Toan tính của IS khi nhận trách nhiệm các vụ tấn công khủng bố

Toan tính của IS khi nhận trách nhiệm các vụ tấn công khủng bố

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Chủ nhật, 10/09/2017 20:00

Theo thống kê của trang Esri Story Maps, từ đầu năm 2017 cho tới nay, trên thế giới đã xảy ra hơn 900 vụ tấn công khủng bố lớn nhỏ, khiến hàng nghìn người thương vong. Trong số đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công lớn, đặc biệt là ở các quốc gia châu Âu. Vậy những tuyên bố này của IS liệu có đáng tin, chúng được tính toán như thế nào, nhằm mục đích gì?

Hồi cuối tháng Tám, IS đã khẳng định, chính tổ chức này đứng sau vụ khủng bố man rợ ở Tây Ban Nha hôm 17/8, khiến hơn 100 người thương vong. Câu hỏi đặt ra với nhiều người là các kênh truyền thông, báo chí dùng cách nào để biết được IS đứng sau một vụ khủng bố?

Theo bà Monica Duffy Toft, chuyên gia an ninh quốc tế kiêm Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại đại học Tufts Fletcher (Mỹ), IS thường lên tiếng tuyên bố trách nhiệm theo một trong hai cách dưới đây.

Thế giới - Toan tính của IS khi nhận trách nhiệm các vụ tấn công khủng bố

Những tay súng thánh chiến IS.

 

Thứ nhất, IS có một hãng tin riêng mang tên Amaq. Nó hoạt động giống như cơ quan thông tấn của một quốc gia thông thường. Tuy nhiên, Amaq xuất bản tin tức, hình ảnh và video thông qua một ứng dụng được mã hóa trên điện thoại di động. Chỉ có những ai quen biết mạng lưới của IS mới có thể tải ứng dụng này.

Sau đó, những tin tức về IS từ đây mới được đăng tải lại trên mạng xã hội Twitter bởi những người quan tâm tới nhóm. Ví dụ như những thành phần ủng hộ IS, giới truyền thông hay các nhà phân tích.

Thứ hai, IS tuyên bố nhận trách nhiệm thông qua một kênh chính thức khác gọi là Quỹ Truyền thông Nashir. Tuy nhiên, cách này ít phổ biến hơn, bởi Nashir được coi là tiếng nói trực tiếp của “giới lãnh đạo” IS, nên chỉ có những thành phần “tinh hoa” mới sử dụng kênh này để tuyên ngôn.

Vậy tại sao IS chỉ lựa chọn hai kênh giới hạn “nghèo nàn” nêu trên để nhận trách nhiệm cho những vụ tấn công? Theo bà Duffy Toft, tổ chức khủng bố này không muốn các nhóm đối thủ khác giả mạo lên tiếng nhận trách nhiệm thay cho IS.

Thông thường, IS sẽ lên tiếng nhận trách nhiệm đối với những vụ tấn công mà chúng lên kế hoạch và thực hiện, hoặc cũng có thể là những vụ việc được truyền kích động từ các chiến dịch tuyên truyền thánh chiến.

Theo cây bút Thomas Jocelyn của tờ Long War Journal, IS gọi các thành viên của nhóm là “các chiến binh của đế chế Hồi giáo”. Họ cũng sử dụng cụm từ đó để gọi những kẻ thực hiện các vụ tấn công “sói đơn độc” như ở San Bernardino, California, Orlando và Florida trong thời gian qua.

Khi IS trực tiếp lên kế hoạch cho một vụ tấn công, thông thường trong vòng 24 giờ, nhóm sẽ nhận trách nhiệm và đưa ra những thông tin chi tiết về chiến binh đã thực hiện.

Nếu sau khoảng thời gian đó mà các kênh thông tin của IS vẫn “im hơi lặng tiếng”, thì nhiều khả năng đó là một vụ tấn công được những tay súng cực đoan ủng hộ thánh chiến tự lên kế hoạch hành động mà IS không hề biết trước.

Thế giới - Toan tính của IS khi nhận trách nhiệm các vụ tấn công khủng bố (Hình 2).

Cảnh sát ở hiện trường vụ tấn công tại Barcelona hồi tháng Tám.

 

Nhóm tình báo SITE cho hay, họ vẫn chưa ghi nhận được thông tin cho thấy IS “tự vơ trách nhiệm vào mình”, nếu không có thành viên của tổ chức tham gia một vụ tấn công nào đó.

Tuy nhiên, lực lượng khủng bố này có xu hướng thổi phồng con số thương vong lên để lấy uy.

Theo nghiên cứu gần đây của các chuyên gia chống khủng bố Justin Conrad và Max Abrahms, cơ cấu của những nhóm khủng bố như IS thường gồm hai thành phần chính. Một là giới lãnh đạo có chiến lược và mục tiêu chính trị đặc biệt, hai là những phần tử cực đoan có cấp bậc thấp hơn trong tổ chức, thường thực hiện những nhiệm vụ tay chân.

Những kẻ thủ lĩnh IS chỉ lên tiếng nhận trách nhiệm khi một vụ tấn công mang lại lợi ích chính trị và không làm tổn thương tới mục tiêu của nhóm. Conrad và Abrahms đã nghiên cứu hàng trăm vụ việc và kết luận, điều đó không chỉ đúng với IS mà còn với cả các nhóm khủng bố khác.

Ví dụ, IS lên tiếng nhận trách nhiệm cho cả vụ đánh bom ở Manchester hồi tháng Năm và vụ tấn công bằng dao ở cầu London hồi tháng Sáu, bởi những kẻ đầu sỏ của nhóm đã có tính toán riêng.

Với mức độ liều lĩnh và quy mô của những vụ tấn công này, IS hy vọng sẽ nhận được tiền tài trợ từ những đại gia giấu mặt cũng như những người ủng hộ.

Còn đối với những vụ việc diễn ra nhỏ lẻ và ít gây chấn động, IS sẽ thường bỏ qua. Bởi chúng không tạo ra nhiều cảm giác bị đe dọa đối với những nạn nhân, hoặc với các nhà cầm quyền. Hơn nữa, một nhóm khủng bố có mục tiêu xây dựng một đế chế Hồi giáo như IS thì việc nhận trách nhiệm cho những vụ việc nhỏ lẻ sẽ không đóng góp nhiều cho uy danh của tổ chức.

Nhìn chung, việc IS lên tiếng nhận trách nhiệm cho những vụ tấn công khủng bố không hề đơn giản như chúng ta tưởng. Những kẻ đầu sỏ đã có những tính toán rất cẩn thận để phục vụ cho những mục tiêu của nhóm.

Do vậy, đa số các vụ tấn công mà IS đứng lên nhận trách nhiệm đều tương đối chính xác mà không phải việc “nhắm mắt làm bừa”, các chuyên gia kết luận.

Xem thêm: Đằng sau cáo buộc trực thăng Mỹ “giải thoát” 20 chỉ huy IS khỏi Deir ez-Zor vào phút 89

D.T

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.