Trong 12 ngày đêm ấy, 441 lượt B52 và 10.000 tấn bom không hủy diệt được Thủ đô và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”đã đi vào lịch sử vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc ta. Sau trận chiến lịch sử ấy, có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi (có 34 chiếc B52) và gần 100 phi công Mỹ bị chết và bị bắt. Và lại có thêm nhiều tù binh phi công Mỹ nhập trại Hỏa Lò, Hà Nội, nơi trước đó đang giam giữ hàng trăm phi công Mỹ.
Theo đại tá Trần Trọng Duyệt (hiện trú tại Khu tập thể Đoàn 6 Hải quân, Cầu Rào, Hải Phòng), nguyên Trại trưởng cuối cùng của Trại tù binh Hỏa Lò, người chứng kiến những ngày toàn bộ tù binh được ta trao trả cho phía Mỹ theo hiệp định Paris nhớ lại, thì trong thời gian chiến tranh, tại Hà Nội, tù binh phi công Mỹ được giam giữ chủ yếu ở ba địa điểm chính: Một là khu vực Fafim đường Nguyễn Trãi bây giờ (tiếng lóng của tù binh phi công Mỹ gọi địa điểm này là “Sở Thú”); hai là, số nhà 17 phố Lý Nam Đế (phi công Mỹ gọi là “Đồn Điền”); và ba là Hỏa Lò (còn được tù binh Mỹ gọi hài hước là “Khách sạn Hilton”, hay “Khách sạn Vỡ Tim”), nơi thường xuyên có đông tù binh phi công Mỹ “tá túc” nhất.
Tù binh phi công Mỹ chơi bóng chuyền tại trại giam
Sau vụ đột kích bằng đường không của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, hòng giải cứu cho số tù binh bị giam giữ ở trại Sơn Tây bất thành, các tù binh Mỹ đang giam giữ ở nhiều nơi đã được ta đưa cả về Hỏa Lò, làm cho số lượng càng tăng lên, khiến cho một số phòng giam gần như “quá tải”. Về cơ cấu tổ chức của trại tù binh Hỏa Lò: Tổng cộng cán bộ chiến sĩ ta chỉ có khoảng 60 người. Trong đó, có một Tổ Quản giáo kiêm Phiên dịch (từ 5 đến 7 cán bộ); một tổ bảo vệ chuyên làm nhiệm vụ dẫn giải tù binh đi làm việc và phục vụ sinh hoạt; hai Tiểu đội Hậu cần Cấp dưỡng được chia làm hai bộ phận: Một bộ phận phục vụ cho ta, còn bộ phận kia (có quản lý riêng) chuyên phục vụ tù binh Mỹ; một Trung đội Cảnh vệ gác vòng ngoài (khoảng 20 đến 25 người)... Đó là chưa tính các đơn vị phối hợp. Ví dụ: Để đề phòng đối phương có thể đột kích bằng đường không giải thoát tù binh, chúng ta đã bố trí một lực lượng phòng không dày đặc trên các tòa nhà cao tầng xung quanh khu vực Hỏa Lò, sẵn sàng bắn hạ máy bay bay thấp và máy bay trực thăng cứu hộ. Ngoài ra, còn có những đơn vị bộ binh, công an vũ trang, thậm chí có cả xe tăng, thiết giáp luôn sẵn sàng chiến đấu cao, nếu phía Mỹ dám liều lĩnh như với trại tù binh Sơn Tây năm 1970.
Lời kể của ông đại tá trại trưởng
Đại tá Trần Trọng Duyệt cho biết: Hồi đó, tù binh phi công Mỹ đã được phía ta chăm sóc với một chế độ ăn uống rất đặc biệt: Buổi sáng, họ thường được ăn bánh mỳ với sữa hoặc đường (những thứ hàng xa xỉ mà thời ấy, những người Việt Nam bình thường chỉ những khi ốm đau mới được biếu và bồi dưỡng). Bữa trưa và chiều, suất ăn của họ là bánh mỳ kẹp trứng rán, hoặc thịt và một bát súp thịt hầm với khoai tây, hoặc rau các loại. Những người nghiện thuốc lá, mỗi ngày còn được phát 3 điếu Tam Đảo bao bạc (thứ thuốc lá không có đầu lọc, nhưng rất quý hiếm, do miền Bắc sản xuất hồi đó).
Những ngày lễ, ngày Tết (của cả Việt Nam và Mỹ), tù binh còn được cho ăn tươi đặc biệt hơn. Ngoài việc gói bánh chưng, cuốn nem rán, bộ phận hậu cần của trại thường mang giấy giới thiệu đi về tận Hà Bắc, hoặc Sơn Tây để mua gà tây về quay, chế biến món cơm rang thập cẩm (cơm có cả thịt, trứng và rau), uống với bia Trúc Bạch, thứ đồ uống mà tù binh Mỹ rất thích, ăn xong thường có hoa quả và bánh kẹo. Để bạn đọc dễ hình dung và so sánh, chúng tôi xin được nêu ví dụ cụ thể về chế độ và suất ăn như sau: Hồi đó bộ đội ta thường có 3 chế độ ăn cơ bản: Đại táo: Áp dụng cho tất cả cán bộ chiến sĩ và những người có quân hàm đến Trung uý, được hưởng tiêu chuẩn ăn 0,68 đồng/ngày; Trung táo: Áp dụng cho các sĩ quan có cấp hàm từ Thượng uý đến Trung tá, được hưởng tiêu chuẩn ăn 0,9 đồng/ngày; Tiểu táo: Áp dụng cho các sĩ quan cao cấp có quân hàm Thượng tá và Đại tá, được hưởng tiêu chuẩn ăn 1,2 đồng/ngày. Riêng tù binh phi công Mỹ được hưởng mức ăn “đặc táo” tới 1,6 đồng/ngày. Với những người gầy yếu, hoặc ốm đau sẽ được Ban chỉ huy trại quyết định cho ăn chế độ bồi dưỡng đặc biệt: 3,2 đồng/ngày. Thời gian sau, mức ăn còn được nâng lên tới 7 đồng/ngày. (Đồng tiền ở miền Bắc ngày đó rất có giá trị: Lương tháng của đồng chí Trưởng ty công an tỉnh là 115 đồng! Một bát phở ngon có giá 3 hào, một que kem ở bờ hồ Hoàn Kiếm trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ có 5 xu...). Vì được hưởng tiêu chuẩn cao, nên tù binh Mỹ thường ăn không hết suất, cơm và thức ăn thừa nhiều. Ban chỉ huy trại quyết định sử dụng số thức ăn thừa đó để... nuôi lợn. Thời gian cao điểm, bộ phận hậu cần của trại tù binh Hỏa Lò nuôi tới 40 con lợn béo. Khi lợn to được xuất chuồng, số thịt tăng gia và tiền bán lợn đó lại được sử dụng để bổ sung cho bữa ăn của tù binh... Tóm lại, đó là một sự cố gắng rất lớn về chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tù binh Mỹ. Bởi trong thời kỳ chiến tranh, đời sống nhân dân ta còn thiếu thốn trăm bề. Hàng hóa hầu hết đều phải phân phối, được mua bằng tem phiếu ưu tiên.
Tù binh Mỹ được ăn uống đầy đủ tới mức khiến nhiều cán bộ chiến sĩ ta phải thắc mắc: Tại sao ở nhiều nơi bộ đội và nhân dân ta còn phải ăn độn thêm khoai sắn mới đủ no, mà lại dành khẩu phần ăn tốn kém như vậy cho những kẻ đã từng gây bao tội ác với đồng bao ta? Cấp trên giải thích: Tù binh Mỹ là “vốn quý” và “tài sản” để sau này chúng ta có thể đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với địch. Cán bộ chiến sĩ của trại phải xác định rõ: Chăm sóc bảo đảm tốt sức khỏe cho tù binh cũng là một nhiệm vụ đặc biệt!
Một tù binh phi công Mỹ trước lúc cất cánh.
Ở tù vẫn được đi tham quan
Cựu trại trưởng tù binh Hỏa Lò Trần Trọng Duyệt đã khẳng định: Có lẽ trên thế giới này không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở Việt Nam. Đó là nhờ truyền thống khoan hồng và nhân đạo đã có hàng nghìn năm của dân tộc ta. Các tù binh chẳng những được ăn tốt, mà còn được chăm sóc sức khỏe (cả vật chất và tinh thần) rất chu đáo trong điều kiện thời chiến cho phép. Ngoài việc được tận tình cứu chữa vết thương do nhảy dù sau khi máy bay bốc cháy, các tù binh đã được những bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện 108, 103, 354 của quân đội đến khám và chữa bệnh theo định kỳ. Cho nên, sau cú sốc thần kinh ban đầu lúc họ bị bắt, khi đã vào trại Hỏa Lò hầu hết các tù binh Mỹ đều ổn định tinh thần và sức khỏe rất nhanh. Nhiều người đã có ý thức tập luyện để thích nghi với điều kiện sinh hoạt mới, giữ gìn sức khỏe để đợi ngày được trao trả về nước. Ông Duyệt cho biết: Ở Hỏa Lò hồi đó các tù binh Mỹ thường xuyên được tổ chức vui chơi giải trí. Hằng ngày, họ được ra sân phơi nắng, chơi bóng chuyền, bóng rổ, chọc bi-a, đọc sách báo, nghe tin tức kể cả tin tức của Mỹ và phương Tây qua đài phát thanh mà trại tiếp âm, hoặc chọn những tù binh có giọng đọc tốt để đọc cho tất cả cùng nghe.
Để các tù binh có phương tiện chơi thể thao thường xuyên, trại phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông Tạ Đình Đề, người phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ của Tổng cục Thể dục thể thao. Thậm chí để giúp một số tù binh có bệnh về mắt có thể đọc được sách báo, Ban chỉ huy trại đã phải thửa khá nhiều cặp kính thuốc của bà Thuý Hà ở cửa hàng số 48 Hàng Bài. (Hiện bà Hà đang trú tại 51 Trần Nhân Tông, Hà Nội). Đặc biệt, trong các ngày Lễ, ngày Tết của Mỹ như ngày Độc lập (4 tháng 7), ngày Lễ Tạ ơn, Noel, Tết Dương lịch... tôn trọng tín ngưỡng của tù binh, trại còn cho mời cả mục sư Bùi Hoàng Thử đến làm lễ theo nghi thức tôn giáo cho số người theo đạo. Thỉnh thoảng, trại cho mời các nghệ sĩ của đoàn văn công Tổng cục Chính trị đến biểu diễn cho bộ đội và cho cả tù binh Mỹ cùng thưởng thức. Ông Duyệt còn nhớ một lần nghệ sĩ Tường Vi đến hát bài “Cô gái vót chông” và “Tiếng đàn ta lư”. Tới đoạn lên cao như tiếng chim hót “Pơ rô tốc... Pơ rô tốc...”. Mặc dù không hiểu nghĩa cả bài hát, nhưng tù binh Mỹ khoái quá, vỗ tay rào rào, yêu cầu hát đi hát lại. Đêm ấy, khi buổi văn nghệ đã tan từ lâu, nhưng ở nhiều phòng giam, tù binh không chịu ngủ. Họ bàn tán đủ thứ chuyện về các ca sĩ Việt Nam, rồi còn bắt chước giọng Tường Vi hát “Pơ rô tốc... pơ rô tốc...” suốt đêm.
Để thay đổi không khí cho các tù binh đã phải ở trong trại lâu ngày, được sự phối hợp giúp đỡ của Công an Hà Nội và An ninh Quân đội, Ban chỉ huy trại còn nhiều lần tổ chức cho các tù binh đi tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng của Thủ đô Hà Nội như: Hồ Hoàn Kiếm, Công viên Lê Nin, Quốc tử giám, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), bệnh viện Bạch Mai... Để bảo đảm an toàn cho những “vị khách đặc biệt” này, ta đã cho phép các tù binh ăn mặc như khách du lịch: Cũng comlê, cavát, giày đen v.v... và đi theo hướng dẫn viên. Tuy nhiên, cũng có lần nhân dân đã phát hiện ra tù binh Mỹ. Mọi người xì xào: Chuyên gia, khách nước ngoài gì mà mắt cứ nhìn lơ láo, thiếu tự nhiên, đúng là “giặc lái Mỹ” rồi! Vậy là tất cả cùng kéo lại chỉ chỏ, bàn tán, buộc Ban tổ chức phải đưa tất cả lên xe, huỷ bỏ chuyến tham quan dã ngoại theo dự kiến...n
Đặng Vương Hưng- Nguyễn Văn (ghi lại)