Thay đổi lớn nhất là ý thức
Chuyện một xã vùng núi sau mấy năm người dân đi XKLĐ thì giàu lên trông thấy, tôi đã nghe nhiều. Nhưng lần này, có dịp đặt chân đến mảnh đất Tam Dị (Lục Nam, Bắc Giang), được tận mắt chứng kiến và cảm nhận cuộc sống của con người nơi đây với những câu chuyện đằng sau đồng ngoại hối cao như núi, tôi mới vỡ lẽ: Hạnh phúc của con người không được định nghĩa bằng nhà to, tiền nhiều! Sẽ là rất thiếu, nếu sau mỗi ngôi nhà bốn, năm tầng khang trang hiện đại kia, các em nhỏ cứ phải dõi mắt mỏi mòn mong ngóng bố mẹ trở về.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Nếu chỉ lượn xe lòng vòng quanh xã, người ta rất dễ có cảm giác mình đang đi lọt vào một khu phố thị sầm uất, không phải là hình ảnh một xã miền núi thường thấy. Nhà nhà san sát nhau với những kiểu kiến trúc sang trọng, hiện đại. Có những dãy nhà không tìm được cái nào hai tầng chứ đừng nói là nhà mái bằng. Người ta đồn rằng ở Tam Dị có những phố Hàn Quốc, phố Đài Loan có lẽ là đây. Đất quê rộng mênh mông, người ta có trong tay cả "núi ngoại hối" sau vài ba năm lăn lộn xứ người thì tha hồ mà kiến thiết. Nhà nào xây sau thì muốn cao hơn một chút so với nhà xây trước như là để khẳng định cái sự mới của mình. Cũng chẳng ai quy định phải xây nhà cao chừng này hay chừng khác nên nhà nhà cứ thế mà vun vút vươn lên.
Trò chuyện với PV, thầy Phạm Thụy Dân, hiệu trưởng trường THCS Tam Dị số 1 biết: "Phong trào học tập ở Tam Dị bây giờ đã được cải thiện khá nhiều, không còn "đuối" như cách đây vài năm báo chí phản ánh nữa. Cái đáng mừng là các em đã có sự thay đổi về ý thức học tập cũng như ý thức đạo đức. Thay đổi về ý thức thôi đã là một sự thay đổi lớn rồi. Kết quả học tập thì phải đợi thời gian".
Những ngôi nhà cao tầng tại Tam Dị
Sau một thời gian về trường công tác, thầy Dân cùng các thầy cô giáo trong trường quyết tâm làm một cuộc cải cách nhỏ để hình ảnh trường Tam Dị không còn ở mức "đội sổ" như trước. Các thầy cô đã về tận gia đình để hướng dẫn các em ôn bài cũng như nhắc nhở các em về công thức học tập. Những em học sinh yếu được bổ túc các buổi học thêm phụ đạo. Ban đầu, mọi chuyện rất khó khăn nhưng nhờ kiên trì và tình yêu thương các em mà toàn bộ các thầy cô giáo trong trường đã trở thành "bạn cùng tiến" giúp các em yêu thích việc học hơn là chơi game
Cũng theo thầy Dân, ngay sau khi về trường nhận công tác đầu năm 2012, để tìm cách thay đổi tình trạng đội sổ về chất lượng đào tạo học sinh trong trường, tôi đã đích thân làm một cuộc khảo sát. Có đến 41% số phụ huynh đi họp cho các em là ông bà chứ không phải bố mẹ. Đây là tình trạng phản ánh đúng thực chất với gần 4.000 người XKLĐ trên địa bàn toàn xã. "Nói gì thì nói, không có cha mẹ ở nhà các em vẫn thiệt thòi nhiều thứ. Ông bà hay cô bác dù có tốt đến đâu cũng không thể chăm cháu bằng cha mẹ chăm con được", thầy Dân trăn trở.
Ước mơ học giỏi để bố mẹ về
Trong câu chuyện thân tình với thầy hiệu trưởng trẻ tuổi hết tâm hết sức vì học sinh Tam Dị, tôi vô tình được nghe câu chuyện mà ban đầu tôi đã nghĩ nó là chuyện đùa.
Thầy Dân nhớ lại, cách đây hai tháng cô giáo chủ nhiệm một lớp 8 của trường có ra đề bài tập làm văn theo kiểu dạng đề mở: "Viết về ước mơ của em". Một em học sinh tên H., quê ở thị trấn Giẻ đã viết bài văn khá xúc động và có những câu chuyện "bị anh họ bắt nạt". Em miêu tả rất kỹ, rất đáng thương trong bài văn của mình: "Có những ngày em đi làm đồng về, bụng rất đói. Đến bữa cơm tối chỉ muốn ăn cho no mà mới ăn hết bát cơm thứ nhất thì người anh họ đã ra ám hiệu chỉ được ăn một bát, không được ăn hơn. Trong những sinh hoạt hàng ngày, em đều phải nhất nhất nghe theo lời của anh chị con nhà bác. Anh chị bảo giặt quần áo là phải giặt. Anh chị cho xem ti vi thì được xem, bắt tắt đi là phải tắt. Anh sai gì em phải làm cái đó. Em sợ nhất là mỗi bữa ăn đến. Lúc nào em cũng phải nhìn vào ám hiệu trên đôi bàn tay của anh để biết mình được ăn gì, được ăn bao nhiêu...". Câu cuối cùng của bài văn, em đó đã viết: "Em chỉ ước ao mình học thật giỏi để bố mẹ sớm về với em".
Cô giáo sau khi đọc bài văn đó đã rất giật mình nên đưa lên ban giám hiệu vì nghi ngờ có dấu hiệu bạo hành trong gia đình. Ban đầu, em học sinh đó tỏ ra rất sợ sệt. Nhưng khi được động viên, em tâm sự, chúng tôi mới vỡ lẽ ra. Do bố mẹ em đi XKLĐ, gửi em cho gia đình người bác chăm sóc. Tuy nhiên, người bác gái nhà em cũng đi XKLĐ. Chỉ còn người bác trai không thể quan tâm đến tâm tư tình cảm của cô cháu được. Chính vì thế, suốt hơn hai năm bố mẹ đi lao động xứ người, em đã phải sống cảnh như cô Tấm trong chuyện cổ xưa mà người lớn không hề hay biết. Bây giờ, bố mẹ em đã về, mọi chuyện bị bắt nạt cũng dần đi vào quên lãng nhờ tình yêu thương của cha mẹ lấp đầy.
Tôi tìm gặp em học sinh tên H. khi em đang hăng say với bài giảng của cô giáo tại lớp học buổi chiều. Nghe tôi hỏi về chuyện của mình, em rụt rè: "Chị đừng đưa tên em lên báo nhé. Bây giờ bố mẹ em về rồi, em vui lắm. Chuyện ngày xưa cũng chỉ là chuyện của trẻ con thôi, các anh chị con bác chắc chẳng cố tình. Chỉ là em thấy cần tình cảm của cha mẹ mình hơn. Bây giờ mà nói ra bố mẹ em lại thấy xót lòng. Em thấy bố mẹ đi lao động nước ngoài cũng vất vả, bây giờ mọi chuyện cũng qua rồi".
Chia sẻ về những ước mơ của mình, H. cho biết: "Ngày xưa, em lười học lắm nên kết quả học tập không tốt. Bây giờ cả bố mẹ em đều đã về nhà, gia đình lúc nào cũng đông vui, em chỉ mong bố mẹ em không bao giờ đi nữa. Em sẽ cố gắng học giỏi, nhanh có một công việc phụ giúp gia đình để bố mẹ em không phải bon chen cuộc sống nơi xứ người".
Vẫn còn tình trạng học hai, ba ca một ngày Thầy Dân cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư tốt hơn so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng thiếu phòng học khiến trường phải chia ra hai, ba ca học một ngày là khó khăn lớn nhất đối với thầy trò Tam Dị. "Chúng tôi đã nhiều lần xin kinh phí từ phía chính quyền địa phương, nhưng kinh tế của một huyện miền núi còn nhiều hạn chế nên thầy trò vẫn phải chờ đợi. Tuy nhiên, việc các em đã biết ngồi vào bàn học buổi tối ở nhà, biết ở lại lớp học sau giờ chính khóa để cùng nhau trao đổi và ôn bài là một thay đổi lớn đáng ghi nhận”, thầy Dân chia sẻ. |
Thu Dương
(Còn nữa)