Triệu phú USD người Việt trên đất Mỹ

Triệu phú USD người Việt trên đất Mỹ

Thứ 3, 12/02/2013 09:26

Người Việt lâu nay vẫn nổi tiếng chịu thương, chịu khó, cần cù lao động, kiên trì bền bỉ vượt qua hoàn cảnh để vươn tới thàng công. Có thể thấy rõ điều này qua tấm gương của những người Việt khởi nghiệp từ tay trắng khi tới Mỹ.

Tay trắng thành "trùm" bánh mỳ

Gia đình Lê ở San Jose là một ví dụ tiêu biểu cho hình ảnh những người Mỹ gốc Việt làm việc cật lực và thành công từ tay trắng. Năm 1979, chàng trai Chieu Lê cùng vợ đặt chân lên nước Mỹ. Không nói được một từ tiếng Anh nào, Lê vẫn xoay xở xin vào làm trong một lò mổ, nhận 8 USD mỗi giờ làm việc. Một năm sau, Lê chuyển tới San Jose, theo học tiếng Anh với hi vọng sẽ kiếm được công việc tốt hơn sau khi thạo tiếng. Ở đó, ông để ý một chiếc xe bán đồ ăn lưu động cho các sinh viên trong sân trường. Thấy đó là một cách kiếm tiền hay, Lê đã xin làm thêm cho họ để vừa kiếm tiền vừa thu được kinh nghiệm. Một năm sau đó, khi đã nắm vững quy trình công việc, Lê quyết định mua một chiếc xe bán đồ ăn của riêng mình.

Động lực là ý chí thoát đói nghèo, Lê quyết theo đuổi nghề bán đồ ăn. Cậy cục mua được xe, vợ chồng liên hệ với vài công ty để được phép vào trong sân đậu xe mỗi nơi chừng 10 - 15 phút, di chuyển nhiều lần mỗi ngày để bán thức ăn. Năm 1982, khi người em trai mua được một chiếc xe tải chở thức ăn khác, gia đình Lê lập công ty, chọn cái tên "Lee Bros" (anh em nhà Lee).

Thành công đến với những dấu mốc cửa hiệu bánh mỳ đầu tiên ở San Jose; tiệm ăn phổ biến đồ uống cà phê đá đặc trưng của người Sài Gòn... Mở cửa hàng ở đâu, Lê cũng chú ý tới nếp sinh hoạt của người dân, và khách có thể đến từ 4h30 phút sáng cho tới nửa đêm. Các cửa hàng sau này đều được trang bị máy tính nối internet để khách có thể kiểm tra thư điện tử, lướt web trong lúc làm đầy bao tử một cách khoan khoái.

Món ăn ngon, chiến lược phát triển bài bản đã khiến Lee's Sandwiches trở thành một trong những chuỗi hàng tăng trưởng nhanh nhất tại miền Tây Mỹ. Để dễ hình dung ra quy mô khổng lồ của nhà Lê, cần biết rằng Lee's Sandwiches đã nướng hơn 3 triệu chiếc bánh mỳ baguette trong riêng năm 2003.

Thành tỷ phú từ 2 USD

Năm 1984, Trung Dũng khi đến Mỹ chỉ có vỏn vẹn 2 USD. Dũng luôn tin rằng kiến thức là con đường duy nhất giúp mang tới thành công ở quê hương mới. "May mắn là yếu tố rất quan trọng. Nhưng yếu tố quan trọng hơn nữa là phải có một ước mơ thật sự, phải biết những gì mình muốn làm", Dũng thổ lộ. Ông ghi danh theo học tại Đại học Massachusetts ở Boston, chuyên ngành Toán và Tin học, vừa học vừa làm đủ thứ công việc, từ rửa bát trong nhà hàng, kỹ thuật viên trong phòng máy tính... Vượt qua tất cả những khó khăn, ông đã lấy được bằng đại học, đồng thời hoàn tất một phần lớn chương trình cao học.

Bất động sản - Triệu phú USD người Việt trên đất Mỹ
 

Tiếp tục học xong thạc sĩ và khi đang chuẩn bị học lấy bằng tiến sĩ thì Dũng hay tin mẹ bị ung thư. Ông buộc phải tạm dừng việc học để đi làm toàn thời gian nhằm kiếm tiền giúp mẹ chống chọi với bệnh tật. Cuối năm 1995, sau khi mẹ mất, ông quyết định thôi việc trong vai trò kỹ sư trưởng của một công ty để bắt đầu ngã rẽ cuộc đời. Dũng xây dựng công ty phần mềm đầu tiên của mình là OnDisplay dựa trên những khái niệm tưởng chừng đơn giản: Chế tạo phần mềm tổng hợp thông tin từ các trang web khác và sắp xếp theo thứ tự tiện dụng nhất cho người sử dụng, chức năng giống với phần mềm Google hiện nay. Là người đầu tiên nhận thấy tiềm năng kinh doanh của ý tưởng, song với vốn kinh nghiệm trên thương trường còn quá ít ỏi, ông vấp phải những lời từ chối của các nhà đầu tư. Ông thuyết phục Mark Pine, một nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghệ, ngồi vào chiếc ghế giám đốc điều hành công ty.

Cái tên Mark Pine quả thật có sức nặng, Dũng dần thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Chỉ sau 2 tuần, giá trị của OnDisplay đã tăng vọt. Công ty này nhanh chóng kiếm được 80 khách hàng, hợp tác chiến lược với các đại gia như IBM và Microsoft... Năm 1999, công ty có màn bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thành công. Ngay sau đó chỉ một năm, Dũng đã bán lại công ty cho tập đoàn Vignette Corp với giá gần 1,8 tỷ USD.

Làm giàu từ những con cá

Khi Ngô Hứa đặt chân lên San Francisco vào năm 1979, gia tài ông là 30 USD. Ký ức đầu tiên về Mỹ là một tấm biển chỉ đường nhiều hướng với đèn neon nhấp nháy nằm ngay bên ngoài sân bay. "Đi về phương Bắc hay phương Nam? Bằng cách nào?" là những câu hỏi đã "nhảy lung tung" trong đầu Hứa khi đó. Với nhiều người, tấm biển chỉ mang mục đích chỉ đường, nhưng với Hứa là ngã rẽ quan trọng của cuộc đời ông tại vùng đất mới.
Hứa được bố trí cho ở tại một căn hộ hai phòng ngủ, được trợ cấp 100 USD. Sáng hôm sau, Hứa đã xin được việc tại một công ty nhựa đường, công việc là đổ các túi amiăng độc hại nặng tới 25kg vào một bồn lớn. Mỗi ngày phải đổ 250 túi như thế, kiếm khoản lương còm 4,25 USD/giờ nhưng Hứa không chê công việc, còn lao động chăm chỉ hơn, tìm kiếm mọi cơ hội để có thu nhập khá hơn. Chỉ trong vòng vài tháng, ông đã được "thăng chức" lên vị trí lái xe nâng hàng, với thu nhập 6,50 USD/giờ.

Một ngày nọ, Hứa bất ngờ gặp một người bạn cũ đang kiếm sống nhờ chiếc cần câu cá. Thấy bạn có thể kiếm tới vài trăm USD mỗi ngày nếu thời tiết tốt, ông quyết định cũng đi câu để đổi đời. Không có thuyền, ông nhận làm 2 việc mọi lúc để tích lũy, cực lực từ 5h sáng tới 10h tối mỗi ngày. Sau 1 năm, ông tiết kiệm được 10.000 USD, con thuyền mơ ước đã thành sự thật.

Thảm họa đã xảy ra trong chuyến đi câu đầu tiên khi thuyền đắm. Đau khổ, ông lang thang không về nhà suốt một tuần, mua cá từ các ngư dân, mang tới bán ở phố Tàu. Nghề bán cá bắt đầu từ đó.

Một năm sau thảm họa đắm thuyền, Hứa đã có đủ tiền để mua một chiếc xe tải lớn hơn nhằm chở cá hiệu quả hơn. Vì sao Hứa lại có thể bán được cá, khi hoạt động này đã có những nhà cung cấp địa phương tới trước. Câu trả lời là tấc độ. Hứa đưa cá từ các thuyền câu tới các nhà bán buôn chỉ trong 2 giờ đồng hồ, trong khi các công ty kia chỉ giao hàng trong ngày hôm sau. Cá của Hứa luôn tươi hơn, rẻ hơn không phải lưu kho lạnh qua đêm.

Nỗ lực của Hứa đã khiến một người Mỹ ấn tượng, bỏ việc, gom tiền rủ cùng thành lập công ty chuyển cá chung mang tên H & N Fish ở Bayshore. Họ nhanh chóng mở rộng hoạt động và bắt đầu đưa hải sản tươi đến tận Los Angeles. Từ đây, kinh nghiệm kinh doanh của Hứa khi còn ở Việt Nam liên tục được mở rông, phát huy. Ngay khi chuyển cá đến Los Angeles xong, Hứa lại chất đầy xe tải với các mặt hàng thực phẩm như mỳ Thái chuyển đến San Francisco để bán. Ông quan niệm một chiếc xe tải rỗng hàng là sự lãng phí cơ hội. H & N tiếp tục tăng trưởng qua những thăng trầm. Hứa thường ngủ lại văn phòng, không thu lời mà đổ tất cả tiền kiếm được trở lại kinh doanh. Đến năm 2004, doanh số của H & N vượt mức 300 triệu USD. 

27 năm đã trôi qua, Hứa vẫn hàng ngày điều hành công việc kinh doanh của công ty, đã thiết lập nhiều mối quan hệ kinh doanh với nhiều đối tác trên khắp thế giới, khắp các miền Bắc - Trung - Nam của Châu Mỹ và Australia, vượt qua vành đai Thái Bình Dương đến tận Châu Âu, trở thành một trong nhữnh đầu mối phân phối hải sản lớn nhất ở Mỹ. Ngô Hứa cũng chính là người có công lớn trong việc biến cá ba sa của Việt Nam thành mặt hành phổ biến trong khắp nước Mỹ.

Theo Pháp luật Việt Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.