"Trùm dầu mỏ" Khodorkovsky kẻ "làm giàu trong bóng tối"

"Trùm dầu mỏ" Khodorkovsky kẻ "làm giàu trong bóng tối"

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Từ một kỹ sư ngành hóa hội đủ tư chất của một kẻ "cho vay nặng lãi", cộng với trí thông minh siêu việt, Mikhail Khodorkovsky đã nhanh chóng chen chân vào giới kinh doanh.

Qua hàng loạt những thương vụ mua bán chấn động, "đế chế" của Khodorkovsky đã phát triển chóng mặt đưa y trở thành nhà tài phiệt máu mặt nhất nước Nga. Dần dần, "ông vua dầu mỏ" luồn lách, vươn vòi bạch tuộc thao túng và lũng đoạn kinh tế quốc gia, thọc sâu vào hệ thống tài chính vốn chẳng mấy chặt chẽ đương thời.

Kiếm tiền dễ như trở bàn tay

Không sinh trưởng trong gia đình "danh gia vọng tộc" như nhiều tài phiệt khác, Mikhail Khodorkovsky bắt đầu khởi nghiệp từ con số không tròn trĩnh. Vốn là một sinh viên hóa học, Khodorkovsky cùng đám bạn điều hành một công ty chuyên nhập khẩu máy tính, tạo bàn đạp để tiến xa hơn.

Năm 1987, bốn năm trước khi thành trì Liên Xô sụp đổ, y lập ra ngân hàng Menatep, một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên thời hậu Liên Xô tại Nga. Giới quan sát đánh giá, chính ngân hàng này là cỗ máy kiếm tiền siêu việt cho "vua dầu mỏ".

Thế giới - 'Trùm dầu mỏ' Khodorkovsky kẻ 'làm giàu trong bóng tối'

Trùm dầu mỏ một thời Khodorkovsky (trái) đang sống những ngày trong trại giam.

Bằng bộ óc siêu việt và tài thao lược, chỉ một thời gian sau khi thành lập Menatep, Khodorkovsky đã nhanh chóng kiếm được "lợi nhuận khổng lồ" trong khu vực kinh doanh tài chính. Thủ đoạn của "ông trùm" này là lợi dụng sự thiếu chặt chẽ do tính "đỏng đảnh" của luật pháp dưới thời cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev để "khai thác" và chuộc lợi. Y mua lại số lượng khổng lồ cổ phần trong các công ty nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa với giá rẻ mạt, rinh về hàng triệu USD. Chính chính sách tư nhân hóa là cầu nối "tuyệt hảo" giữa các nhà tài chính với những trùm sỏ chính trị Nga, giữa các doanh nhân "siêu giàu" với chính giới.

Chưa dừng lại ở đó, "ông trùm" còn vươn cánh tay "thâu tóm" nhà máy sản xuất phân bón Apatit năm 1994 với giá "siêu rẻ", chỉ 283 triệu USD. Cho đến tận ngày nay, dù Khodorkovsky đã yên vị trong ngục tối nhưng người ta vẫn không thể quên thương vụ chấn động toàn cầu do y dàn xếp. Đang đà làm ăn "điên cuồng", năm 1955, "ông vua con" mua lại "món hời" của Chính phủ Nga là công ty dầu lửa Yukos với giá không tưởng. Sau cuộc đấu giá quốc gia, "siêu công ty" lớn nhất nước Nga này đã rơi vào tay Khodorkovsky với giá tối thiểu 390 triệu USD, trong khi trị giá trên thị trường trước đó lên tới vài chục tỷ USD.

Dưới sự chèo lái của Khodorkovsky, con thuyền Yukos nhanh chóng thẳng tiến ra biển lớn, trở thành tập đoàn mang tiêu chuẩn quốc tế. Yukos lúc đó đảm nhiệm vận chuyển bằng đường ống 1/5 số dầu cả nước Nga khai thác được và có sức hấp dẫn đặc biệt với các tài phiệt nước ngoài. Không thể tưởng tượng nổi, tập đoàn này đã mang về cho Khodorkovsky bao nhiêu tiền của, chỉ biết rằng, y được ca tụng là "ông vua dầu mỏ" thời đó.

Tuy nhiên, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, tưởng rằng đang ở thời đỉnh cao của danh vọng, Khodorkovsky bỗng dưng gặp hạn. Năm 1998, cũng như những ngân hàng khác trong thời khủng hoảng, Menatep - "con đẻ", "cỗ máy rửa tiền" của Khodorkovsky bị phá sản. Dư chấn của nó khiến toàn bộ hệ thống tài chính Nga lao đao. Nhiều thường dân xứ sở bạch dương đã phải nước mắt ngắn dài nhìn tiền tiết kiệm của mình bị Menatep cuốn phăng. "Đế chế" Khodorkovsky đã bị "xé" nhỏ thành một tập đoàn gồm nhiều cổ đông chiếm thiểu số. Những cổ đông này quay lưng lại cáo buộc "ông chủ" "vắt cạn sữa" của những chi nhánh công ty khiến "ông vua dầu mỏ" gặp không ít khốn đốn.

Dù vậy, với bản lĩnh trên thương trường, cộng với những "mánh lới" kinh doanh kiểu mới, Khodorkovsky đã trụ vững trước sóng to gió lớn. Y nhanh chóng lấy lại danh tiếng và trở thành tỷ phú giàu nhất nước Nga với tổng tài sản cá nhân lên tới 8 tỷ USD. Cùng lúc, nhân vật chóp bu này cũng bắt đầu tìm hiểu về chính trị và được báo giới dư luận "lăng xê" là một ứng cử viên sáng giá tranh cử chức Tổng thống Nga năm 2008. Năm 2003, công ty Yukos đã sáp nhập với tập đoàn Sibneft để trở thành gã khổng lồ dầu lửa lớn nhất nước Nga và thứ tư thế giới.

Biến chính trường thành "sân sau"

Khi đã trở thành tỷ phủ giàu nhất xứ sở bạch dương, "ông vua dầu mỏ" bắt đầu "nhòm ngó" sang chính trường. Mục tiêu của y là biến chính trị thành "sân sau" hậu thuẫn cho những "cỗ máy kiếm tiền" của mình. Giới quan sát nhận định, trùm tài phiệt này đã làm giàu trong bóng tối với những quan hệ chính trị mờ ám và biến cựu Tổng thống Boris Yeltsin thành công cụ của mình.

Dưới sự hậu thuẫn của đồng tiền, Khodorkovsky tham gia trực tiếp vào chính quyền của Tổng thống Boris Yeltsin với vai trò Thứ trưởng dầu mỏ và khí đốt Nga. Nhưng động thái chính trị được cho là đầy mạo hiểm của ông chủ Yukos là việc không hề tỏ ra giấu diếm sự ủng hộ của mình đối với các chính trị gia đối lập với Tổng thống Vladimir Putin, người kế nhiệm đầy quyền lực của Yeltsin.

Con đường quan lộ của Khodorkovsky đang "xuôi chèo mát mái" thì vào tháng 7/2003, người chia sẻ cổ phần với Khodorkovsky trong Yukos là Platon Lebedev bị bắt vì cáo buộc gian lận. Động thái này được nhìn nhận như lời cảnh báo đối với Khodorkovsky phải tránh xa chính trị. Nhưng cũng chỉ 4 tháng sau, lực lượng an ninh Nga đã ập vào còng tay Khodorkovsky ngay trên chiếc chuyên cơ tại một sân bay ở vùng Siberia. Cơ quan điều tra Nga sau đó "lật tung" trụ sở của "vua dầu mỏ", nhanh chóng thu thập đủ chứng cớ để buộc tội Yukos. Đương nhiên, ông chủ Khodorkovsky phải chịu trách nhiệm do đã trốn thuế với số tiền khổng lồ. Một kết cục chẳng ai ngờ, "ông vua" một thời từng khuynh đảo thương trường và chính trường phải ngồi "bóc lịch" trong một trại lao động có từ thời Liên Xô cũ.

Sự kiện này đã khiến giới thương gia, chính trị gia, và toàn bộ người dân Nga chấn động. Nhiều nguồn tin cho rằng, ông chủ Yukos đã dùng tiền để mua địa vị chính trị của mình. Một số nhà phân tích cũng dự đoán, "ông vua dầu mỏ" đã phải trả giá cho "mánh lới" gây dựng sự nghiệp chính trị mờ ám vượt quá sức chịu đựng của điện Kremlin. Người ta nghi ngờ rằng, trùm tài phiệt này đã dùng cả núi tiền để mua chuộc Đảng Yabloko nhằm kiếm lợi nếu các nghị sĩ của Đảng này chiếm được vài ghế trong Duma quốc gia Nga. Không chỉ vậy, y còn "rót" rất nhiều tiền cho Đảng Hợp nhất cánh hữu cũng như cuộc vận động tranh cử của Đảng này với mong muốn sẽ kiểm soát được toàn bộ các nghị sĩ Đảng Tự do.

Đầu năm 2009, Khodorkovsky được chuyển về Matxcơva để đối mặt với phiên tòa thứ hai liên quan đến tội danh tham ô 27,7 tỷ USD và rửa số tiền gần 12,5 tỷ USD. Với việc tòa án Nga khẳng định Khodorkovsky và cộng sự Platon Lebedev phạm tội tham ô và rửa tiền với số lượng lớn, cựu tỷ phú từng giàu nhất nước Nga sẽ phải tiếp tục ngồi tù ít nhất đến năm 2017 sau khi mãn hạn cho bản án cũ.

Mới đây nhất, đầu tháng 3/2012, dư luận một lần nữa lại dấy lên khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev yêu cầu các công tố tiến hành xem xét lại kết án đối với cựu trùm dầu mỏ Khodorkovsky. "Đây có thể chỉ là hình thức... hoặc có thể là chỉ dấu cho thấy những người ở cấp trên muốn khép lại các vụ án của Khodorkovsky và Lebedev...", Luật sư của Khodorkovsky nhận định.

Phát hiện tình cờ

Mới đây, các nhà điều tra Đức đã tình cờ phát hiện nhiều tài khoản ngân hàng của cựu trùm dầu mỏ Nga Khodorkovsky và các thành viên gia đình ông ta trong cuộc đột kích nhằm vào một ngân hàng Thụy Sỹ. Các tài khoản ngân hàng của Khodorkovsky tổng cộng có 15 triệu euro. Đức từng tiến hành điều tra hình sự đối với Khodorkovsky về tội rửa tiền. Tuy nhiên giới chức trách chưa khẳng định, liệu cuộc đột kích và cuộc điều tra có liên quan đến nhau hay không.

Anh Văn (còn nữa)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.