Giọt nước mắt lặng thầm
Phạm Minh Tuấn sinh năm 1942 tại PhnomPenh (Campuchia) trong một gia đình lao động nghèo lưu lạc nơi đất khách quê người. Tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày khó khăn cơ cực, ước mơ được ăn học tới nơi tới chốn là điều qua xa vời. Nhưng những khó khăn đó càng làm cho khát vọng ca nhạc trong ông trở nên mạnh mẽ.
Hàng ngày, lúc rảnh rỗi ông lại đàn và hát những bài hát, ca khúc cải lương yêu thích. 18 tuổi, ông tham gia kháng chiến và cũng từ đây những ca khúc của ông lần lượt ra đời để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc. Nhưng ít ai biết được, đằng sau những thành công đó là nỗi đau chôn giấu trong lòng bao năm qua - nỗi đau của người cha mất đứa con đầu lòng của mình.
ông kể, vào năm 1964, con gái đầu lòng của ông mới được 6 tháng tuổi và ở trong chiến khu. Do điều kiện sinh hoạt không tốt, nên vợ chồng bàn gửi cháu về quê để được chăm sóc tốt hơn. Trên đường đi họ đụng phải biệt kích địch. Tránh bị địch phát hiện ảnh hưởng đến mọi người nên vợ ông đã ép mặt cháu vào ngực mình khi cháu khóc. Cháu đã qua đời vì ngạt thở trên đôi tay của mẹ lúc nào không hay. Cho đến giờ gia đình vẫn chưa tìm được mộ cháu vì vợ ông cũng bị bắt ngay sau đó và phải bỏ cháu ở lại. Chỉ biết rằng, cháu đã được các cô chú du kích chôn cất cẩn thận. Đó là niềm an ủi duy nhất với gia đình ông.
Từ thực tiễn chiến tranh đến những ca khúc để đời
Chiến tranh luôn tàn khốc, nó là nguyên nhân của nhiều nỗi đau. Có những nỗi đau có thể lành theo thời gian nhưng có những nỗi đau làm nhức nhối lòng người mãi mãi. Đó là hình ảnh những chiến sĩ trẻ trung vui tươi ca hát cùng đội văn công tối hôm trước, hôm sau có tin tử trận. Hình ảnh những người mẹ giấu nước mắt vào trong để tiễn đưa chồng, con lên đường kháng chiến, những ước mơ khát vọng, tình yêu lứa đôi trong những câu chuyện kể các chiến sĩ mỗi lúc nhớ quê hương luôn ám ảnh ông.
Chính những điều đó cùng với năng khiếu âm nhạc thiên phú giúp những ca khúc viết về truyền thống cách mạng của ông luôn chân thật, làm lay động lòng người và có sức sống mãi với thời gian. Đó là những ca khúc Qua sông, Đất nước, Khát vọng, Dấu chân phía trước, Mùa xuân, Lối nhỏ vào đời...
Nhưng chính thực tiễn chiến tranh nhiều lúc cũng làm ông khó khăn hơn với chính ca khúc của mình. ông kể, ông rất có cảm xúc và tâm đắc khi đọc những vần thơ trong bài Đất nước tôi của nhà thơ Tạ Hữu Yên. Nhưng khi phổ thơ thành nhạc gặp rất nhiều khó khăn bởi ông không chuyển tải hết được những trải nghiệm thực tiễn vào ca từ. Bởi ông mong muốn ca khúc viết về quê hương đất nước phải mang tính khái quát và toàn diện, phải mang tầm vóc của dân tộc, của đất nước và ông mong muốn ca khúc đó phải hay hơn những ca khúc viết về quê hương trước đó. Vì những trăn trở đó mãi hơn một năm sau, qua nhiều lần chỉnh sửa, tác phẩm mới được giới thiệu và được đón nhận nồng nhiệt.
Mặc dù mọi người biết đến ông không chỉ qua nhạc truyền thống cách mạng mà còn ở các bài ca về tình yêu những ca khúc viết cho thiếu nhi nhưng ông luôn cho rằng đó chỉ qua là những phút rong chơi hay những lần thử sức mình mà thôi. Kỷ niệm về ca khúc viết cho các cháu thiếu nhi, nhạc sỹ nhớ lại lần đồng chí Võ Văn Kiệt tổ chức cho nhạc sĩ đi thăm các trường mẫu giáo. Đồng chí đã nói, hãy dành những gì tốt đẹp nhất và viết những gì tốt đẹp nhất cho các cháu.
Qua chuyến đi thực tế đó ông đã sáng tác thành công bài hát Cháu đi mẫu giáo và rất vui vì được các bé đón nhận hồ hởi. Riêng bài Trăng tròn được sáng tác năm 1974, là tình cảm của người cha nơi đất Bắc gửi sự thương nhớ tới con gái yêu nơi miền Nam và nỗi lòng của người con nhớ tới quê hương, gia đình mình.
Nhìn lại chặng đường sáng tác âm nhạc của mình ông chia sẻ: Để có được thành công của ngày hôm nay phải nhờ đến sự giác ngộ cách mạng của mình. Đó là thời khắc quan trọng giúp mình định hướng được mục tiêu của cuộc đời và thời gian ý nghĩa nhất là những năm tháng tham gia kháng chiến. Chính những năm tháng ấy giúp cho sáng tác của ông luôn chan chứa tình đời, tình người và ấm áp tình đồng chí.
Bí mật của nhạc sĩ "giàu có"
Với "tài sản" hơn 200 ca khúc với nhiều thể loại âm nhạc, ông không nhận mình là nhạc sĩ đa thể loại âm nhạc mà cho rằng mình là người giàu có với số "vốn liếng" đó. Tuy nhiên thời gian gần đây người yêu nhạc ít nghe được sáng tác của ông. Giải thích điều này nhạc sĩ chia sẻ: "Thời điểm này không dành cho ca khúc của tôi". ông khẳng định, hiện ông có hơn 20 ca khúc hay được cất vào tủ và đang chờ thời điểm phù hợp để xuất hiện. Thời điểm nào là phù hợp vẫn là một bí mật không những với công chúng yêu nhạc mà cả với chính tác giả của những ca khúc đó.
Khi hỏi nhận xét của ông về hiện trạng âm nhạc hiện nay và mong muốn gửi gắm tới các nhạc sĩ và người yêu nhạc, ông nói: Một số nhạc sĩ hiện nay quá dễ dãi trong ca từ. âm nhạc đích thực là phải chuyển tải được cuộc sống vào trong ca từ, và ca từ là những hình ảnh nghệ thuật chứ không phải là ngôn ngữ nói. Đề tài phải xuất phát từ cuộc sống, không thể tưởng tượng mãi được. Vì tưởng tượng thì tốt nhưng tưởng tượng mãi sẽ thành không tưởng.
Nhiều bài không những thiếu ca từ mà thiếu luôn cả nội dung chuyển tải. Tuy vậy ông vẫn luôn tin tưởng vẫn còn rất nhiều những nhạc sĩ tâm huyết và tôn trọng nghề nghiêp. Đó sẽ là đội ngũ sẽ hoàn thành những ước mơ dang dở của thế hệ đi trước và phát huy âm nhạc Việt lên tầm thế giới trong tương lai. Với người nghe nhạc hãy biết lựa chọn những ca khúc phù hợp, có y nghĩa để nuôi dưỡng tâm hồn mình.
Bảo Hằng