Ông Mansour, 67 tuổi, hiện lãnh đạo một quốc gia chia rẽ sâu sắc vì vụ phế truất tổng thống được bầu cử dân chủ tự do đầu tiên của Ai Cập Mohamed Mursi.
Cũng như Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Abdel Fattah al-Sisi, ông Mansour được chính ông Mursi bổ nhiệm vào chức vụ thẩm phán tối cao và nhờ vị trí này ông đã được đưa lên làm lãnh đạo lâm thời. Mansour đã trở thành người đứng đầu tòa án chỉ hai ngày trước đó sau một nghị định hồi tháng trước bởi Morsy. Ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời tại Cairo hôm thứ Năm sau một nghị định hồi tháng trước bởi Morsy.
Từng giành học bổng du học tại Trường Hành chính Quốc gia Pháp danh tiếng, ông Mansour là một thẩm phán lâu đời dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Ông Mansour, vốn giữ vị trí Phó chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao từ năm 1992, đã tham gia soạn thảo luật giám sát cho cuộc bầu cử vốn đưa ông Mursi lên nắm quyền vào năm 2012.
Bất chấp việc kiểm soát các cơ cấu chính trị ở Ai Cập, ông Mursi chưa bao giờ kiểm soát được nhánh tư pháp, mà nhiều người trong số đó được bổ nhiệm từ thời ông Mubarak.
Tổng thống lâm thời của Ai Cập Adly Mansour - Ảnh: Al-Arabiya
Vào tháng 12 năm ngoái, lực lượng an ninh đã phải can thiệp sau khi những người thuộc phong trào Huynh đệ Hồi giáo của ông Mursi tấn công xe chở ông Maher al-Beheiry, người tiền nhiệm của ông Mansour, vì lo ngại tòa án hiến pháp sẽ giải tán Hội đồng Lập hiến có nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp sửa đổi, theo tờ Independent.
Không giống những lãnh đạo chính của phe đối lập, vốn bao gồm cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Mohamed El Baradei và cựu Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, ông Mansour chưa từng là một cái tên được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, việc này có lẽ đáp ứng mục đích của quân đội trong việc tìm một gương mặt trung lập cho quá trình chuyển giao gai góc, theo AFP.
“Ông ta không phải là tổng thống Ai Cập theo cách của Mursi hoặc Mubarak”, Phó giáo sư về chính sách công tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc đại học Harvard Tarek Masoud nhận xét về ông Mansour với tờ Foreign Policy.
Theo ông Masoud, ông Mansour giống với ông Sufi Abu Taleb, người giữ chức nguyên thủ lâm thời trong 8 ngày sau vụ ám sát Tổng thống Anwar Sadat năm 1981.
“Chính quyền sẽ thuộc về tay quân đội song họ phải đặt một khuôn mặt hiến pháp lên đó. Mansour không có ảo tưởng về quyền hạn của ông ấy”, ông Masoud nói.
Tuy nhiên, bất chấp vị trí thứ yếu, ông Mansour nhiều khả năng sẽ cố gắng kiểm soát việc soạn thảo luật bầu cử mới, theo các chuyên gia.
“Nhiệm vụ chính của ông là hoàn thành luật bầu cử”, ông Michael Wahid Hanna, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Century Foundation (Mỹ), nói với tờ Foreign Policy.
Vào năm ngoái, Tòa án Hiến pháp Tối cao đã hai lần vô hiệu hóa các luật bầu cử do Hội đồng Shura, tức Thượng viện Ai Cập, soạn thảo. Việc này đã khiến các cuộc bầu cử quốc hội bị trì hoãn và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập.
Theo Sơn Duân (thanhnien.com.vn)