'Tôi khẳng định 100% có lợi ích nhóm khi bổ nhiệm cán bộ thừa, sai'

'Tôi khẳng định 100% có lợi ích nhóm khi bổ nhiệm cán bộ thừa, sai'

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 7, 18/03/2017 17:18

Theo ĐBQH Bùi Văn Xuyền, việc bổ nhiệm thừa hàng loạt cán bộ, bổ nhiệm kiểu "thần tốc", khẳng định 100% có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, kiểu anh cho - tôi xin - tôi cho lại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 cán bộ; dưới thời ông Vũ Huy Hoàng, bộ Công Thương cũng đã có nhiều cán bộ được bổ nhiệm trái với quy định.

Mới đây nhất, con đường quan lộ "thần tốc" của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, từ một nhân viên hợp đồng tại văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đến khi được sở Xây dựng làm quy trình để bổ nhiệm (cán bộ dự nguồn) làm Phó Giám đốc Sở này vẫn có những câu hỏi chưa sáng tỏ...

Vậy nguyên nhân là do đâu? Có hay không lợi ích nhóm trong câu chuyện bổ nhiệm cán bộ sai quy định? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội – một thành viên trong đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Xã hội - 'Tôi khẳng định 100% có lợi ích nhóm khi bổ nhiệm cán bộ thừa, sai'

ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng, sự "tùy nghi" trong một số quy định có thể dẫn đến tùy tiện trong bổ nhiệm cán bộ.

Lợi dụng tùy nghi, bổ nhiệm… tùy tiện

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua có nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ sai phạm nhưng thường chung một kết luận là “đúng quy trình”. Phải chăng, chúng ta đang có những bất cập về mặt pháp lý cần sửa đổi?

Ông Bùi Văn Xuyền: Bước đầu qua giám sát tại một số bộ, tôi nghĩ rằng, luật pháp về cán bộ hiện nay đang có vấn đề. Cụ thể, không có quy định dứt khoát, ràng buộc một cách chặt chẽ mà còn quy định theo kiểu tùy nghi (tức là quy định mở).

Tôi ví dụ: Ngoài quy định được bổ nhiệm 3 phó phòng thường có thêm nội dung “tùy từng trường hợp cụ thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thể xin ý kiến lãnh đạo cấp trên cho phép mở rộng thêm nhân sự”; trong một vụ, nguyên tắc không được cơ cấu phòng, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể, có thể xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép có phòng trong vụ với điều kiện là những đơn vị nhiều chức năng…

Tất cả những cái đó đều tùy nghi, không có tiêu chí nào. Như vậy dẫn đến việc, bộ nào cũng có vụ cơ cấu thêm phòng. Những vụ này đa số lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, chiếm 50, 60, 70 thậm chí 80%. Không chỉ bộ Công Thương, bộ Tài chính báo cáo đoàn Giám sát mà nhiều bộ khác cũng có tình trạng này, giống như vụ 44/46 lãnh đạo ở Hải Dương.

Tôi cho rằng, chính quy định pháp luật tùy nghi dẫn đến không kiểm soát được bộ máy, số lượng lãnh đạo sẽ đông hơn nhân viên.

Phóng viên: Tùy nghi không hẳn là xấu, nhưng phải chăng người vận dụng pháp luật đang lợi dụng sự tùy nghi để có những cái kết đẹp “đúng quy trình”?

Ông Bùi Văn Xuyền: Tất nhiên, khi có điều kiện con người sẽ vận dụng. Đến lúc kiểm tra, thanh tra đều thấy vận dụng được phép. Do đó, nếu khẳng định sai thì chưa hẳn sai. Nhiều vụ việc vẫn có chung một kết luận đúng quy trình.

Đó chính là câu chuyện luật pháp có vấn đề mà tôi đề cập ở trên. Khi xây dựng luật, ở quy định nào đó, Chính phủ, cơ quan hành pháp luôn muốn để các cơ quan, đơn vị không bị khô cứng, bó đôi tay quyền lực trong khuôn pháp luật. Tùy nghi để tạo điều kiện cho sự năng động, sáng tạo. Tùy vào từng điều kiện hoàn cảnh để xử lý, vận dụng, sáng tạo đem lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, dân tộc. Đây là ý tưởng tốt nhưng chính điều này lại bị lạm dụng, thậm chí bị lợi dụng. Từ sự tùy nghi thành ra tùy tiện, bởi nhiều người đã lợi dụng tùy nghi để làm việc một cách tùy tiện.

Phóng viên: Với những nhìn nhận từ thực tế này, theo ông chúng ta cần tiến tới sửa luật?

Ông Bùi Văn Xuyền: Quan điểm của tôi, luật pháp là phải chặt chẽ hơn. Còn tùy nghi chỉ cho trong một phạm vi nhất định nào đó. Bởi thực tế, hầu như các quy phạm tùy nghi đẻ ra câu chuyện lạm dụng, lợi dụng. Nếu đã quy định chặt chẽ một là một, hai là hai không bao giờ có chuyện bổ nhiệm “ồ ạt”, “thần tốc” như thời gian qua.

Ví dụ quy định không quá 3 thứ trưởng ở 1 bộ thì đương nhiên, người thứ tư sẽ là vi phạm. Nhưng nếu còn quy định tùy nghi theo điều kiện, hoàn cảnh của từng tỉnh thì tỉnh nào, đơn vị nào cũng sẽ tùy nghi để xin tăng thêm.

Chẳng ai tự nhiên bôi mỡ cho kiến đốt

Phóng viên: Ngoài sự tùy nghi dẫn đến tùy tiện, có câu chuyện bổ nhiệm vì lợi ích nhóm không, thưa ông?

Ông Bùi Văn Xuyền: Tôi khẳng định 100% những vụ việc này có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Có cả lợi ích của người xin và lợi ích của người cho, kiểu anh cho - tôi xin - tôi cho lại. Nếu không có lợi ích gì, chẳng ai làm việc để chịu tai tiếng, kỷ luật, dư luận xã hội lên án. Phải có lợi ích họ mới dám làm, sẵn sàng vi phạm. Chẳng ai tự nhiên bôi mỡ cho kiến đốt.

Ngoài sự tùy nghi, đây là nguyên nhân thứ hai dẫn đến nhiều vụ bổ nhiệm sai phạm thời gian qua. Biết sai mà không được gì, chẳng ai làm sai để phải chịu tội. Nhưng nếu biết sai vẫn còn khe hở để vận dụng được và có thể hợp lý hóa, người ta có thể khai thác triệt để.

Không có lợi ích về vật chất thì có lợi ích về tinh thần. Không chỉ người nhà mà mối quan hệ có thể sang cả bạn bè…

Vận dụng tùy nghi đúng, mọi việc sẽ tốt lên, nhưng lợi dụng tùy nghi để xảy ra sai phạm sẽ tạo thành dư luận xấu. Do đó, con người là yếu tố quyết định bởi họ trực tiếp vận dụng tùy nghi trong công việc.

Phóng viên: Phải chăng, cánh cửa đón người tài đang bị thu hẹp lại?

Ông Bùi Văn Xuyền: Không hoàn toàn như vậy. Chúng ta không vơ đũa cả nắm bởi người tài vẫn luôn được trọng dụng. Những người đi lên bằng năng lực thực chất, thậm chí sẽ được đặc cách mà không cần một quy trình nào cả. Nhiều trường hợp đã được tôn vinh. Với người có đức, có tài, mang lại lợi ích cho Nhà nước, xã hội, nhân dân, không cần quy trình nào vẫn xứng đáng tôn vinh.

Phóng viên: Như ông đã nói, sự tùy nghi là một “khe hở” của luật. Vậy cần làm rõ câu chuyện vận dụng hay lợi dụng tùy nghi?

Ông Bùi Văn Xuyền: Điều này là đúng và cần thiết, nhưng tôi e hơi khó. Bởi vậy, chúng ta cần nghiên cứu tiến tới sửa luật. Có những quy định có thể tùy nghi nhưng trong công tác cán bộ, tốt nhất là siết chặt.

Phóng viên: Bổ nhiệm không phải chuyện của một người quyết định. Vai trò tập thể và sự đấu tranh ở các cơ quan Nhà nước kiểu biết sai không dám lên tiếng là rất nguy hiểm?

Ông Bùi Văn Xuyền: Tôi thấy điều này là đúng. Mọi việc vi phạm đều được đưa ra tập thể nhưng tính đấu tranh còn hạn chế. Bởi thế, khi việc đưa ra tập thể thường là để được hợp pháp hóa, vì ai cũng ngại lên tiếng. Tâm lý “đấu tranh tránh đâu”, lên tiếng có giải quyết được vấn đề gì hay chỉ rơi vào im lặng rồi thiệt thân? Chưa nói đến việc, bản thân có khi cũng có một tí quyền lợi.

Điều đó cho thấy, công tác cán bộ còn nhiều vấn đề phải làm. Ngay cả trách nhiệm người đứng đầu được đề cập đến nhưng xử lý chưa nghiêm. Cần kiên quyết xử lý đến cùng những vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ để tạo sự công bằng.

Xin cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.