kị với ông, đặc biệt là chuyện mượn tiền bạn bè. Thế nhưng lần đầu tiên ông nghe lời vợ đến nhà thầy giáo Đạm mượn tiền. Vừa nghe xong, chẳng ngần ngại, vợ chồng thầy giáo Đạm lấy luôn tiền cho mượn và còn lấy xe đưa ông về tận nhà.
Đối với cụ Đạm, được giúp đỡ bạn bè trong lúc bần hàn là một điều vô cùng vinh hạnh. Cụ luôn tâm niệm, bạn bè thì phải giúp đỡ, sẻ chia ngọt bùi với nhau trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi hoạn nạn. Thế nên cụ Đạm là một người vô cùng thân thiết và gần gũi với họa sỹ Bùi Xuân Phái.
Cụ là người sở hữu rất nhiều bức tranh đẹp, quý của họa sỹ Phái. Ngay cả cái khay pha màu, cụ cũng được họa sỹ Phái tặng cho. Đây là một vật vô cùng quý giá mà rất nhiều nhà sưu tầm săn lùng, tìm mua.
Danh họa Bùi Xuân Phái
Được lòng kẻ kiêu ngạo
Giới văn nghệ sỹ, những người yêu mến Hà thành thuở ấy ai cũng biết đến họa sỹ Bùi Xuân Phái và luôn đến nhà chơi thường xuyên. Cũng tại đây, thầy giáo Đạm được họa sỹ Phái giới thiệu với người bạn đầy "kiêu ngạo" nhưng vô cùng thân thiết của mình là nhà văn Nguyễn Tuân.
Cũng giống lần gặp đầu tiên với họa sỹ Phái, cụ Đạm và Nguyễn Tuân trở nên thân thiết như những người bạn đã quen tự thuở nào (Nguyễn Tuân hơn cụ Đạm đến gần chục tuổi). Lâu dần, người ta hay gọi ba ông là bộ ba tri kỷ. Nhớ về thuở ấy, cụ Đạm hào hứng kể cho chúng tôi nghe tình bạn đặc biệt với nhà văn Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân yêu những cái đẹp cổ kính mang đậm giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân, cái tôi cá nhân phát triển rất cao trong cả văn chương và cuộc sống. Thế nên, trong con mắt người thời ấy, Nguyễn Tuân là một người "kênh kiệu".
Tuy nhiên, cái tài hoa uyên bác, đầy khẳng khái ấy lại khiến ông được những người bạn vô cùng yêu mến. Người ta cảm phục cái tâm, cái tài của ông nên luôn tìm đến để được nói chuyện cho dù gặp ông vô cùng khó khăn (khi thì vắng nhà, khi lại tránh mặt không tiếp...).
Thế nhưng không hiểu sao khi gặp thầy giáo Đạm, lần đầu tiên, Nguyễn Tuân đã yêu mến và quan tâm đặc biệt. Có lẽ Nguyễn Tuân nhận thấy cái nét cá tính riêng biệt của thầy giáo Đạm và cảm nhận được tình yêu giá trị văn hóa cổ truyền của ông.
Theo lời cụ Đạm, trong mắt Nguyễn Tuân, cụ là một người bạn vô cùng thân thiết. Thân thiết tới nỗi nhà văn Nguyễn Tuân chẳng ngại ngần, nề hà, thỉnh thoảng lại xách đến nhà thầy giáo Đạm khi thì chai nước mắm, lúc chai rượu hay cuốn sách, cuốn tạp chí mới... Mỗi lần cụ Đạm ghé qua nhà chơi, dù đang tiếp khách quý, Nguyễn Tuân cũng đứng dậy kéo ghế mời ngồi rồi ân cần hỏi han tình hình sức khỏe...
Lâu lâu không thấy thầy giáo Đạm đến nhà, Nguyễn Tuân lại viết thư mời đến chơi. Có một lá thư Nguyễn Tuân viết cho cụ Đạm với nội dung như sau: "Bác Đạm. Cứ định lên chơi bác nhiều lần nhưng chân đau, đi bộ xa cũng có điều ngại lười. Nhiều lần nổi hứng muốn lên trao đổi văn hóa với bác mà cũng đành chịu. Tin nhắn cứ cho anh bạn BXPhái của chúng ta".
Hay như thư khác: "Bác xuống phố thì mời tạt tới tôi. Có cái này đẹp đẹp sẽ đưa cho bác xem". Rồi mỗi lần đi đâu xa lâu ngày, không được gặp thầy giáo Đạm, Nguyễn Tuân lại viết thư về cho cụ.
Rất nhiều tác phẩm mới xuất bản, Nguyễn Tuân luôn mang đến nhà tặng cụ. Cụ kể: "Biết tôi thích sách, khi xuất bản tập Vang bóng một thời ở nhà xuất bản Thảo Thơm trong miền Nam, Nguyễn Tuân đã đem sách mới xuất bản đến tặng tôi. Điều đặc biệt chính là những cuốn sách Nguyễn Tuân tặng tôi đều được đánh số thứ tự từ 1 - 20, được dành tặng riêng tôi. Không chỉ tặng sách, mỗi khi đến nhà tôi chơi, Nguyễn Tuân đều mang cho tôi một món quà, khi thì chai nước mắm, lúc chai mật ong...".
Cụ Đạm luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được làm bạn với họa sỹ Phái và nhà văn Nguyễn Tuân. Bộ ba giờ chỉ còn một mình cụ, nhưng những ký ức đẹp về hai người bạn thân ấy, cụ luôn khắc ghi trong lòng.
Hồng Mây