Theo quan sát của PV vào ngày 26/2, hệ thống barie được lắp hình zíc zắc trên một số vỉa hè đường quận 1 trước đó đã được điều chỉnh.
Thay vì lắp 2 thanh barie hình zíc zắc gần nhau như trước, nay điều chỉnh lại chỉ lắp 1 thanh barie, và chừa một khoảng hở phía trong đường để cho người khuyết tật có thể dễ dàng đi lại trên vỉa hè.
Theo sở GTVT TP.HCM, việc điều chỉnh hệ thống barie xuất phát từ đề nghị của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa trong buổi làm việc với Sở trước đó.
Theo đó, khi làm việc với sở GTVT, lãnh đạo TP cho rằng, ý tưởng lắp barie trên vỉa hè một số tuyến đường là đúng, nhưng cần coi lại cách làm. Ông Khoa nêu ý tưởng, thay vì gắn barie theo hình zíc zắc như hiện nay, thì nên làm một khoảng hở sát ngay bên trong tường cho người đi xe lăn có thể dễ dàng đi qua.
Theo ghi nhận, các thanh barie trên vỉa hè có độ cao khoảng 20cm, chiều dài khoảng 2 mét. Mỗi thanh barie được lắp đặt trên một phần của vỉa hè, phần còn lại nằm sát tường không lắp barie để người khuyết tật có thể đi qua.
Sau khi được điều chình, các thanh đơn barie phần nào đã hạn chế được người chạy xe máy leo lề. Tuy nhiên, một số người vẫn chạy xe trên vỉa hè đường khiến người đi bộ rất khó chịu.
Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu một số thiết kế mới để điều chính các thanh barie cho phù hợp. Sở cũng sẽ cân nhắc việc nâng chiều cao hệ thống barie lên cao ngang thắt lưng, tăng phản quang cảnh báo như đề xuất của Phó Chủ tịch TP Lê Văn Khoa.
Trước đó, khu Quản lý giao thông số 1, sở GTVT TP.HCM đã tiến hành lắp đặt nhiều thanh barie trên một số vỉa hè của các tuyến đường nằm ở trung tâm thành phố như: Lý Tự Trọng, Pasteur, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… nhằm ngăn chặn tình trạng người dân chạy xe máy lên vỉa hè.
Các thanh barie có chiều dài khoảng 2m, đường kính 8cm được uốn cong hai đầu để cắm xuống vỉa hè, độ cao của các barie là 20cm. Trên vỉa hè, các thanh barie được lắp đặt theo hình zíc zắc, khoảng cách giữa 2 thanh barie gần nhất là 80cm. Việc lắp hệ thống barie đã hạn chế phần nào xe máy leo lề nhưng lại chưa phù hợp, gây khó khăn cho người đi bộ.
Công Thư