Truy cập vào bất cứ một trang web mua bán bất động sản nào cũng làm người đọc ngỡ ngàng vì mức độ Tây hóa mà các chủ đầu tư đặt tên cho các công trình này. Nào là Trung tâm thương mại Dolphin Plaza, tòa nhà Hemisco, tổ hợp văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp FLC Landmark Tower, trung tâm thương mại Savico Plaza Hà Nội, The Garden, Thiên đường mua sắm Vincom Galleries... Điều này với không ít người Việt, thậm chí với ngay cả chủ nhân của những căn hộ của các khu nhà có tên Tây, đọc được đúng tên "nhà mình" chẳng khác nào… đánh đố.
Dở khóc, dở cười
Phải nói rằng, hiếm hoi lắm mới bắt gặp một dự án có cái tên tiếng ta như Phú Mỹ Hưng, Trung Hòa - Nhân Chính. Ngoài những tên... Tây đã nêu trên, chỉ riêng khu Bắc An Khánh cũng đã có hai dự án mang tên rất "kêu", Tricon Towers và Splendora. Chưa kể đến những dự án đang trở nên rất "hot" trong thị trường bất động sản như Mandarin Garden, The Melody Villas, Sunny Garden City, Khu đô thị sinh thái Ecopard...trên thực tế vẫn vô số những cái tên kêu như chuông khác.
Sang đâu chưa thấy nhưng đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười cũng chỉ vì mấy cái tên Tây. Với những "khổ chủ" một tiếng Tây bẻ làm đôi cũng không biết thì việc chỉ dẫn địa danh có gắn với tiếng nước ngoài là một sự đánh đố. Có lần, chị Son ở Nghệ An ra Hà Nội nhưng khi nghe người nhà chỉ dẫn là đến tòa nhà Grand Plaza ở Trần Duy Hưng thì chị lắc đầu ngao ngán vì không đọc, không nhớ nổi cái tên ấy.
Không cứ gì người ngoại tỉnh, ngay người sống ở Hà Nội như vợ chồng bác Hà (Đê La Thành, Ba Đình-HN) rất vui mừng vì vừa mua được một căn chung cư trong dự án Tricon Towers. Muốn khoe với gia đình và bạn bè về căn nhà mới nhưng bác Hà phải vò đầu bứt tai cũng không nhớ được tên dự án có căn hộ của mình. Vì vậy, bác đành đi con đường vòng là kể tên chủ đầu tư, miêu tả vị trí của tòa nhà thay cho việc gọi cái tên của dự án.
Ông Trọng, người sống ở khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) cho biết, đúng là chủ đầu tư xây tốt, nhất là cảnh quan như công viên. Nhưng tôi không thích cái tên gọi "Ciputra". Bởi vậy mọi giao dịch của tôi đều là " Khu đô thị Nam Thăng Long". Theo ông Trọng thì cần có một văn bản bắt buộc các chủ dự án phải chọn một tên Việt Nam.
Cái tên không làm nên đẳng cấp
Xung quanh vấn đề đặt tên cho các dự án bất động sản bằng tiếng Tây hay tiếng ta, người trong nghề cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Trao đổi với một nhân viên kinh doanh đã có hơn chục năm kinh nghiệm trong việc bán các dự án bất động sản, anh này cho rằng việc đặt tên các dự án bằng tiếng Anh xuất phát từ tâm lý sính ngoại của người dân, cứ nghe thấy tên bằng tiếng Anh là người ta mặc định cho nó một ấn tượng về đẳng cấp tốt ban đầu. Nếu đặt tên tiếng Việt thì nghe mộc mạc quá, còn tên tiếng Anh nghe có vẻ bài bản, lịch sự hơn.
Theo bà Diễm Quỳnh (Giám đốc Công ty bất động sản trực tuyến Việt Nam), thời gian qua xuất hiện hàng loạt các dự án bất động sản được đầu tư xây dựng trong nước gắn tên nước ngoài là điều dễ hiểu. Nguyên nhân chính của việc làm này đó là chủ đầu tư muốn đánh vào tâm lý thích hàng ngoại của người dân. Thực tế, người dân mình nghèo nhưng vẫn thích chơi sang. Thích mua sắm những thứ gì liên quan đến nước ngoài. Người ta quan niệm rằng: Cái gì có mác ngoại thì chất lượng hơn, quý phái và sang trọng hơn. Vì thế mới dẫn đến hiện tượng các nhà đầu tư đua nhau đặt tên các dự án của mình có gắn mác ngoại nhằm thu hút khách hàng.
Bà Quỳnh cũng cho biết thêm, phần lớn các đối tác, nhà đầu tư, chủ môi giới qua làm ăn, đặt hàng với công ty của bà thường để ý đến việc các dự án này mang tên ngoại hay nội. Bởi thông thường, cái tên của dự án nó thể hiện hầu như toàn bộ ý tưởng của các chủ đầu tư vào các dự án đó.
Ông Nguyễn Mạnh Huy - Tập đoàn Nam Cường cho rằng, tên tiếng Anh thường thích hợp hơn với các dự án tòa nhà thương mại, với các khu đô thị thì tên tiếng Việt sẽ phù hợp hơn. Tên tiếng Anh tạo ra tính gợi mở, lạ và làm khách hàng tò mò, tìm hiểu về dự án nhiều hơn. Song ngay chính bản thân ông Huy, người làm việc và nghiên cứu về bất động sản thì, tỷ lệ ghi nhớ những dự án có tên tiếng Anh thấp hơn so với dự án tên tiếng Việt.
Lại Quỳnh