Đã 3 tháng trôi qua, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức, nhưng quốc gia đồng minh của Trung Quốc đã khiến Mỹ “ăn không ngon, ngủ không yên” khi liên tục tiến hành những vụ thử tên lửa, gây căng thẳng an ninh khu vực.
Nhà Trắng còn tuyên bố, chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Washington với Triều Tiên đã chấm dứt, song có vẻ mọi lời “đe dọa” đều không hiệu quả với quốc gia này.
Hãng tin CNN đã điểm lại mối “lương duyên” kỳ lạ giữa Tổng thống Donald Trump với Triều Tiên kể từ khi ông chính thức bước chân vào Nhà Trắng.
Tháng Một: “Rung cây dọa khỉ”
Một ngày trước khi ông Trump nhậm chức (18/1), các cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, họ phát hiện dấu hiệu cho thấy các bộ phận tên lửa, được cho là phần nửa dưới của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đang được vận chuyển.
Phát hiện này làm dấy lên lo ngại rằng Triều Tiên có thể phóng thử nghiệm tên lửa. Theo đó, Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ phóng trùng với thời điểm lễ nhậm chức của ông Donald Trump diễn ra tại Washington hôm 20/1.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là dự báo khi Tổng thống Donald Trump đã có một lễ nhậm chức diễn ra suôn sẻ.
Mười ngày sau đó (29/1), trước thềm chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới châu Á, các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Triều Tiên đang chuẩn bị khởi động lại lò phản ứng plutonium tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Cùng với đó, các vệ tinh báo Mỹ đã phát hiện nhiều dấu hiệu về sự hoạt động tại nhà máy tên lửa Chamjin, phía Tây Nam Bình Nhưỡng, dường như sẵn sàng cho một vụ thử tên lửa đạn đạo, theo dự án theo dõi Triều Tiên 38 độ Bắc.
Tháng 2: Bình Nhưỡng bắn tên lửa “chào mừng” chuyến thăm châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis
Ngày 2/2, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis bắt đầu chuyến thăm châu Á. Theo CNN, trong chuyến thăm này, một vấn đề quan trọng Mỹ cần bàn bạc với đồng minh Seoul chính là việc triển khai hệ thống phòng tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.
Ba ngày sau đó (5/2), Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản tiến hành cuộc diễn tập bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng đi từ một tàu khu trục tên lửa dẫn đường.
Và dĩ nhiên, trước động thái mà Triều Tiên cho rằng “đầy khiêu khích” này, họ đã tiến hành đáp trả.
Ngày 11/2, Triều Tiên tuyên bố thử thành công một tên lửa đạn đạo chưa được biết tới trước đó, tên gọi Pukguksong-2. Đây là vụ thử nghiệm đầu tiên của quốc gia này dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc cũng chịu nhiều sức ép của cộng đồng quốc tế, nước này đã tiến hành cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên cho tới hết năm 2017, tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 11 năm ngoái.
Tháng 3: Triều Tiên tiến hành chuỗi “hành động cực kỳ nguy hiểm”.
Ngày 6/3, Triều Tiên đã tiến hành bắn thử đồng thời 4 tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản, đây là động thái mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cáo buộc là “hành động cực kỳ nguy hiểm”.
Cùng ngày với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, hệ thống THAAD của Mỹ cũng gấp rút triển khai tới Hàn Quốc.
Ngày 14/3, Mỹ, cùng với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản đã đáp trả các vụ thử tên lửa của Triều Tiên khi cử đội tàu phòng vệ tên lửa công nghệ cao tới cùng khu vực nơi Bình Nhưỡng đã phóng 4 tên lửa. “Các tàu chiến Aegis bắt đầu các cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương”, Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Cuộc tập trận diễn ra khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du tới châu Á hôm 15/3.
Năm ngày sau đó, Bình Nhưỡng một lần nữa khiến căng thẳng leo thang khi thử nghiệm một động cơ tên lửa.
Cũng trong tháng này, Triều Tiên phóng thêm một tên lửa khác, tuy nhiên vụ thử tên lửa được đánh giá là thất bại khi nó phát nổ chỉ vài giây sau vụ phóng.
Tháng Tư: Mỹ tung độc chiêu “thật thật, giả giả” khi điều tàu sân bay tới vùng biển Triều Tiên, cao điểm căng thẳng.
Tháng Tư bắt đầu đầy căng thẳng khi Tổng thống Trump tuyên bố “Mỹ sẵn sàng hành động một mình” để kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nếu Trung Quốc không thể thay đổi tình hình.
Chỉ 2 ngày sau đó, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh song phương của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo khác ra ngoài khơi bờ biển bán đảo Triều Tiên.
Và một hành động dữ dội đến kinh ngạc của Tổng thống Trump chính là quyết định không kích Syria bằng 59 quả tên lửa Tomahawk.
Ngay trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung, ông Trump đã đưa ra quyết định quân sự táo bạo nhất kể từ khi nhậm chức. Giới quan sát cho rằng, hành động này như một lời cảnh báo cứng rắn trước những động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Không lâu sau đó, Mỹ đưa ra quyết định triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới khu vực. Tuy nhiên, trong khi Nhà Trắng xác nhận Mỹ đã gửi đội tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên, thì trên thực tế, đội tàu này lại đi về hướng ngược lại để tham gia vào cuộc diễn tập chung với Australia trên Ấn Độ Dương, cách bán đảo Triều Tiên hơn 5.600 km.
Không cần biết nhóm tàu sân bay của Mỹ đã thực sự tới bán đảo Triều Tiên hay chưa, nhưng Bình Nhưỡng đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ về động thái của Mỹ. Triều Tiên cảnh báo họ “sẽ đáp trả hành động khiêu khích liều lĩnh nào” với “bất kể biện pháp gì mà Mỹ muốn thực hiện”.
Vài ngày sau đó, nhóm dự án 38 độ Bắc cho biết, Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần 6. Và quốc gia này thường phóng tên lửa hoặc thử nghiệm hạt nhân vào ngày lễ trọng đại của đất nước.
Nhưng tới ngày 15/4 tại lễ kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Triều Tiên chỉ tiến hành một cuộc duyệt binh hoành tráng và khoe một loạt các loại tên lửa và thiết bị phóng mới.
Tới ngày 16/4, Triều Tiên phóng một quả tên lửa nhưng thất bại. Mỹ và Hàn Quốc cho hay, tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.
Nhiều nghiên cứu quốc tế cũng đưa ra cảnh báo, khả năng Bình Nhưỡng thử tên lửa vào ngày kỷ niệm thành lập Quân đội (25/4), nhưng mọi việc không diễn ra như dự báo.
Giữa lúc căng thẳng leo thang, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tới thăm châu Á. Ông tới thăm khu vực phi quân sự liên Triều và cảnh báo,Bình Nhưỡng không nên thử sự quyết tâm của Mỹ hay “sức mạnh quân sự của chúng tôi”.
Ngay sau đó, Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In-ryong đã phát biểu: “Mỹ đang gây ra tình hình nguy hiểm trong đó một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bùng phát trên bán đảo bất kỳ lúc nào và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, sự ổn định”.
Những tưởng tháng Tư sẽ trôi qua trong bình yên, nhưng cuối tháng Tư (29/4), bất chấp sức ép từ Mỹ và đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên là Trung Quốc, Bình Nhưỡng đã thực hiện thêm một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, một lần nữa, vụ phóng thử đã thất bại.
Tháng 5: Mỹ hạ nhiệt căng thẳng, ra điều kiện '4 không' để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Ngày 1/5, Mỹ bất ngờ “đổi giọng” khi gửi lời nhắn tới lãnh đạo Triều Tiên về cuộc gặp tại Mỹ, nếu Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Chính quyền Donald Trump cũng cho hay, cách tiếp cận của Washington đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là “thắt chặt lệnh trừng phạt, theo đuổi các biện pháp ngoại giao đối với các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực”.
Đặc biệt, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết, ông không loại trừ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong “điều kiện thích hợp”.
Theo Japan Times, Washington sẽ thực hiện những cam kết trên, nếu Bình Nhưỡng chấp nhận điều kiện “4 không”. Theo Mỹ đây là thỏa thuận “hai bên cùng có lợi” Triều Tiên ngừng phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa, đổi lại Mỹ sẽ không nỗ lực thay đổi chế độ của Bình Nhưỡng, không nhắm vào việc lật đổ chế độ hay thống nhất bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng không "kiếm cớ" để tiến đến vĩ tuyến 38 độ Bắc, biên giới thực tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Nhưng đáp lại thì sao, Bình Nhưỡng đã tiến hành một cuộc bắn thử tên lửa đạn đạo ngày 14/5. Quả tên lửa đã hạ cánh cách phía Nam Vladivostok của Nga khoảng 90km.
Đây là một động thái đầy khiêu khích của Triều Tiên kể từ khi Mỹ “đổi giọng” và đồng thời, trùng thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức.
Quả tên lửa của Triều Tiên cũng mang nhiều thông điệp khi được bắn ra trùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tham dự hội nghị thượng đỉnh Thương mại lớn được tổ chức tại Bắc Kinh.
Cho tới hiện giờ, không thể dự đoán được liệu Bình Nhưỡng đang toan tính điều gì, cũng như không thể trả lời được câu hỏi: Liệu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bao giờ được giải quyết nếu Bình Nhưỡng không chấm dứt những vụ thử tên lửa, hạt nhân?
Phương Anh
Xem thêm >>> Hé lộ cuộc sống bí ẩn của một ‘tiểu Triều Tiên’ ở Nga - Kỳ I