Trộm cắp vặt, một nét tính cách của người Việt xấu xí đã thành câu cửa miệng : "Nhặt được của rơi tạm thời đút túi", "không ai nhìn thấy tức là của mình"... Ví dụ: Trời mưa, ra bãi xe thấy có sẵn áo mưa của người khác thì lấy mặc; đèo bạn về, không có mũ bảo hiểm, ra bãi xe nhấc tạm mũ của người khác... Những việc như thế bây giờ dần trở nên bình thường.
Ở Việt Nam, có lẽ khó có thể tìm thấy một người... chưa bao giờ mất trộm. Có người khẳng định trộm cắp giờ đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện", từ trộm "làm càn" đến trộm "cho vui". Thời gian gần đây, trộm cắp ngày càng trở nên manh động và nguy hiểm, tin tức về những vụ chặt tay người đi đường để cướp điện thoại hay gần đây nhất là đoạn video clip tên cướp cầm kim tiêm lên xe bus để trấn tiền đã làm "nổi sóng" dư luận. Việc làm đó xuất phát một phần từ thói quen trộm cắp vặt và hiệu ứng dây chuyền của nó.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Băn khoăn về thực trạng này, phóng viên đã trao đổi với TS Phan Quốc Việt, người sáng lập, chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group. Vốn dĩ là một người hóm hỉnh và cầu tiến, một vấn đề tiêu cực dưới con mắt của TS Phan Quốc Việt đã trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Mời độc giả cùng ngẫm những chia sẻ nhanh của ông.
"Nhiều người ăn trộm là do thói quen"
Ông đã từng bị mất trộm bao giờ chưa?
Tất nhiên là có. Ngày xưa đi xe buýt tôi còn bị móc túi. Tôi cũng đã tham gia đánh hội đồng khi trộm bị bắt, bây giờ mới thấy là rất man rợ.
Ngay lúc bị mất trộm, ông cảm thấy thế nào?
Tất nhiên là khó chịu, nhưng tôi đã tạo cho mình cách nghĩ tích cực "chắc là hồi trước mình sống không chuẩn nên bây giờ gặp hạn, chịu khó tu thân tốt hơn thì sẽ gặp phúc lành nhiều hơn".
Tắt mắt là tính xấu không của riêng ai, kể cả những nam thanh nữ tú hay những người tri thức vẫn trộm cắp như thường, hay nói cách khác, người ta không phải vì quá khó khăn nhưng vẫn trộm cắp?
Nhiều khi không phải là trộm cắp gì lớn, kiểu như là ngại khó làm càn. Ví dụ như họ sẵn sàng bỏ tiền mua mũ bảo hiểm nhưng đi xa quá nên "mượn tạm". Nhiều người còn cho đấy là một "trò đùa lý thú".
Đằng sau mỗi sự việc đều có lý do chính đáng. Ví dụ, có cậu ở Singapore vào cửa hàng ăn trộm bánh. Khi bị bắt cậu rất thản nhiên. Tìm hiểu thì thấy nhà cậu giàu, trong thẻ tín dụng của cậu còn rất nhiều tiền. Cội nguồn của việc ăn trộm là bố cậu đi công tác nước ngoài liên tục, lâu lắm rồi cậu không được gặp. Mỗi lần gọi điện bố đều nói là đang trên đường sang nước khác. Cách duy nhất để bố cậu gặp cậu là cảnh sát thông báo cho bố là cậu ăn trộm ở bách hóa, bị bắt.
Nhiều người ăn trộm là do thói quen. Khoa học gọi là được lập trình, hay phản xạ có điều kiện (Lập trình ngôn ngữ nơ ron - NLP). Họ thấy mình hớ hênh thì họ lấy. Họ lấy rồi họ hối hận họ lại đem trả!
Nói lý do là để chúng ta hiểu thêm tâm lý con người. Đã ăn trộm là xấu, bất kể lý do gì!
Trộm cắp giờ trở nên quá phổ biến và ngày càng táo tợn, ông suy nghĩ thế nào về thực trạng này?
Trộm bây giờ đỡ hơn trước nhiều chứ. Cướp thì có vẻ táo tợn hơn. Cái này cũng một phần là do phim ảnh du nhập nhiều cái hay và cả cái không hay vào nữa. Cái gì cũng có hai mặt. Internet giúp chúng ta hội nhập, và tất nhiên các kiểu cướp cũng được du nhập. Mặt khác việc giáo dục kiến thức thì được coi trọng còn giáo dục thái độ, giá trị đạo đức thì lại giảm đáng kể. Càng nhiều kiến thức, càng thấp đạo đức thì càng nguy hiểm.
Ông đánh giá thế nào về hiệu ứng dây chuyền, ví dụ, khi người ta phát hiện mình bị mất mũ bảo hiểm, người ta sẵn sàng... ra xe khác để lấy mũ và coi đó là "tính chất bắc cầu"?
Tất nhiên đấy là việc làm hoàn toàn không nên. Đổ tại là tự hại. Đổ tại là tự hủy hoại.
Người ta vẫn nói, trước đây để một chiếc xe đạp cả ngày ở ngoài cũng không cần khóa, giờ thì chỉ cần 5 phút như thế xe sẽ "không cánh mà bay", nhận định này đúng không ạ?
Cái này đúng. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Mặt tốt của nó là chúng ta sống cẩn thận hơn.
Ông có phương án phòng tránh hoặc phòng chống trộm cắp hiệu quả không? Xin chia sẻ với ông là người viết cũng thường xuyên...bị mất trộm...
Cao nhất là xây dựng văn hóa, nếp sống văn minh, lịch sự. Sau đấy là hệ thống pháp luật, an ninh, bảo vệ, tất nhiên là tự bảo vệ chính mình và tài sản của mình.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng. Ngày xưa rất hay đưa tin về nhặt của rơi trả lại người mất. Bây giờ hình như các phương tiện tuyên truyền thích đưa tin giật gân hơn thì phải. Nếu suốt ngày chúng ta đưa tin về chống tham nhũng thì trong đầu người dân luôn nổi cộm "tham nhũng". Chỉ có cái đẹp mới đè bẹp cái xấu. Xây dựng kinh tế phát triển vững mạnh, con người sống văn minh lành mạnh, thái độ sống tích cực, trong sạch. Thời Bác Hồ luôn tuyên dương người tốt, việc tốt. Có việc tốt là được tuyên dương ngay và luôn.
Phải phối hợp chặt chẽ gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu bố mẹ ở nhà mà vui sướng khoe và cho con cái hưởng của tham nhũng, ăn cắp vặt được ở cơ quan thì lớn lên con cũng thế. Gia đình là cái nôi của đạo đức. Cây non dễ uốn. Bây giờ gia đình ít giáo dục đạo đức. Nhiều bố mẹ chỉ kiếm tiền, chuyển tiền khoán trắng cho nhà trường và lúc hoạn nạn đến nhà mình thì ngồi chửi bới xã hội, chửi bới hệ thống. Nhà dột từ nóc, cực kỳ khó chữa.
Chỉ có tam tài nhất thể, tam tuệ đồng tâm, gia đình, nhà trường và xã hội hợp tác đồng lòng như kiềng ba chân thì nhà ấm, nước êm!
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân