Cảm nhận của ông về đồng bào vùng biên giới?
Tôi luôn chú trọng, quan tâm, tiếp xúc, nghĩa tình với người dân. Tôi xa gia đình năm lên 24 tuổi, ở biên giới, coi biên giới như là quê hương, nhà nào có người ốm đau, điều kiện khó khăn thì mình càng phải hay đến.
Khi chiến tranh thì nhân dân lo cho bộ đội. Khi Đảng, Nhà nước chăm lo xây dựng cơ sở đàng hoàng cho bộ đội rồi thì mình lo cho nhân dân, đặc biệt là tham mưu cho cấp ủy địa phương, đưa nguyện vọng của người dân đến sớm nhất.
Nếu anh quan cách, không quan tâm và chăm lo cho đời sống người dân thì người dân sẽ không quý mình được. 15 năm ở Cầu Treo, tôi cảm ơn nhân dân ở hai bên biên giới. Nhân dân đã che chở cho tôi.
Vị trí của phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh có khác gì với chức đồn trưởng Biên phòng Cầu Treo?
Anh đồn trưởng thì phải tập hợp toàn bộ về đối nội, đối ngoại, đấu tranh phòng chống tội phạm, phát triển kinh tế. Với cương vị mới là phó chỉ huy trưởng, nhiệm vụ chuyên trách là phòng chống tội phạm, nhưng cũng phải lồng ghép nhiệm vụ là gắn bó với nhân dân, phát triển kinh tế.
Thực ra, cũng có người nghĩ, vị trí ông có hôm nay, thực ra là nhờ anh trai anh đang là trung tướng, chính ủy Bộ Tư lệnh Biên phòng?
Nhà tôi có 7 anh em, bố mẹ tôi mất sớm. Anh Việt (trung tướng Võ Trọng Việt, ủy viên BCH trung ương Đảng, chính ủy Bộ Tư lệnh Biên phòng - Việt Dũng chú thích) là người chịu nhiều hi sinh nhất trong gia đình, lo lắng cho anh em từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Khi anh Việt còn khó khăn thì tôi vào phải vào Tây Nguyên gánh nước tưới cà phê thuê, sau đó về đi lính, rồi anh ấy hướng tôi theo con đường học hành. Dĩ nhiên, cũng có người đồn ông anh thế này thì ông em phải thế kia (cười).
Nhưng có ngày hôm nay, phải thẳng thắn nói rằng không phải vì có anh mình “làm to”. Tất cả thành tích có được ngày hôm nay đều do mình tôi làm nên. Anh trai tôi là cây đa cây đề, nhưng tôi nghĩ đa số anh em trong ngành biên phòng ai cũng ghi nhận tôi có ngày hôm nay là tự mình nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi…
Lần bỏ phiếu, tôi được 100% phiếu bầu. Nếu tôi vì anh Việt thì không ai đề xuất, mà có đề xuất thì cũng không đạt được số phiếu như vậy.
Phẩm chất chính trị, nỗ lực cá nhân, nếu so sánh với anh trai mình, ông thấy sao?
Tầm vĩ mô, chiến lược thì tôi phải học hỏi nhiều ở anh trai mình. Nhưng câu chuyện luôn luôn gần dân, tiếp xúc với dân, tôi phải hơn anh Việt. Anh ấy chưa tiếp xúc với hơn 200 người nghiện, nhiễm HIV nhưng từng ấy con người, tôi đã cảm hóa được họ.
Làm lính biên phòng lăn lộn với dân thì anh Việt không bằng tôi được.
Điều gì mà ông tôn trọng trong cuộc sống?
Tôi là con em nông thôn, đi đến đâu thấy con em nghèo khổ thì thương lắm. Tôi học được ở anh Việt điều đó. Có lần, đi dọc đường thấy người dân đói khổ, anh Việt nói dừng lại và biếu người ta ít tiền, dù không nhiều, nhưng đó là tấm lòng thành thật của mình.
Hoặc như khi làm nhà tình nghĩa, chúng tôi không bao giờ để biển là “nhà tình nghĩa”. Trong nhiều trường hợp, mình phải tinh ý vì nó rất … nhạy cảm. Ví như tại đợt trao nhà tình nghĩa mới đây cho một cụ ông 93 tuổi ở huyện Hương Sơn, chúng tôi đã không đề biển nhà tình nghĩa. Bởi cụ có bốn người con trai, nếu gắn biển lên thì sẽ có người dị nghị là con cháu đầy nhà mà lại không làm nổi cho bố cái nhà.
Thế còn điều gì làm ông sợ hãi nhất?
Tội phạm thì tôi không sợ, đã nhiều lần làm án thì nhiều đối tượng đe dọa gia đình, dọa đặt bom, dọa sẽ “khử”… Điều mà tôi trăn trở nhất, sợ hãi nhất là khi người dân hiểu sai về mình.
Sự cám dỗ về ma túy, tiền bạc từ biên giới đối với anh em biên phòng có đáng sợ không, thưa ông?
Tôi sợ dân hiểu sai, trong cơ quan, tôi sợ anh em “sốc sếch”. Trong 15 năm ở cửa khẩu, điều đáng mừng là chưa có anh em nào vi phạm.
Có ba thứ là ma túy, vũ khí, tài liệu an ninh quốc gia, tôi dám khẳng định: không có một cán bộ chiến sỹ nào dưới quyền tôi "dính" phải. Nếu chiến sĩ nào “dính” vào những điều này thì nhất quyết phải bị tước quân tịch, phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Việt Dũng (thực hiện)