PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thủ đoạn của tội phạm ma túy trong thời gian gần đây?
Đại tá Phạm Văn Chình: Thủ đoạn cất giấu, vận chuyển ma túy của các đối tượng càng ngày càng tinh vi. Đối với vận chuyển bằng đường hàng không thì các đối tượng chủ yếu giấu ma túy vào hành lý, giấu vào các vùng kín của phụ nữ, thậm chí là nuốt vào trong ruột.
Đối với đường sắt thì chủ yếu các đối tượng giấu ma túy trong hàng hóa cồng kềnh hoặc giấu trong người, đặc biệt là tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn cũng khá phức tạp.
Còn đường biển thì chúng giấu trong hàng hóa, trong các container hàng, kể cả trong các khe, ống sắt của container. Đặc biệt, hiện nay các đối tượng thường giấu ma túy trong đồ điện tử như loa đài, tụ điện, âm ly, tranh ảnh, tượng gỗ, tượng sứ…
Trên thực tế, những vụ giấu ma túy như thế đã bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.
Đối với đường bộ thì các đối tượng giấu ma túy trong hàng hóa cồng kềnh, giấu trong ô tô, làm ô tô sàn hai đáy để cất ma túy hoặc giấu trong bình xăng… tất cả những chỗ nào trong ô tô nếu sơ hở thì chúng đều có thể giấu.
Thậm chí, có vụ đối tượng giấu ma túy trong đáy bình gas công nghiệp, bình hơi, can nhựa cắt đáy làm 2 lớp… Cũng có những vụ, một số đối tượng là người gốc Phi còn giấu ma túy vào trong cúc áo dài của phụ nữ, một chiếc áo với hơn ba chục cái cúc, giấu được khoảng 300 gram ma túy.
Nói tóm lại, tất cả các hàng hóa lưu thông trên thị trường, nếu có thể lợi dụng được thì các đối tượng sẽ lợi dụng triệt để nhằm giấu ma túy vào đó, hòng đối phó với lực lượng chức năng.
PV: Gần đây, công an đã bắt giữ một số vụ đối tượng sử dụng trẻ em làm công cụ, bình phong cho việc cất giấu, vận chuyển ma túy. Đây có phải là chiêu mới của loại tội phạm này?
Đại tá Phạm Văn Chình: Đối với trường hợp lợi dụng trẻ em để cất giấu, vận chuyển ma túy thì cơ quan công an đã bắt được một số vụ. Thậm chí, có những đối tượng lợi dụng chính con đẻ của mình.
Tôi còn nhớ, trước đây, C47 phối hợp với lực lượng chức năng từng bắt một vụ đối tượng mang theo 2 con nhỏ ra sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị đi Úc.
Thực chất, người phụ nữ này đã lợi dụng các con để vận chuyển ma túy đi giao. Ngày hôm đó, chị ta bế trên tay đứa con nhỏ mới hơn 1 tuổi và dắt theo cô con gái lớn khoảng 12 tuổi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh.
Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và thông qua máy chiếu, lực lượng chức năng phát hiện, đối tượng trên đã buộc khoảng 300 gram heroin vào đùi cô con gái 12 tuổi để ngụy trang. Kết thúc chuyên án, đối tượng trên bị tuyên phạt tù chung thân do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Hay ở một vụ án khác, vào cuối năm 2014, C47 phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ đối tượng Tạ Thị Minh (trú tại Sơn La) khi Minh đang lái ô tô chở theo em gái và đứa cháu nhỏ mới hơn 1 tuổi là con của em gái Minh.
Khi bị bắt, Minh thản nhiên nói rằng, đang chở mẹ con em gái xuống Hà Nội khám bệnh. Thế nhưng, đó thực chất là chiêu ngụy trang của Minh. Cô ta lợi dụng việc đưa cháu đi khám bệnh để giấu 20 bánh heroin bên trong ô tô rồi đưa về xuôi tiêu thụ.
Nói chung, các “trùm” ma túy hiện nay không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Ngay cả con đẻ của mình, một số đối tượng cũng nhẫn tâm lợi dụng làm công cụ để vận chuyển “hàng trắng”. Tất cả những vật gì có thể để ngụy trang thì chúng sẽ lợi dụng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng cũng dần vạch trần được chiêu trò của các đối tượng.
Điều đáng nói, trong số các vụ bắt giữ vận chuyển ma túy qua đường hàng không thời gian qua, chủ yếu đối tượng là phụ nữ. Chỉ vì món lời trước mắt mà họ đã trở thành tay sai của những “trùm” tội phạm xuyên biên giới, bị chúng lợi dụng làm kẻ hiến thân trong những chuyến vận chuyển ma túy lớn qua đường hàng không từ Việt Nam đi nước ngoài hoặc ngược lại.
PV: Vậy, theo Phó cục trưởng, chúng ta cần làm gì để đối phó với các “độc chiêu” của tội phạm ma túy?
Đại tá Phạm Văn Chình: Trước hết, lực lượng công an cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Cảnh sát khu vực cần làm tốt công tác nghiệp vụ, nắm chắc địa bàn và quản lý tốt các đối tượng thuộc diện nghi vấn.
Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ các sân bay, bến cảng, cửa khẩu để phát hiện kịp thời, không để các đối tượng lợi dụng sơ hở nhằm đưa ma túy xâm nhập vào Việt Nam.
Phối hợp với cảnh sát các nước để đấu tranh, ngăn chặn từ xa. Cần quản lý chặt chẽ các nhà hàng, vũ trường. Xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy để răn đe.
PV: Xin cảm ơn Đại tá!
Chí Công (thực hiện)