Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội và nhiều kênh video đã liên tục chia sẻ đoạn clip ghi lại màn tỷ thí của võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores với võ sư Đoàn Bảo Châu vào ngày 12/7 tại Hà Nội.
Ngay sau khi trận đấu giao lưu này kết thúc, thông tin võ sư Vịnh Xuân Piere Francois Flores tiếp tục bay từ Hà Nội vào TP.HCM để tỉ thí võ thuật với Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận của nhiều người dùng mạng, đặc biệt với những người đam mê võ thuật.
Dù võ sư đến từ Canada đã chia sẻ ông đến Việt Nam với mục đích trải nghiệm và khám phá văn hóa của đất nước Việt Nam, việc giao đấu võ thuật cũng là trận giao đấu cá nhân nhằm giao lưu học hỏi lẫn nhau. Thế nhưng, nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng việc tỉ thí võ thuật này sẽ làm kích động một trào lưu.
Trước những lo lắng này, PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
LS. Đặng Văn Cường cho biết những ngày qua ông có biết đến thông tin về trận tỉ thí giữa võ sĩ Pierre Francois Flores với võ sĩ Đoàn Bảo Châu. Tuy nhiên, xét theo góc độ pháp luật, vị luật sư này cho biết: “Hiện nay, pháp luật Việt Nam không cho tổ chức các trận thách đấu tự phát như trận đấu vừa nêu trên”.
Theo LS. Cường, trong các môn thể thao thì võ thuật là môn có tính đối kháng và sát thương cao, dễ gây thương tích hoặc thậm chí có thể đoạt mạng đối thủ bằng các đòn hiểm.
Để diễn ra một trận thi đấu võ thuật đúng chuẩn, LS. Cường cho hay: “Trận đấu phải có sàn thi đấu đảm bảo an toàn, phải có dụng cụ (găng, hàm giả, mũ...), phải kiểm tra sức khỏe trước khi thi đấu; các cặp thi đấu phải sàn hạng cân và sàn lứa tuổi; phải có bác sĩ, nhân viên y tế và các dụng cụ cứu thương chuyên nghiệp... Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những điều này thì trận đấu giữa hai võ sư vừa qua không đạt chuẩn theo quy định”.
LS. Cường nhấn mạnh: “Theo tôi, tất cả các cuộc thi đấu dù là đơn lẻ cũng phải được pháp luật cho phép, điều này mới đảm bảo an toàn cho các bên và an toàn cho xã hội. Bởi, những trận đấu tự phát bên cạnh nguy cơ không an toàn còn gây kích động bạo lực, thắng thua trong nhiều người. Đặc biệt nghiêm trọng hơn còn có thể tạo nên làn sóng đối đầu, bài xích hơn thua giữa các bộ môn võ, gây mất an ninh trật tự”.
Luật sư Cường cũng bày tỏ: “Nếu những trận tỉ thí võ thuật tự phát không được cơ quan Thể dục thể thao can thiệp kịp thời có thể sẽ thành trào lưu xấu, không chỉ nguy hiểm cho các võ sĩ mà còn gây mất ổn định xã hội. Theo tôi, cần có quy định mới về vấn đề này để quản lý và phát triển tinh thần thượng võ của người Việt”.
Luật thi đấu võ thuật đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 771/QĐ-UBTDTT ngày 30/5/2002 của Uỷ ban TDTT. Luật thi đấu Võ cổ truyền mới được Tổng cục Thể dục thể thao ban hành qua Quyết định số 438/QĐ-TCTDTT ký ngày 27/4/2016, được áp dụng cho tất cả các giải đấu từ năm 2016. Theo thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng có quy định rõ đơn vị tổ chức giải phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền của địa phương và Trung ương (nếu tổ chức tại thành phố trực thuộc Trung ương). Nếu trong các cuộc thi đấu tự phát để xảy ra thương tích từ 11% trở lên hoặc thiệt mạng cho đối phương người thắng có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự hoặc tội Giết người quy định tại Điều 93, Bộ luật hình sự. |
Xem thêm:
Võ sư Vịnh Xuân lên tiếng khi cao thủ Tuấn ‘hạc’ sẵn sàng tái đấu
Thanh Lam