Có lẽ trong lịch sử Việt Nam trừ thời kỳ “ăn lông ở lỗ” cách đây cả ngàn năm, chưa bao giờ trang phục của người phụ nữ được “cô gọn”, “thông thoáng” như hiện nay. Đặc biệt là sự tiên phong ở hai thành phần: giới showbiz và giới... “bán thân”.
Gái nhảy trong một quán bar Sài Gòn trước giải phóng
Lâu nay, nhiều người cứ tưởng rằng cái chuyện lả lơi của trang phục phụ nữ Việt Nam chỉ bắt đầu từ thời kỳ đầu những năm 90 khi nhà nước mở cửa thị trường kéo theo sự tràn vào ồ ạt của văn hóa phương Tây. Thế nhưng theo những tài liệu mà tôi đã được đọc thì cái chuyện ăn mặc hở hang cho đến cả... múa thoát y đã có ở Việt Nam từ lâu, lâu lắm rồi, từ cái thời thầy thầy u ta tóc còn để chỏm, ông bà còn mặc áo the đi guốc mộc...
Tác giả Richard West trong cuốn “Thắng lợi ở Việt Nam” đã viết: từ năm 1965 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho phép các giải trí trường kinh doanh nghề mại dâm. Nghề tú bà, ma cô từng hình thành từ thời quân đội viễn chinh Pháp, lúc đó được công khai phát triển. Thời kỳ này, các quán bar có nhảy go - go khá phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Điệu nhảy gogo tiếng Pháp có nghĩa là (chơi) hết mình. Vũ nữ lúc đó có khi mặc hai mảnh, thậm chí một mảnh (topless).
Theo báo Tiền tuyến thì 11/12/1969, nửa triệu lính Mỹ như trên trời rớt xuống Sài Gòn đã làm “thay đổi bộ mặt xã hội miền Nam”. Một bộ phận dân cư làm “dịch vụ” tại những nơi quân đội nước ngoài trú đóng kiếm tiền “dễ dàng” hơn. Trong những thay đổi lớn nhất chắc phải kể đến nhân sinh quan khi những người phụ nữ tiên phong trong việc bán thân vì tiền đã coi sắc đẹp của họ chính là... “tư bản” còn xác thịt thì là “hàng hóa”.
Một ca sỹ thị trường thời trước giải phóng đất nước.
Mới đây người ta cũng đã công bố một loạt những hình ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Pierre Dieulefils (1862-1937). Trong nhiều thập niên sinh sống tại Đông Dương đã ghi lại hàng nghìn bức ảnh chân thực về Việt Nam thời Pháp thuộc. Trong bộ sưu tập đặc sắc của Philippe Chaplain, có những hình ảnh khiến người xem không khỏi sửng sốt. Đó là hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam khỏa thân hoặc khá hở hang trong nhiều tư thế, dáng điệu, bối cảnh và cách phục sức khác nhau. Nhiều người có chuyên môn đã khẳng địnhđó là những bức ảnh chân thực, giàu tính tư liệu, được được chụp bởi tay máy chuyên nghiệp biết tôn trọng văn hóa bản địa. Những bức ảnh này được chụp với với một tinh thần dân tộc học rõ nét nhằm truyền đạt những thông tin văn hóa bằng hình ảnh.
Nếu ai đã từng đọc tác phẩm “Số Đỏ” của nhà văn, nhà văn Vũ Trọng Phụng, có thể thấy ngoài những yếu tố hư cấu, tác giả cũng đã nêu một hiện trạng xã hội khá trần trụi của một bộ phận tầng lớp học đòi lối sống phương Tây thời kỳ đó. Họ là những người không ngại khoe thân theo trào lưu hoặc mục đích “tư lợi thân xác” của riêng mình. Với những chi tiết này cùng một số nguồn tư liệu đã dẫn ở trên có thể thấy, từ cách đây cả thế kỷ, một bộ phận phụ nữ Việt Nam đã biết “khoe thân”. Dù họ chủ yếu chỉ là những thành phần bị tách rời khỏi xã hội truyền thống thời kỳ đó thế nhưng cũng đủ để thấy được cái dấu mốc của trào lưu khoe thân đã xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc.
Cách đây khoảng 1 năm, trong một lần nói chuyện với nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, người được mệnh danh là “cha đẻ” của các cuộc thi Hoa hậu hiện nay. Tôi được nghe ông than phiền về sự gian nan của cái lần đầu tiên “dám” mang áo tắm vào cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Lần đó ông đã phải “lãnh” đủ những oan trái thị phi chỉ vì dám động vào “truyền thống kín đáo” của dân tộc. Thế nhưng thời đó ông đấu tranh cho áo tắm chỉ là vì mục đích muốn là tôn vinh cái đẹp chứ không phải là phơi bày sự dung tục. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hiện trạng xã hội hiện nay rồi cứ theo như “sách các cụ” dạy mà soi thì đúng là ý tốt của ông đã bị giới người đẹp trong Showbiz Việt hiện nay “lợi dụng” triệt để. Nguy hại thay họ lại chính là hình mẫu cho nhiều người học tập và làm theo.
Kết lại bài này tôi xin dẫn lại phát ngôn mới nhất của một “Hoa hậu ao làng” đang nổi như cồn nhờ sự “ngây thơ óc ngắn” và việc “cong người” khoe thân thường xuyên. Những dấu hỏi hay cảm thán sau khi nghe câu nói này xin mọi người hãy giữ lấy và ngẫm nghĩ. Nguyên văn câu nói đó ngắn gọn như sau: “xã hội đang tôn vinh em”.
Nguyên My