Trớ trêu cảnh đi “Tây” bán... nước chè xe kéo

Trớ trêu cảnh đi “Tây” bán... nước chè xe kéo

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Cuộc mưu sinh đầy vất vả của người Việt trên đất nước Nga vẫn diễn ra hàng ngày, nhưng với họ có được việc làm dù là bán dạo thì vẫn còn may mắn lắm rồi...

Đang dạo bước trong khu chợ của người Việt tại một thành phố cách xa thủ đô Matxcơva 2000km, lòng chợt buồn khi thấy chợ vắng hoe, toàn người bán mà chẳng thấy người mua, tôi giật mình khi nghe thấy tiếng rao: “Ai cà phê, chè xanh, chè đen, bánh ngọt đê ê ê....”. Một giọng phụ nữ ngân lên, bay cao rồi nhẹ nhàng hạ xuống và hòa tan ra giữa âm thanh náo nhiệt của chợ trời, giữa một không gian đầy ắp tiếng Nga. Tôi quay mình nhìn lại, bắt gặp một nụ cười thật tươi trên gương mặt của người phụ nữ nhỏ nhắn, hiền lành, phúc hậu.

Bỗng dưng thành tay trắng

Đứng trước chiếc xe kéo chất đầy phích nước, chị Phê đon đả mời tôi: “Anh uống cà phê hay nước chè, em mời anh đấy, không lấy tiền đâu”. Tôi vui mừng: “Cám ơn chị, chị bán có đắt hàng không?”.

Pháp luật - Trớ trêu cảnh đi “Tây” bán... nước chè xe kéo

Chị Phê với chiếc xe kéo mưu sinh

Gặp người Việt giữa cộng đồng người Nga, đối thoại với nhau bằng tiếng Việt thấy thân thương quá. Nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà càng thêm da diết. Cho nên, hễ gặp ai da vàng, nói tiếng Việt giữa xứ Bạch Dương tuyết trắng, chị Phê lại đem câu chuyện nhà mình ra kể, như một sự sẻ chia.

Chuyện về vợ chồng chị, có lẽ người Việt trong thành phố ai cũng biết. Chị và anh Đông gặp nhau, yêu nhau rồi cưới nhau từ ngày hai người còn làm công nhân lao động nghĩa vụ, những ngày còn thanh niên, hồn nhiên, vô tư và luôn đầy ắp tiếng cười. Thời ấy, làm công nhân trong nhà máy, ngày làm việc 8 tiếng, tối về đi xem phim, xem ca nhạc, dạo chơi công viên. Rồi những buổi tối gõ xoong, gõ nồi, chơi đàn ghi -ta, nhảy, hát, sao mà vui thế.

Hết hạn lao động, anh chị ở lại nước Nga. Năm 1993, khi bạn bè về nước rất đông, cũng là lúc cháu Dương ra đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Thời ấy, làm ăn cũng dễ, nước Nga mới bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, những người biết buôn bán rất ít, anh chị chỉ lấy lại hàng của những chủ hàng người Việt, mang ra chợ bán mỗi ngày cũng kiếm được vài chục USD. Tích cóp mấy năm trời, được số tiền kha khá, gửi về Việt Nam giúp đỡ cho anh chị em hai bên mỗi người một chút vốn liếng làm ăn, phụ cấp cho mấy đứa cháu ruột học hành, xin việc, anh chị vẫn mua được mảnh đất, xây được căn nhà cho bố mẹ lúc tuổi già.

Ai cũng thầm khen anh chị sung sướng, hạnh phúc. Nào ngờ, tai họa đã ập đến với gia đình chị. Năm 1998, Trong một lần công an kiểm tra chợ, họ tịch thu toàn bộ hàng hóa của nhiều người, trong đó có gia đình chị. Và thế là, anh chị chỉ còn hai bàn tay trắng với số nợ hàng chục ngàn USD của các chủ hàng. Vợ chồng chị Phê đau xót vì mất tiền ốm lăn lóc. Nhưng, cuộc sống không cho họ gục ngã, nhất là với những người xa xứ phải cố gắng hơn rất nhiều. Chị hiểu điều ấy, dù không còn tiền nong gì, chị vẫn phải đứng dậy, phải sống, cho dù cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, đắng cay nơi đất khách quê người. Chị Phê biết rằng, những người “gặp nạn” như chị cũng không phải hiếm, cuộc mưu sinh bấp bênh nơi xứ người đang khá giả, bị thu hàng, hay bị cướp cũng thành tay trắng…

Gắn đời với nghề bán dạo

Bỗng dưng tay trắng, con đường làm lại duy nhất của hai vợ chồng chị Phê là mỗi vợ chồng một chiếc xe kéo, hàng ngày, từ 8h sáng, tiếng rao của anh chị đã vang lên trong các dãy hàng. Nhiều năm trong nghề, chị gần như đã hiểu được hết khẩu vị của từng người, ai uống nhạt, ai uống đậm, ai uống vào giờ nào... chị đều nhớ hết. Cả Tây, cả người Việt đều thích uống cà phê, chè của chị. Chính vì vậy, mỗi ngày hai buổi, anh chị phải về nhà lấy thêm hàng ra chợ bán.

Vợ chồng chị đã có hơn 10 năm làm nghề, thay mấy đời xe kéo, mòn vài chục đôi giày. Mùa hè còn đỡ, những ngày đông, tuyết rơi dày đặc, bánh xe nhỏ lún xuống tuyết nặng không thể kéo nổi. Rồi ngày trời lạnh, đường đóng băng trơn như mỡ, chân không bám chắc là cả người, cả xe sẽ bị bay và trôi trên đường như trượt băng nghệ thuật. Đi lại nhiều, sau nhiều năm ngấm lạnh, chị bị đau khớp, đau lưng, rồi viêm phế quản, viêm phổi, toàn là bệnh… nghề nghiệp. Nghe nói, năm ngoái chị phải nằm viện mổ vì lệch đĩa đệm cột sống. Anh Đông chồng chị, mặc dù hai đầu gối sưng vù vì viêm khớp, nhưng muốn đỡ đần cho vợ nên cũng không chịu nghỉ ngơi.

Chị tâm sự với tôi: “Em có duyên, có phận với nghề này rồi anh ạ, bây giờ, cứ hôm nào bị ốm, bắt buộc phải nghỉ, em thấy bồn chồn lắm. Hàng trăm người, ngày ngày uống nước của vợ chồng em đã quen, bây giờ em nghỉ, lúc trời rét hay nóng bức, họ không có gì để uống, em áy náy lắm”.

Rồi chị phấn khởi kể, tuy vất vả, nhưng bù lại cậu con trai của anh chị ở Việt Nam rất ngoan. Cháu lễ phép, vâng lời ông bà, có hiếu với anh chị. Về nước lúc 5 tuổi, cháu đã có nhiều kỉ niệm với bố mẹ, cháu thương bố mẹ lắm. Mỗi lần gọi điện về, cháu thường trò chuyện và động viên anh chị rất nhiều. Năm nay cháu 15 tuổi rồi. Ngoài việc là học sinh giỏi toàn diện, cháu còn đoạt rất nhiều giải trong các cuộc thi vẽ tranh do tỉnh tổ chức. Nghe các cô, các bác về phép kể chuyện về nghề nghiệp của bố mẹ, cháu đã vẽ một bức tranh người phụ nữ gồng mình kéo xe bán nước trong buổi chiều đông bão tuyết. Bức tranh thật xúc động và là nguồn động viên lớn nhất cho anh chị.

Chị Phê tâm sự: “Em cũng cố vất vả bán hàng thêm thời gian nữa. Trả hết nợ, có chút vốn cũng về quê chăm sóc con và gia đình. Sống tha hương nơi xứ người cũng buồn lắm”. Tôi biết, nhiều người cùng cảnh đều có tâm trạng như chị. Tôi thấy nghẹn lòng khi bắt tay chị, một bàn tay chai sần vì những năm tháng kéo xe.

Ngày hè trên nước Nga tôi bỗng thấy lòng mình giá lạnh…

Truân chuyên xứ người

Cuộc mưu sinh đầy vất vả của người Việt trên đất nước Nga vẫn diễn ra hàng ngày, nhưng với họ có được việc làm dù là bán dạo thì vẫn còn may mắn lắm rồi. Đây đó, trên những thành phố của Nga thời gian vừa qua, nhiều người Việt không được gia hạn hộ khẩu phải về nước khiến cuộc sống của người lao động thêm bấp bênh.

V. Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.