Washington không thể độc tôn
Có những ý kiến cho rằng, sự tham gia ngày càng sâu của Nga với vấn đề khủng hoảng Triều Tiên thời gian qua bắt nguồn từ mục đích muốn cùng Trung Quốc khắc chế ảnh hưởng bá quyền của Mỹ trong khu vực.
Trái với quan điểm phổ biến trên, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực Đông Á Anthony V. Rinna cho rằng, cách tiếp cận của Nga với cuộc khủng hoảng Triều Tiên không hoàn toàn xuất phát từ sự cạnh tranh với Mỹ.
Bài viết của chuyên gia Rinna trên tờ The Diplomat chỉ rõ, mâu thuẫn trong mối quan hệ Nga-Mỹ dường như không có giới hạn về địa lý và nếu Moscow hy vọng rằng Washington sẽ phải coi trọng nhiều hơn đến lợi ích của Nga trên bán đảo Triều Tiên, Điện Kremlin dường như đã thành công trong mục đích này.
Tuy nhiên, Mỹ nhìn nhận vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên ở thời điểm hiện tại chưa hoàn toàn tích cực. Thay vào đó, lập trường đối kháng của Moscow trong việc thực thi lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên gần đây đã khiến các quan chức cấp cao nhất của chính quyền Mỹ cảm thấy tức giận.
Tờ The Diplomat cho rằng, lời giải thích phổ biến nhất cho các chính sách của Nga đối với vấn đề Triều Tiên được diễn đạt bằng sự ganh đua nhau giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh Moscow muốn theo đuổi của một trật tự đa cực, thay vì để cho Washington duy trì vị thế độc tôn.
Nga đang cố gắng ngăn chặn trật tự do Mỹ dẫn đầu cùng một loạt các nước phương Tây có quan điểm thù địch.
Nhiều nhà phân tích đánh giá Điện Kremlin đang nỗ lực để thay thế Mỹ trở thành một quốc gia dẫn dắt trật tự tự do toàn cầu. Tổng thống Vladimir Putin coi cả Triều Tiên và đất nước ông là nạn nhân bị Mỹ chống phá chỉ vì dám đứng lên thách thức vị thế số một của quốc gia này.
Bất chấp những lý do khác nhau, sự tham gia của Nga trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã mang lại những tác động tích cực trong khu vực.
Nga hy vọng sẽ hình thành môi trường an ninh Đông Bắc Á phù hợp với lợi ích của mình trong thời điểm ảnh hưởng của họ không còn rõ nét như trong quá khứ.
Chuẩn bị từ quá khứ
Bắt đầu từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006, giới quan sát lập luận rằng, tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Mỹ ở Thái Bình Dương đã nhắc nhở Trung Quốc cần theo đuổi sự cân bằng địa chính trị song phương.
Điều này đã dẫn đến việc giới lãnh đạo Bắc Kinh trong những năm gần đây bắt đầu đẩy mạnh vị thế đất nước trong nhiều vấn đề toàn cầu và đặc biệt chú trọng khu vực Đông Bắc Á – cửa ngõ an ninh quan trọng của Trung Quốc, nơi có Hàn Quốc và Nhật Bản – đồng minh chính của Mỹ.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành lời cảnh báo cho Nga với nhận thức rằng, Washington đã chiếm lĩnh khu vực từ sớm, Bắc Kinh có kế hoạch của riêng mình, trong khi Nga trở nên lép vế và cần phải có hành động để cứu vãn tình hình.
Cũng vì lý do này mà trong lập trường về cuộc khủng hoảng an ninh Triều Tiên thời điểm đó, Nga không muốn liên kết quá chặt chẽ với Trung Quốc, hay Mỹ trong cách tiếp cận về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân vì sợ bản thân lu mờ.
Gần 12 năm sau vụ thử hạt nhân thành công đầu tiên của Bình Nhưỡng, khi tình hình khu vực đã gia tăng lên tới đỉnh điểm, Nga nhận thức được rằng quốc gia này phải trở lại. Giữa bối cảnh đối đầu với Mỹ và tăng cường hợp tác với Trung Quốc, chính sách của Bắc Kinh và Moscow với Triều Tiên cũng trở nên đồng nhất và gần gũi với nhau hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia Anthony V. Rinna cho rằng, Nga vẫn có những suy nghĩ độc lập trong cách xử lý chương trình vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của Moscow giảm sút như hiện tại, Nga đang cố gắng đóng nhiều vai trò trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên, bao gồm hỗ trợ ngoại giao và là nhà trung gian quyền lực trong khu vực.
Bằng cách này, chính quyền Tổng thống Putin có thể giữ tiếng nói của mình trong cuộc chơi và giảm thiểu nguy cơ bị lấn át bởi Trung Quốc và Mỹ.
Với quan hệ lịch sử lâu năm cùng biên giới gần gũi, Nga có lý do để giúp đỡ Triều Tiên thay vì ép quốc gia vào bước đường cùng theo ý muốn của Mỹ.
Không chỉ giúp mở rộng phát triển kinh tế vùng Viễn Đông giáp Triều Tiên, Moscow lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế quá mức có thể khiến chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ và bất ổn chính trị sau đó có thể tạo ra một tình huống bất lợi trực tiếp trên toàn khu vực Thái Bình Dương.