Tội phạm “thoát xác” từ các tệ nạn xã hội

Tội phạm “thoát xác” từ các tệ nạn xã hội

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Những ngày vừa qua, chủ đề cướp giật tại TP.HCM trở thành câu chuyện thời sự nóng bỏng trong hàng triệu gia đình. Nếu được dùng cụm từ chính xác nhất để mô tả về nạn cướp giật tại TP.HCM, chỉ có thể nói là táo tợn và liều lĩnh.

Nhận diện cướp đường ph

Mức độ gây án của các đối tượng không dừng lại ở các vụ cướp vặt mà sẵn sàng dùng hàng nóng, mã tấu, dao phay uy hiếp, chém trọng thương nạn nhân rồi thản nhiên lấy xe máy xịn, điện thoại di động, laptop, ví tiền rồi bỏ đi.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Nhật Bình (56 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) bức xúc: "Chỉ trong vòng có mấy ngày mà trên địa bàn thành phố đã xảy ra hàng loạt các vụ án cướp tài sản, trong đó có nhiều vụ cướp táo tợn. Bọn cướp thường chọn những tuyến đường vắng vẻ, nhiều ngõ ngách để dễ tẩu thoát. Chúng rất manh động và sẵn sàng tìm đủ mọi cách để đạt được mục đích. Chúng tôi thật sự phẫn nộ trước những hành vi đó, chúng có sức khỏe nhưng không chịu lao động mà đi cướp giật của những người khác để tiêu xài là điều không thể chấp nhận được. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay trấn áp, đồng thời đưa ra mức phạt thật nặng để răn đe, tránh tình trạng tái phạm".

Ông Nguyễn Ngọc Vân (72 tuổi, ngụ đường Nguyễn Huệ, quận 1) cho biết: "Nạn cướp giật diễn ra trên toàn thành phố, hầu như ở bất cứ quận, huyện nào cũng có loại tội phạm này, nhưng nhiều nhất là các tuyến quốc lộ, vùng ngoại thành vắng vẻ, khu công nghiệp, khu vực trung tâm thành phố nơi có lượng lớn người nước ngoài lưu trú.

Từ trước đến nay khu vực phường Linh Trung - quận Thủ Đức, bến xe miền Đông - quận Bình Thạnh, hay phường bình Hưng Hòa - quận Bình Tân được xem là những điểm nóng về vấn nạn này. Số vụ cướp giật ở những địa bàn này thường nhiều hơn các nơi khác. Theo tôi, đây là những địa bàn có đông người qua lại, bọn cướp dễ dàng ra tay và tẩu thoát".

Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc gia tăng tình trạng cướp trên đường phố có nhiều nguyên nhân từ xã hội. Tình trạng thất nghiệp và các tiêu cực xã hội như nạn cờ bạc, lô đề, cá độ và đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp đã biến những kẻ ăn chơi lêu lổng trở thành những tên cướp hung tợn.

Chính vì thế, dù mỗi người có ý kiến khác nhau nhưng tất thảy đều có chung nhìn nhận là tội phạm cướp giật, nhất là cướp có tính chất côn đồ, manh động, đang là thách thức lớn của lực lượng công an và toàn xã hội. Đây không chỉ là khẳng định của hầu hết người dân đang sinh sống tại TP.HCM mà các hiệp sĩ đường phố, những người tham gia bắt cướp cũng có nhận định chung như vậy.

Theo các hiệp sĩ tại TP.HCM, hành động của bọn cướp ngày càng nguy hiểm. Chúng thường cất giấu hung khí như roi điện, bình xịt hơi cay, mã tấu, dao và sẵn sàng ra tay khi bị người dân ngăn cản.

Pháp luật - Tội phạm “thoát xác” từ các tệ nạn xã hội

Người dân tham gia bắt cướp trên phố.

Thống kê của công an TP.Hồ Chí Minh cũng cho thấy, đa số những kẻ cướp giật bị bắt khi gây án ở TP.HCM đều trong độ tuổi lao động, phần lớn sinh trưởng tại các tỉnh ngoài, trong đó có những kẻ tới TP.HCM hành nghề đã vài năm. Hầu hết, bọn chúng sống trong môi trường gia đình bị đổ vỡ, cha mẹ thiếu sự quan tâm chăm sóc, trình độ học vấn thấp và sa vào nghiện hút ma túy, cờ bạc, rượu chè, cá độ.

Nhiều chuyên gia nhận định, thực tế hiện nay cho thấy tình trạng tội phạm cướp giật tại TP.HCM là vô cùng táo tợn, thủ đoạn gây án rất liều lĩnh, tàn độc. Các đối tượng trước khi đi cướp thường trong trạng thái phê ma túy nên ra tay rất lạnh lùng. Chúng sẵn sàng dùng mã tấu chém vào những chỗ hiểm của nạn nhân như gân tay, gân chân, mặt, lưng khiến nạn nhân không có khả năng chống cự rồi ngang nhiên cướp tài sản.

Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, hội Tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định: "Dồn dập thông tin cướp đâm chém người bùng nổ lan rộng khắp đất Sài thành, khiến người dân hoang mang. Các vụ cướp giật táo tợn xuất hiện ngày càng nhiều là do các băng cướp này quy tụ nhiều thành phần bất hảo đến từ nhiều nơi khác nhau. Nhiều đối tượng trong băng cướp này từng có tiền án, tiền sự, bị truy nã toàn quốc".

Người dân cũng cần "tuyên chiến"

Hàng loạt vụ cướp giật kinh hoàng vừa xảy ra tại TP.HCM khiến tính mạng người dân đang bị đe dọa. Trước vấn đề này, người dân cần "tuyên chiến" với đại nạn cướp giật bằng cách nhận diện tội phạm để phòng ngừa.

Một cán bộ Đội hình sự đặc nhiệm công an TP.HCM cho biết, trước đây, các đối tượng cướp giật tài sản thường tập trung ở các địa bàn vùng ven để gây án. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều tội phạm cướp giật đã tấn công vào các quận nội thành. Qua tìm hiểu, cơ quan công an xác định, nạn thất nghiệp là một nguyên nhân đẩy tình trạng cướp giật tăng cao vào thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, cơn bão ma túy "đá", thuốc kích thích đã kéo nhiều thanh thiếu niên vào con đường cướp giật.

Bà Lê Thị Tuyết, chuyên gia xã hội học, người có nhiều năm thực hiện các nghiên cứu tội phạm học tại TP.HCM cho biết: "Hiện nay, các đối tượng cướp giật tài sản có thể chia làm 3 loại. Loại thứ nhất, chúng không di chuyển nhiều, thường đứng trên lề đường, vỉa hè tại thành phố, giả vờ mua đồ ăn uống, đọc báo, đứng nói chuyện... nhưng thực chất là quan sát.

Khi thấy "con mồi" sơ hở là lao tới cướp giật. Loại thứ hai, các đối tượng thường xuyên đảo qua đảo lại, đi lòng vòng trên đường phố "săn mồi". Loại thứ ba, các đối tượng ăn mặc lịch sự, đi xe máy đắt tiền, ăn nói nhỏ nhẹ, chỉ cần liếc mắt, thấy "con mồi" sơ hở là lao vào cướp giật".

Theo Bà Lê Thị Tuyết, trong 3 loại cướp giật hiện đang xuất hiện tại TP.HCM, loại cướp giật thứ ba là loại khó phát hiện nhất nhưng lại thường xuyên gây án ở bất kể mọi nơi mà chúng có mặt. Mỗi khi "ăn hàng", chúng hiện nguyên hình là những tên cướp cực kỳ nguy hiểm với nhiều hung khí gây án như: Bình xịt hơi cay, tuýp sắt, roi điện, dao...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Vân (72 tuổi, ngụ đường Nguyễn Huệ, Q.1) bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ mọi người không nên quá ỷ lại vào các lực lượng chức năng mà trước hết cần tự bảo vệ mình. Khi ra đường, tôi thường tháo hết trang sức trên người, tránh gây sự chú ý đối với tội phạm cướp giật. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần ngụy trang những tài sản có giá trị. Ví dụ như khi mang theo laptop không nên bỏ vào những balo chuyên dùng đựng laptop mà có thể bỏ vào những chiếc ba lô du lịch".

Anh Đỗ Văn Quân (26 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) hiến kế: "Ra đường cần quan sát những người xung quanh, lắp gương chiếu hậu loại có thể quan sát kỹ phía sau, để khi phát hiện những đối tượng khả nghi thì nhanh chóng tấp vào lề đường. Nên hạn chế ra đường một mình vào buổi tối, đặc biệt là những nơi đường vắng vẻ, không có đèn đường. Nếu có chuyện quan trọng phải đi ra ngoài thì nên rủ hai hoặc ba người đi cùng để tránh những trường hợp đáng tiếc.

Lưu ý, với những người ham nhậu, cần phải biết làm chủ bản thân bởi khi đã nhậu say thì khó kiểm soát được tài sản mang theo, đây là cơ hội cho tội phạm ra tay. Nạn nhân khi bị cướp hay những người đi đường cần nhanh chóng ghi lại những đặc điểm của đối tượng và báo cho lực lượng chức năng. Nếu có sự giằng co giữa nạn nhân và tên cướp, những người gần đó cần ứng cứu để cùng chung tay trấn áp loại tội phạm nguy hiểm này".

Hạ Huyên - Hồ Nam


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.