Nhưng tôi vẫn phải dùng, vẫn phải tương tác để cho cuộc đời bớt nhạt, cho đỡ cảm thấy bất an. Tôi thấy thương cho những người như mình, trong một thời đại số hóa. Và tôi biết, ước mơ ấy không phải chỉ của riêng mình.
Buổi sáng, mở trang báo ra, vô tình đọc được một bài viết về một cộng đồng quay lưng lại với cả thế giới, lánh xa sự cám dỗ của những thứ công nghệ hiện đại. Họ vẫn sống trong lòng đất nước của họ, giữa châu Âu hoa lệ, vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn yêu, vẫn sinh con đẻ cái, vẫn lao động, không internet, không điện thoại và không điện,… nhưng họ vẫn vui. Đàn ông vẫn hàng ngày làm lụng, cấy cày và di chuyển trên những chiếc xe bò kéo, phụ nữ vẫn bếp núc, vắt sữa bò, giặt giũ quần áo cho cả nhà bằng đôi tay trần; trẻ em vẫn đến trường, học thánh ca và ngôn ngữ cổ xưa của dân tộc…
Ai nói họ lạc hậu, bảo thủ, tôi đồng tình nhưng xét cho cùng, tôi thèm được như họ, tôi ghen tị với họ. Ở giữa cộng đồng của mình, tôi không muốn trở thành kẻ lập dị, không dám trở thành kẻ khác người.
Tôi thèm ăn táo vừa hái trên cây không phải rửa, không phải gọt vỏ, tôi thèm đi chân trần trên đất, tôi thèm được uống nước sông, tôi thèm được ngồi tán gẫu với bạn bè mà không lo điện thoại gọi đến, không bị làm đứt quãng giữa chừng,… Tôi thèm những thứ giản dị tưởng chừng vô cùng đơn giản đó. Nhưng cuộc sống hiện đại của chúng tôi thì lại thành những thứ vô cùng xa xỉ. Tôi thấy mình nghèo như trước đó mấy mươi năm.
Có một người đàn bà giàu có đã hét lên với tôi rằng: “Đi giữa đám đông, phải đeo tai nghe để thấy mình đỡ thấy cô đơn”, dù chiếc tai nghe chỉ là đạo cụ, không bật, không phát ra bất cứ một âm thanh nào. Tài khoản cả trăm tỷ đồng, quần áo, túi xách hàng hiệu, siêu xe, kẻ đón người đưa đầy đủ cả, nhưng cái cần, chỉ là một người ngồi im lặng bên mình, cùng nhau đọc sách, chẳng cần phải nói năng gì thì lại không có. Chị cũng bảo với tôi, chị nghèo nhất.
Đứng trên xe bus, ngồi ngoài công viên, trong trung tâm thương mại,… mỗi người một chiếc smartphone, mải mê sống trong thế giới ảo của riêng mình. Những cười, những nói, thậm chí cả những ái ân đều được thể hiện bằng những chiếc icon bắt mắt. Những gương mặt cắm cúi vào chiếc màn hình điện thoại thỉnh thoảng lại tự cười, tự nói, tự buồn, tự khóc. Trong khi đó, những kẻ ngồi bên đột nhiên trở thành vô hình dù vẫn đang trong cuộc vui chung bè bạn.
Và những đứa trẻ nữa, tôi cứ ngồi và quan sát trong một quán ăn hạng sang, khi cha mẹ chúng và chúng, mỗi người một chiếc iPhone, một chiếc máy tính bảng, lướt facebook, chơi game, có đứa chưa biết nói sõi tiếng mẹ đẻ đã biết “ê a ầy bi xi” (a,b,c) với ngữ âm rất chuẩn. Tôi giật mình sực nhớ, có những vụ việc, cha mẹ chỉ vì quá mải mê với chiếc smartphone mà con đi lạc ra đường lúc nào không hay… Tôi thấy sợ.
Tôi lại nhớ câu chuyện về người mẹ nghèo biết dạy con mình xếp lại dép cho những đứa trẻ có điều kiện hơn mình, đang đi chơi mà không có chút vụ lợi, chỉ là thấy không thuận thì sửa thôi. Đứa trẻ ấy, chắc chắn là không có máy tính bảng để chơi, chỉ có mẹ là nguồn vui duy nhất. Còn con tôi thì sao? Mỗi sáng sớm cha mẹ ra khỏi nhà, tối muộn mới về tới nơi, nhiều khi còn ôm thêm bao nhiêu là công việc. Đứa trẻ ấy chỉ muốn được ngồi chơi với mẹ, nhưng tôi vẫn đành quẳng cho nó một chiếc ipad trị giá cả chục triệu đồng chỉ với một yêu cầu: Để cho mẹ làm xong nốt việc đã con ơi, làm xong mẹ sẽ chơi với con. Con của tôi cũng đã thiếp đi nhiều lần với chiếc máy tính bảng còn chưa tắt…
Tôi chỉ ước một ngày không có sóng điện thoại, không có điện, để được dạy con mình phải quan tâm trước với những ai, phải làm gì khi không có quạt, không có điều hòa, không có nồi cơm điện. Tôi ước có một sân chơi mà lũ trẻ được ngồi chơi bắt chuyền, dủng dẳng lên mây, bịt mắt bắt dê,… Tôi ước lũ trẻ thuộc được những bài đồng dao mà trước đó cha mẹ chúng, ông bà chúng đã cùng lớn lên với tuổi thơ bình dị.
Tôi chỉ dám ngồi đó ước mà thôi!
P.V