“Tôi thích những người phụ nữ tự tại và tự trọng đến mức coi như đàn ông biến mất rồi. Họ làm đẹp vì chính họ chứ không vì ánh nhìn của đàn ông, để quyến rũ đàn ông. Họ làm việc vì họ muốn chớ không phải chứng tỏ mình cũng mạnh mẽ.
Má tôi cả đời sống ở nông thôn. Bà chưa từng nhận hoa hay lời chúc tụng vào các ngày lễ. Nhưng má không buồn. Đám ruộng má tôi coi năm nào cũng trúng mùa hơn những đám ruộng trong xóm, vốn được chăm sóc bởi những ông nông dân thứ thiệt.
Chị tôi thì lấy chồng về chợ đã hai mươi tám năm. Chị chưa từng nhận hoa hay những lời chúc tụng vào các dịp lễ. Chị cũng không buồn. Chồng chị tử tế nhưng nghĩ cứ thương nhau là được, cần gì phải bày nhiều trò.
Hai người phụ nữ này, tôi nghĩ, không cần ai giải phóng, bởi họ đã giải phóng mình rồi. Phụ nữ mạnh mẽ khi không còn ý thức cái “sự” phụ - nữ của mình.
Tôi hay thấy trên mạng những câu được cho là đầy nữ quyền, kiểu như “Bạn có thể biến đàn ông thành nô lệ chỉ với chiếc xương quai xanh gợi tình”. Mắc cười vì rốt cuộc chị em vẫn cứ đánh giá cao đàn ông, vẫn cứ lao tâm khổ trí làm sao để đánh gục được họ. Tôi nghĩ rằng phụ nữ chỉ thực sự mạnh mẽ khi họ không còn ý thức cái sự - phụ - nữ của mình nữa. Mở báo ra thấy viết về những người phụ nữ làm phu hồ, làm cửu vạn, đạp xích lô chúng ta hay kêu lên không thể như thế được họ là phụ nữ mà, nhưng biết đâu người trong cuộc ấy vặn lại “sao lại không?”..
Tôi thích những người phụ nữ tự tại và tự trọng đến mức coi như đàn ông biến mất rồi. Họ làm đẹp vì chính họ chứ không vì ánh nhìn của đàn ông, để quyến rũ đàn ông; họ làm việc vì họ muốn chớ không phải chứng tỏ mình cũng mạnh mẽ. Họ trèo thang tre xóc nóc lại mái nhà, bưng bê vô đất mấy chậu cây, đóng đinh lên tường treo mấy cái ảnh. Thích gã nào thì cứ chạy đến bảo “em thích anh rồi đó, anh nghĩ sao?”. Trong đầu họ không có khái niệm trâu và cột. Sống được như thế thì không phải ngồi đây bàn về sự bình đẳng của người phụ nữ nữa làm gì.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư