Khoản vay này sẽ hỗ trợ giải quyết hai thách thức phát triển chính của Việt Nam hiện nay: nhu cầu vốn chưa được đáp ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và thiếu hụt nhà ở hợp túi tiền cho các hộ gia đình.
Hiện tại, chỉ có 30% trong tổng số 600.000 DNVVN đang hoạt động tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, với tổng vốn vay chỉ chiếm 3% tổng dư nợ tín dụng. Nguồn vốn dài hạn cho các DNVVN ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất và thương mại ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn tăng cao, cần thêm khoảng 374 ngàn đơn vị nhà ở mỗi năm cho các hộ gia đình tại các thành phố lớn.
Trước những thách thức này, cam kết tài trợ dài hạn của IFC sẽ giúp VIB tăng gấp đôi danh mục tài trợ cho các DNVVN và cho vay phân khúc nhà ở hợp túi tiền với tổng vốn vay lên đến trên 1 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm tới.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết: “Việt Nam đang rất cần những khoản tài trợ dài hạn do thị trường nợ chưa phát triển đã hạn chế các kênh huy động nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Khoản vay hợp vốn từ IFC và các ngân hàng quốc tế sẽ giúp VIB mở rộng danh mục khách hàng DNVVN và cho vay mua nhà hợp túi tiền, giúp khẳng định vị thế dẫn đầu của VIB trong các phân khúc này.”
Gói tài trợ trị giá 185 triệu đô la Mỹ trong 5 năm bao gồm 100 triệu đô la Mỹ từ IFC và 85 triệu đô la Mỹ từ ba ngân hàng quốc tế gồm ngân hàng Cathay United; ngân hàng Công thương Trung Quốc – Chi nhánh Hồng Kông và ngân hàng Kiatnakin Thái Lan.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết: “Khoản vay hợp vốn này là một mốc quan trọng đối với VIB và các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn vốn tài trợ dài hạn từ các đối tác nước ngoài, giúp các ngân hàng có điều kiện phát triển các sản phẩm tài chính dài hạn như cho vay thế chấp nhà ở. Bên cạnh đó, khoản vay này cũng hỗ trợ giải quyết các mục tiêu phát triển của Việt Nam như tạo thêm nhiều việc làm, phát triển DNVVN và đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa.”
VIB tham gia chương trình tài trợ thương mại Toàn cầu (GTFP) của IFC vào năm 2011 với hạn mức tín dụng hiện tại lên đến 120 triệu USD, góp phần hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam và tạo thêm nhiều việc làm. IFC cũng đã tư vấn VIB phát triển mảng dịch vụ ngân hàng cho DNVVN hoạt động hiệu quả và ổn định, một trong các định hướng phát triển chính của ngân hàng trong thời gian tới.
Trần Hằng