Thời gian gần đây, Cơ quan điều tra (Viện kiểm sát Nhân dân tối cao) đã khởi tố một số vụ án “dùng nhục hình“, trong đó có hai vụ án xảy tại TP. Nha Trang. Các cán bộ điều tra điều tra bị khởi tố đều có hành vi đã đánh người bị tình nghi khi giải giải quyết tin báo tội phạm.
Các cảnh sát bị cáo buộc dùng nhục hình ở Nha Trang, Khánh Hòa
Việc xác minh, kiểm tra nguồn tin có phải là “hoạt động điều tra" - vấn đề được tranh luận nhiều nhất nhưng chưa được Hội đồng xét xử kết luận khi tuyên án.
Ngày 9/1, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên xử phạt Trần Bá Tuấn (nguyên điều tra viên), Nguyễn Đình Quyết (cán bộ trinh sát) mỗi bị cáo 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “dùng nhục hình”.
Điều đáng lưu ý tại phiên tòa, các bị cáo và luật sư bào chữa đều có một quan điểm cho rằng, quyết định truy tố các bị cáo về tội “dùng nhục hình“ là không có căn cứ. Với luận cứ, các bị cáo chỉ thực hiện công tác xác minh, kiểm tra giải quyết tin báo tội phạm chứ không có hoạt động điều tra, bởi hoạt động điều tra vụ án hình sự phải bắt đầu từ khi khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và phân công điều tra viên thì mới được coi là hoạt động điều tra.
Các bị cáo đã dùng vũ lực với bà Lan ở giai đoạn tiền tố tụng vì thời điểm đó chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chưa có quyết định phân công điều tra viên nên chưa thể coi là hoạt động điều tra…
Đại diện VKS đã bác bỏ quan điểm trên với lập luận, hoạt động điều tra được xác định từ khi có tội phạm xảy ra, cụ thể dựa trên: tố giác của công dân, tin báo của cơ quan tổ chức…, bắt khẩn cấp, khám nghiệm hiện trường, tử thi, tạm giữ vật chứng.
Bị cáo Tuấn là điều tra viên được phân công trực tiếp xác minh tin tố giác. Chính bị cáo Tuấn đã tiến hành hoạt động điều tra như lấy lời khai của bà Lan, thu giữ vật chứng, tạm giữ bà Lan tại Đội cảnh sát điều tra (Công an TP. Nha Trang) từ ngày 28/11/2010 đến ngày 29/11/2010.
Các bị cáo dùng nhục hình với các hình thức như: xích chân, đánh đập, chích điện buộc bà Lan phải khai nhận những việc không đúng sự thật...
Giải quyết tin báo tội phạm là hoạt động điều tra?
Vụ án không có khó khăn, phức tạp về đánh giá chứng cứ chứng minh các bị cáo có hành vi dùng nhục hình hay không, vì các bị cáo đã thừa nhận có đánh người bị tình nghi.
Vì vậy, quá trình xét hỏi, tranh tụng tại tòa chủ yếu xoay quanh việc hiểu và áp dụng pháp luật tố tụng hình sự như thế nào mới đúng. Chẳng hạn: việc điều tra viên xác minh, kiểm tra giải quyết tin báo tội phạm theo điều 103 Bộ luật TTHS có phải là hoạt động điều tra?
Thời hạn xác minh có được tính vào thời hạn điều tra vụ án hình sự, việc phân công điều tra viên giải quyết tin báo thuộc thẩm quyền của ai, phân công bằng miệng hay bằng quyết định bằng văn bản?
Nội dung xét hỏi của tòa nhằm xác định hành vi của điều tra viên đánh người bị tình nghi trong giai đoạn này có phạm tội "dùng nhục hình"?
Được biết, trước khi xét xử vụ án này, tòa án đã một lần trả hồ sơ yêu cầu thu thập quyết định phân công điều tra viên điều tra vụ án hình sự này. Tuy nhiên Viện KSND tối cao cho rằng những nội dung yêu cầu trả hồ sơ là không có căn cứ; nên giữ nguyên cáo trạng ủy quyền cho VKSND tỉnh chuyển vụ án đến TAND tỉnh để xét xử sơ thẩm.
Tại tòa, các bên tranh tụng cũng chỉ nêu quan điểm về nhận thức và áp dụng pháp luật (Điều 103 BLTTHS và Điều 298 BLHS), bên buộc tội cho rằng giải quyết tin báo là hoạt động điều tra, bên gỡ tội thì cho rằng không phải là hoạt động điều tra. Các bị cáo thì trước sau vẫn cho rằng các bị cáo không phải chủ thể của hoạt động điều tra nên không phạm tội.
Nội dung điều luật chưa cụ thể, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất, nên quá trình giải quyết vụ án có những quan điểm khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau là điều không thể tránh khỏi. Đây là khó khăn, hạn chế trong hoạt động thực tiễn thi hành pháp luật.
Trở lại vụ án này, HĐXX đã tuyên bố các bị cáo phạm tội nhưng không có nội dung nhận định nào viện dẫn quy định hoặc văn bản pháp luật cụ thể để kết luận: Việc xác minh, kiểm tra nguồn tin báo tội phạm là hoạt động điều tra, để bác bỏ không chấp nhận điểm bào chữa của các bị cáo và luật sư , tuyên bố các BC phạm tội?
Nhận định của án sơ thẩm chỉ đánh giá chung chung về hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng và xâm phạm sức khỏe, danh dự của công dân được luật hình bảo vệ.
Hành vi đó gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ công an nhân dân nói riêng, tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội…
Vụ án tạm khép lại bằng bản án sơ thẩm, nhưng vấn đề pháp lý trên vẫn còn bỏ ngỏ, nên khó thuyết phục đối với những người gia tố tụng và những người dự phiên tòa. Hy vọng vấn đề pháp lý nêu trên sẽ được kết luận trong các phiên tòa sau.
Nhiều luật gia, luật sư theo dõi phiên tòa cho rằng: Theo luật, thì chỉ có cơ quan điều tra mới có thẩm quyền giải quyết tin báo tội phạm.
Điều 103 Bộ luật TTHS đã quy định thời hạn để cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh, sau đó phải ra một trong các quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Khi tiếp nhận nguồn tin tố giác, cơ quan điều tra phân công cho điều tra viên thực hiện (việc phân công này không bắt buộc phải bằng quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền khởi tố như thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can).
Điều tra viên được phân công phải tiến hành các hoạt động nghiệp vụ điều tra để kiểm tra tính xác thực của nguồn tin, như: lấy lời khai những người biết việc, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc báo cáo về nội dung sự việc... nhằm xác định, kết luận nguồn tin cung cấp có căn cứ hay không có căn cứ; có hành vi phạm tội xảy ra hay không; xảy ra ở đâu, khi nào, ai là người thực hiện hoặc có liên quan... để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Luật pháp nghiêm cấm dùng nhục hình dưới mọi hình thức. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra sẽ bị xử lý theo điều 298 BLHS. Hoạt động điều tra được hiểu theo nghĩa rộng chứ không chỉ bó hẹp là hoạt động điều tra từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Khi tiến hành các hoạt động xác minh, kiểm tra tin báo, nếu điều tra viên hoặc cán bộ được phân công, sử dụng bạo lực đối với người bị tình nghi hoặc bất cứ đối tượng khác có liên quan, với bất cứ động cơ nào cũng bị xử lý theo pháp luật, vì hành vi này đã xâm phạm đến các quyền cơ bản bất khả xâm phạm của công dân mà hiến pháp và pháp luật đã quy định.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hòa)
Tài trợ đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty dịch vụ tư vấn Ka Long - Phòng 3012 Tầng 3 Tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội - hotline: 0903. 255 339 và Công ty Luật Kosy, số 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội, hotline: 0912 232 429 |