UBND TP.HCM vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong về các vấn đề liên quan đến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Theo đó, TP.HCM đồng ý tạm ứng ngân sách TP để thanh toán cho các nhà thầu trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ ngân sách Trung ương. Chủ tịch TP.HCM giao sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thu xếp nguồn vốn để đáp ứng cho dự án.
Trước đó, ban Quản lý đường sắt đô thị đã có văn bản xin tạm ứng 1.173 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu trong tháng 9 và 10.
Theo ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trong năm 2017, nhu cầu vốn để xây dựng tuyến metro số 1 là 5.442 tỷ đồng, hiện đã được giao 2.119 tỷ đồng, đáp ứng 36% và còn thiếu 3.303 tỷ đồng.
Đối với phần vốn trung hạn từ 2016 -2020, nhu cầu vốn cho dự án metro số 1 là 20.930 tỷ đồng, hiện đã được giao 7.500 tỷ đồng, đáp ứng 39% và còn thiếu 13.430 tỷ đồng.
Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1292 về việc giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2017 đợt 3. Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa được giao vốn.
Đây là lần thứ ba ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM phải xin ứng vốn để trả cho nhà thầu. Cuối năm 2016, TP.HCM tạm ứng khoảng 600 tỷ đồng tiền ngân sách thành phố cho các nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân, các nhà cung cấp vật tư...
Đến tháng 7 năm nay, tuyến metro số 1 tiếp tục nợ nhà thầu hơn 500 tỷ đồng, các nhà thầu đã gửi thư xin giãn tiến độ và có thể sẽ cho công nhân nghỉ nếu thành phố không trả số tiền trên. Trước tình huống cấp bách, cuối tháng 8 vừa qua, TP tiếp tục tạm ứng 500 tỷ đồng để trả nợ.
Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị nhiều lần giãi bày về tình trạng khó khăn về vốn của dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Qua chia sẻ với Zing, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết, số tiền Trung ương giải ngân “vừa về là hết”, không đủ để giải quyết khó khăn trước mắt. Ông Quang nói thêm: “Tôi biết xin như thế này, sở Tài chính không thuận lắm, nhưng nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì công trường sẽ rất khó khăn”.
Tình trạng đói vốn của metro Sài Gòn bắt nguồn từ điểm nghẽn về chậm giải ngân vốn đầu tư công. TP.HCM đã kiến nghị lên Thủ tướng áp dụng quy định đối với các dự án ODA quan trọng, nếu có phát sinh phải điều chỉnh thì Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt, không phải trình Quốc hội. Thủ tướng chỉ thực hiện báo cáo Quốc hội tại phiên họp cuối năm để Quốc hội giám sát, theo dõi.
Trao đổi với Zing, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nếu quy định này được áp dụng thì điểm nghẽn về vốn đầu tư công cho metro số 1 và nhiều công trình trọng điểm của TP.HCM sẽ được giải quyết toàn diện.
Không chỉ gặp rắc rối về vốn, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên còn gặp vấn đề về bàn giao mặt bằng. Cụ thể, Liên danh Shimizu-Maeda dự kiến thi công lối lên xuống số 2 của ga Ba Son từ quý II năm nay. Tuy nhiên, phần mặt bằng lối lên xuống số 2 của ga Ba Son (nằm trong ranh dự án cầu Thủ Thiên 2) và lối lên xuống số 3 (nằm trong ranh dự án đường ven sông) vẫn chưa được bàn giao do thuộc quyền sử dụng của tổng công ty Ba Son (bộ Quốc phòng).
Do đó, ban Quản lý đường sắt đô thị kiến nghị UBND TP.HCM làm việc với bộ Quốc phòng và xem xét đề nghị của UBND quận 1 về thu hồi đất, bồi thường cho tổng công ty Ba Son để dự án nhận mặt bằng thi công lối lên xuống của ga Ba Son, hạn chế các khiếu nại của nhà thầu.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng giao UBND quận 1 khẩn trương thực hiện các thủ tục về thu hồi đất để bàn giao mặt bằng thi công lối lên xuống số 2 và số 3 của ga Ba Son, đảm bảo tiến độ thi công tuyến metro số 1 như đã cam kết với nhà thầu.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng giao ban Quản lý đường sắt đô thị chuẩn bị nội dung báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về quá trình triển khai từ khi hình thành dự án đến nay.
Trong đó, tập trung làm rõ về tính pháp lý của tổng mức đầu tư và tình hình phân bổ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn trung hạn 2016-2020 và năm 2017.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trong đó 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Theo kế hoạch, ngày 23/10 công tác lắp đặt đường ray ở đoạn trên cao sẽ bắt đầu, từ ga Phước Long đến Thủ Đức trước, sau khi hoàn chỉnh mới làm đại trà từ Thủ Đức đến Depot Long Bình. Nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đang sản xuất đầu và toa xe theo kiểu dáng, thiết kế mới sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân và các đoàn thể được UBND thành phố thông qua. Tháng 10/2018 sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam. |
Ngọc Lài (t/h)