Đã mấy chục năm qua, làng thịt chuột Canh Nậu đã trở thành một "thương hiệu". Ở vùng thôn quê này, thịt chuột được "chuộng" hơn bất cứ thứ thực phẩm nào khác. Đây là món quà mà người dân Canh Nậu thường đem ra thết đãi khách quý. Nhiều thực khách từ các tỉnh lân cận cũng thường xuyên lặn lội đến làng thịt chuột để thưởng thức món ăn mà không phải vùng nào cũng có. Đúng vào vụ mùa thu hoạch lúa hè - thu, chúng tôi về Canh Nậu, xin được theo chân "vua chuột" tham gia chuyến "đi săn" đặc biệt này.
Cuộc đi săn đặc biệt
Nói chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Tuân Huân, một người dân xóm 2 (xã Canh Nậu) cho biết, cái giống chuột nó tinh lắm. Điều đầu tiên mà thợ săn phải thực hiện đó là đi chân đất khi đi săn. Bởi, chỉ có đi chân đất chuột mới không phát hiện ra tiếng động. Một điều đặc biệt nữa, mỗi thợ săn phải dắt chó đi theo. "Nghe tiếng chó sủa, anh "tý" sợ không dám bò ra khỏi hang. Mình tha hồ mà đào, mà bắt", anh Huân cười khoái trá. Hơn nữa, chó sẽ đánh hơi ra chỗ ẩn nấp của con mồi".
Chợ thịt chuột Canh Nậu.
Đêm xuống, khi dân làng nhốn nháo chuẩn bị cho cuộc đi săn, chúng tôi được anh Huân "mách nước": "Các chú nên đến tìm anh Đặng Văn Long, ở xóm 2. Đây được coi là "vua chuột" của xã. Anh này "sát" chuột lắm. Mỗi lần đi săn, anh đều là người bắt được nhiều chuột nhất. Đi theo "vua chuột", biết đâu anh ấy lại truyền nghề cho".
Chúng tôi đến nhà anh Long đúng lúc người này cùng con trai đang chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi săn. Theo quan sát của chúng tôi, gọi là đồ nghề nhưng thực chất chỉ gồm một cái đèn pin, gậy, thuổng và một tấm lưới được may lại để đựng "chiến lợi phẩm". Anh Long vui vẻ đồng ý cho PV đi cùng, nhưng với một một điều kiện, chúng tôi phải để giày dép ở nhà. Nói rồi "vua chuột" bật đèn pin, vác đồ nghề lên vai. Cậu bé tên Minh (12 tuổi, con trai anh Long) chạy vào nhà cầm xích, dắt chú chó béo tròn đi cùng.
Thời điểm này, người dân vừa thu hoạch lúa xong, những cây rạ lúa nếp thơm lừng cả thôn xóm. Ngoài đồng, những đốm lửa đang cháy âm ỉ từ những đống rạ bốc khói nghi ngút. Từ đằng xa, những ánh đèn pin lia liên tục để tìm chuột. Bên cạnh đó là tiếng chó sủa inh ỏi, tiếng chân người chạy uỳnh uỵch.
Trên đường đi, nói chuyện với chúng tôi, anh Long cho biết, đối với nhiều người, săn chuột không chỉ đơn thuần là kiếm mồi nhậu, kiếm tiền mưu sinh mà còn là niềm vui, niềm đam mê. Như bác Phúc, 75 tuổi, cùng xóm với anh Long. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng cứ sau mùa gặt, ông Phúc lại vác cuốc ra đồng "săn chuột".
"Tôi được biết, bác ấy đã bắt chuột được 40 năm. Giờ đây, con cháu phản đối việc bác Phúc làm công việc này nhưng bác không chịu. Bác Phúc tâm sự với tôi rằng, cứ buổi chiều, nghe thấy tiếng chó sủa, tiếng người chạy ầm ầm là bác không thể ngồi yên một chỗ được. Một tuần một lần, bác Phúc và đứa cháu nội 13 tuổi lại vác cuốc ra đồng", anh Long chia sẻ. Khi bắt được chuột, hai ông cháu lại thết đãi cả nhà.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến một mảnh ruộng người dân vừa thu hoạch xong. Theo "vua chuột" nhận định, khu vực này chắc chắn có nhiều con mồi đang ẩn náu. Vừa nói, anh vừa dùng gậy đi dò theo bờ ruộng. Bỗng nhiên, "vua chuột" dừng lại ở một cái hang. Cậu bé Minh dẫn chú chó đến gí mũi nó vào cái hang đó. Bỗng nhiên chú chó sủa inh ỏi.
Anh Long cười bảo: "Các chú xem anh bắt chuột này". Nói rồi, "vua chuột" dùng chiếc thuổng thọc vào chiếc hang rồi đào đất. Chỉ hai phút sau, một chú chuột to bằng bắp tay người lớn tự chui đầu vào tấm lưới để sẵn. Anh Long cười lớn: "Đúng là chuột sau vụ mùa, béo lẳn". Cứ thế, cuộc đi săn của chúng tôi kéo dài đến gần 2h sáng và bước chân chúng tôi gần như đã kín cả cánh đồng. Khi trời trở gió lạnh cũng là lúc tấm lưới của anh Long nặng trĩu. Thấy chúng tôi thấm mệt, "vua chuột" vác đồ nghề lên vai bảo chúng tôi ra về.
Vừa về đến nhà, cậu bé Minh đưa số "chiến lợi phẩm" ra đếm. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi 30 con chuột được lôi ra từ tấm lưới. "Vua chuột" bảo, mùa này chuột không nhiều bằng các năm trước nhưng béo hơn. Nói rồi người đàn ông này đem năm con xuống bếp, bảo vợ làm thịt đãi khách. Số còn lại, chị Lan (vợ anh Long) sẽ làm thịt rồi mang ra phiên chợ sáng mai bán.
Những biển hiệu quảng cáo về thịt chuột dễ thấy ở xã Canh Nậu.
Phát tài nhờ chuột
Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ, chị Lan đã mang món chuột hấp lá chanh thơm lừng lên đãi khách. Chị cười tươi cho biết: "Những năm trước, mỗi khi vác thuổng đi săn, chồng tôi đều xách về gần 40 con. Thậm chí, có ngày "trúng đậm", anh Long và con trai còn mang về gần 60 "chú". Chính vì thế người ta mới phong cho anh là "vua chuột". Năm nay chuột ít hơn mấy năm trước nhiều lắm. Có lẽ đất nông nghiệp bị thu hẹp dần nên chúng sinh sôi nảy nở kém hơn".
Cậu đồng nghiệp tôi thắc mắc, tưởng người Canh Nậu chỉ bắt chuột để nhậu chứ mang ra chợ bán thì ai mua, chị Lan cho biết: "Ở đây, nhiều nhà phát tài nhờ kinh doanh thịt chuột. Họ thường mua chuột nguyên con từ những thợ săn trong xã rồi đem về vặt lông, chế biến thành hàng chục món ăn khác nhau. Nhiều gia đình mua xe, xây nhà tầng nhờ buôn bán mặt hàng này. Trong mỗi đám cưới, nếu nhà ai không có món thịt chuột thì coi như cỗ không sang".
Sáng hôm sau, chúng tôi chào vợ chồng "vua chuột" để đi tìm những nhà hàng kinh doanh thịt chuột. Chúng tôi đến xóm 2, xóm 3, theo giới thiệu của chị Lan, đây là hai xóm làm thịt chuột nhiều nhất xã. Tấp vào một quán nước hỏi đường, bà chủ quán đon đả: "Các chú chắc từ Hà Nội về đây ăn đặc sản à? Đi đến xóm 2 hỏi nhà chị Hoa "thịt chuột", người ta chỉ cho". Có lẽ với thâm niên hơn 5 năm mở nhà hàng thịt chuột, nên người dân nơi đây đã gắn cho chị cái biệt danh Hoa "thịt chuột".
Chúng tôi đến nhà chị đúng lúc có đoàn khách Hà Nội đang thưởng thức đặc sản. Chị Nguyễn Thị Hoa cùng hai người phụ nữ đã luống tuổi đang mải miết chế biến món chuột đồng. Trong bếp, cậu con trai tay nhanh thoăn thoắt làm món thịt xào xả ớt. Mùi thơm lừng, béo ngậy khiến không ít người xuýt xoa tán thưởng. Chị Hoa vừa cầm trên tay chú chuột đã thui vàng bảo: "Cứ cuối tuần, cửa hàng nhà tôi lại đông nghịt khách. Toàn thực khách ở các vùng khác đến thưởng thức".
Khi nói về cách chế biến, tôi lại nhớ đến lời "vua chuột" Đặng Văn Long: "Công đoạn chế biến thịt chuột cũng phải có "công thức". Đầu tiên, tôi phải nhúng chuột vào nước pha theo tỷ lệ 7 phần sôi, 3 phần lạnh. Nếu nước nóng quá sẽ làm nứt thịt chuột, còn lạnh quá sẽ khó làm lông. Đây là công đoạn khó nhất trong việc làm thịt chuột. Sau khi làm lông xong, chuột sẽ bị chặt bỏ phần đầu, tứ chi, nội tạng và lột da. Chuột sẽ được thui trên lửa nhỏ cho đến khi biến thành màu vàng ươm thì thôi. Sau đó, ai thích ăn món gì thì sẽ có công thức chế biến của người ấy".
Nhiều nước cũng thịnh hành thịt chuột Ngoài Việt Nam, món thịt chuột cũng được phổ biến ở nhiều quốc gia khác. Được biết, nhiều khách sạn lớn tại Vũ Hán (Trung Quốc) cũng có món thịt chuột. Ở Quảng Tây, thịt chuột còn được đóng hộp đem bán. Tại Campuchia, món thịt chuột đồng cay với tỏi đặc biệt được ưa chuộng. Bên cạnh đó, các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ cũng thịnh hành thịt chuột. Nhằm chống chọi với việc chuột phá hoại mùa màng, chính quyền một bang ở Đông Ấn Độ đã khuyến khích người dân bắt và ăn thịt chuột. |
Phương Phương