Tuy nhiên về trung và dài hạn, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ được dự báo sẽ cạnh tranh rất khốc liệt, thì nguồn lực nội tại chính là thước đo quan trọng đối với sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp.
Năm 2016, một loạt công ty bảo hiểm nhân thọ lớn đã mạnh tay tăng vốn điều lệ (thêm tổng cộng 4.074 tỷ đồng), trong đó đáng chú ý Cathay tăng từ 2.007 tỷ lên 3.343 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ tăng vốn 500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng, Manulife tăng gấp đôi lên 1.820 tỷ đồng, Dai-ichi tăng từ 1.141 tỷ lên 1.767 tỷ đồng, Generali tăng từ 1.651 tỷ lên 2.182 tỷ đồng. Bởi vậy, nếu muốn giữ vững thị phần, Prudential buộc phải tăng vốn để cải thiện năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh đang đối mặt với những khó khăn nhất định trên toàn cầu (lãi sau thuế theo chuẩn IFRS năm tài chính 2016 giảm 32% so với năm 2015), chưa rõ công ty mẹ Prudential có ý định tăng vốn cho công ty con Việt Nam hay không.
Điều này nhiều khả năng sẽ tùy thuộc vào quan điểm của tập đoàn Anh đối với khoản lợi nhuận chưa phân phối rất lớn của Prudential Việt Nam (tính tới cuối năm 2016 ở mức 4.467 tỷ đồng).
Nên nhớ rằng trong giai đoạn 2007-2016, Prudential Việt Nam lãi sau thuế tổng cộng gần 9.000 tỷ đồng. Khoảng một nửa trong số này được chuyển về cho công ty mẹ. Mặc dù vậy, tập đoàn Anh chưa bỏ 1 đồng tiền lãi nào để tăng vốn cho công ty con trong một thập kỷ qua.
Nghi Điền