Thực phẩm “bẩn” từ nhà ra chợ
Tẩy trắng thực phẩm bằng bột tẩy trắng, làm tươi thịt ươn, cá biển có dòi bên trong bằng hàn the, foormol... Công nghệ giữ và làm tươi thực phẩm kinh hoàng như thế đang được áp dụng hằng ngày ở các chợ tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh lân cận. Gà, vịt làm sẵn da trắng phau sạch sẽ, mâm lòng lợn trắng bắt mắt hay mớ giá đô îđầy những cọng to, trắng mọng trông thì rất ngon lành. Các loại củ như su hào, khoai tây, các loại đậu, dưa cà…cũng tương tự, sau khi bóc vỏ đều được ngâm lại bằng hóa chất trước khi lên sạp. Dạo quanh các chợ trong nội thành cũng như một số chợ ngoại thành tại TP.HCM như: Chợ Kim Biên, Chợ Lớn, Chợ An Đông (quận 5), Chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), Chợ Bình Chánh (huyện Bình Chánh)…, nếu ai tinh mắt sẽ dễ dàng phát hiện ra nhiều loại thực phẩm được tẩy trắng sạch sẽ nhìn rất bắt mắt. Hầu hết các loại thực phẩm này trông rất tươi ngon, nhưng thực chất thực phẩm đã bị ngâm hóa chất tẩy trắng.
Da bò, được tẩy trắng bằng hóa chất độc hại
Chúng tôi hỏi một số bà bán hàng, được họ cho biết, loại chất này hiện có bán đầy ngoài chợ, giá chỉ vài chục ngàn đồng/kg. Muốn thực phẩm trắng nhanh, chỉ cần cho một ít nước với một muỗng chất này vào và bỏ thực phẩm vào ngâm khoảng 20 phút, thực phẩm sẽ tươi mới như vừa được bóc ra... Tại chợ Kim Biên (TP.HCM), các loại phẩm màu, hàn the, chất tẩy trắng… được mua bán tràn lan. Vào những ngày này, tại các quầy hóa chất, người mua, kẻ bán khá nhộn nhịp. Nhiều nhất là mua phẩm màu, hàn the, bột đường tẩy trắng. Gọi là bột tẩy đường có lẽ vì loại thuốc này ở dạng bột, trắng tinh như đường, mỗi gói đóng 1kg, đóng vào túi nilon và buộc chun, chẳng có nhãn mác gì, không ghi rõ là loại bột gì.
Ông Nguyễn Ngọc, chuyên kinh doanh thực phẩm tại chợ An Đông (quận 5), cho biết, hầu hết các loại thực phẩm bày bán ở chợ đều được ngâm hóa chất để giữ cho thực phẩm được lâu và trông tươi ngon hơn. “Các loại dưa mà không ngâm chất tẩy trắng, hàn the để cho giòn, dai thì không thể nào bán được. Với người sản xuất có lương tâm, chỉ sử dụng ít hóa chất kết hợp với kinh nghiệm chế biến vẫn cho ra sản phẩm giòn ngon, để được lâu và tương đối đẹp, ít độc hại hơn. Còn nếu chạy theo lợi nhuận, cứ thoải mái xài hóa chất cũng không bị phát hiện vì thực tế rất ít khi bị kiểm tra...”
Với các loại hải sản, đặc biệt là mực, do để quá lâu đã bị ươn, cũng không còn cách nào khác là nhờ “phù phép” của chất tẩy trắng. Chỉ 30 phút sau khi ngâm tẩy trắng, mực sẽ trở nên cứng, trắng và sạch hơn. Các loại bánh tráng, bột dưới dạng sợi như bánh canh, bánh hỏi, bún, miếng …cũng nhờ hóa chất tẩy trắng mới thu hút được thực khách.
Ôxy già (O3) vốn dĩ vẫn được nhiều người biết đến với tác dụng sát trùng vết thương. Thế nhưng, vì lợi nhuận, muốn hút mắt người mua, một số chủ kinh doanh không có lương tâm, đã sẵn sàng dùng nó để tẩy trắng chân gà, bì lợn… Bánh bao cũng được tẩy trắng nhờ một loại bột có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá 70.000 đồng/kg. Đến lượt món bún được ăn hàng ngày để có màu trắng nõn, dai, để được lâu cần đến bột làm trắng, bột làm dai và phụ gia bảo quản. Để giúp sợi bún trắng nõn, người sản xuất trên đã dùng loại chất tẩy vàng có tên là tinopal, đây là hóa chất dùng trong công nghiệp vải và sợi bông và giá bán là 250.000 đồng/kg.
Trứng gà Trung Quốc cũng không ngoại lệ khi được các chủ sạp “hô biến” thành trứng gà ta rồi bán cho khách hàng. Trứng gà Trung Quốc sau khi nhúng vào chậu axít clo-hydríc rồi vuốt nhẹ vài cái bỗng chốc biến thành trứng gà ta với lớp vỏ “trắng sạch”. Một thợ tẩy trứng giấu tên tiết lộ: “Trứng gà Trung Quốc là loại trứng chất lượng không cao. Con gà mẹ bị cho ăn loại thức ăn công nghiệp thúc đẻ 2 lần/ngày. Về đến làng, loại trứng này có giá thành khoảng 1.000 đồng/quả, tuy nhiên chỉ cần tẩy trắng thành trứng gà ta thì giá tăng gấp đôi”.
Nạn sang chai, đóng gói phụ gia thực phẩm và hóa chất công nghiệp tràn lan nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, thường là nhập khẩu, nhập lậu hoặc nhập hàng kém chất lượng rồi tự sang chiết và đóng gói bán lại cho khách hàng.
Theo TS. Nguyễn Xuân Lãng, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho biết, không nên lạm dụng quá chất tẩy trắng. Khi sử dụng hóa chất ngâm thực phẩm cần hiểu rõ tác dụng của nó và sử dụng phù hợp với hóa chất với từng loại thực phẩm. “Đúng loại nào dùng loại ấy, nếu sử dụng tràn lan, không đề trên nhãn mác là dùng cho thực phẩm tức là không dùng để tẩy đồ ăn được. Trong quá trình tẩy, thì các chất tồn dư như kim loại nặng vẫn tồn dư trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe”.
Dã tâm đầu độc người tiêu dùng
Để hút mắt người tiêu dùng, nhiều người kinh doanh đã sẵn sàng ngâm, tẩm, tắm… phụ gia cho thực phẩm nhằm có được màu sắc như ý muốn. Nhưng cái lợi trước mắt đó đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của hàng triệu người tiêu dùng. Thực phẩm bị ngâm chất tẩy trắng có thể gây ra các triệu chứng từ đau bụng đến nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác như tiêu chảy, nôn mửa, sốt, đau bụng, và mất nước. Vi khuẩn có hại là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên các bệnh do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Theo thạc sĩ Phùng Văn Trung, Viện Công nghệ hóa học TP.HCM, các chất tẩy trắng được người kinh doanh lạm dụng là hóa chất công nghiệp cấm sử dụng trong thực phẩm bởi nó gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe con người. “Các hóa chất như Hydrogen Peroxide, Magnesium Sunlfate hay Sulfur Dioxide và Psychotrine… đều là những hóa chất công nghiệp mà người kinh doanh sử dụng nhiều nhất bởi những tác dụng tức thì của nó”- Thạc sĩ Trung cho biết.
PGS.TS Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết, việc sử dụng hóa chất tẩy trắng một cách bừa bãi trong chế biến thực phẩm rất có hại cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, trong sản xuất, chế biến thực phẩm công nghiệp, công nghệ xử lý và kiểm soát việc sử dụng hóa chất rất chặt chẽ, với liều lượng nhất định và dư lượng hóa chất độc hại phải được khử sạch hoàn toàn trước khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Nếu sử dụng tùy tiện, không có hiểu biết cụ thể mà chỉ nghe người nọ mách bảo người kia thì liều lượng sử dụng sẽ không chuẩn, phương pháp làm sạch hóa chất cũng không đảm bảo và dư lượng hóa chất còn tồn đọng là điều chắc chắn, ẩn chứa những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. PGS.TS Quyền cũng khuyến cáo: “Không được phép sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm nếu chỉ vì mục đích đánh lừa thị giác và không kiểm soát được liều lượng cũng như cách thức sử dụng”.
Theo GS.TS Trần Văn Sung, nguyên viện trưởng Viện Hóa học, đối với đồ ăn, đã dùng đến hóa chất là không tốt, nhất là với lưu huỳnh và axit phôtphoric. Về tính chất hóa học, lưu huỳnh có tác dụng tẩy trắng, nhưng việc sử dụng lưu huỳnh để tẩy trắng phải có quy trình công nghệ và phải có sự kiểm soát. Việc sử dụng hóa chất một cách tự phát để tẩy trắng dừa là rất nguy hiểm, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người.
Công Thư