Hàn Quốc muốn thảo luận về triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ trước mối đe dọa đến từ Triều Tiên. Trong khi Philippines hy vọng nhận sự giúp đỡ từ Washington, trước sự thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông.
Có thể thấy, không ít nhà lãnh đạo châu Á đang tìm kiếm một cái bắt tay từ Washington để giải quyết một loạt các vấn đề ngoại giao cấp bách.
Tuy nhiên, cách tiếp cận thất thường của Tổng thống Trump đối với việc hoạch định chính sách, cùng với việc quá tập trung vào chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang tạo ra sự lo lắng trong khu vực, theo The New York Times.
Tại Hàn Quốc, ông Trump khiến một bộ phận công chúng nổi giận khi yêu cầu đồng minh lâu năm của mình phải trả tiền cho hệ thống tên lửa THAAD. Tuy điều này đã không xảy ra, Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ, nhưng phát ngôn của Tổng thống Hoa Kỳ đã làm đồng minh Hàn Quốc bối rối.
Tại các khu vực khác của châu Á, bao gồm cả Philippines… động thái gần gũi của Washington với Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại Mỹ sẽ ngừng các nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Mặt khác, dường như sự tin cậy của các đồng minh châu Á với ông Trump hiện đang bị sụt giảm nghiêm trọng.
Giới phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Mỹ có thể gây nguy hiểm cho các liên minh kinh tế và an ninh lâu năm, nếu ông không tỏ ra dứt khoát trong vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng có nguy cơ đẩy các nước trong khu vực đến gần với Bắc Kinh hơn, nếu ông không chứng minh rằng, Mỹ có ý định thách thức mạnh mẽ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên biển.
Antonio T. Carpio, một thẩm phán thuộc Tòa án tối cao Philippines cho biết, việc ông Trump quá tập trung vào giải quyết vấn đề Triều Tiên có thể đổi lại bằng sự nhượng bộ lâu dài dành cho Trung Quốc. "Chính sách đối ngoại của ông Trump không khiến người ta yên tâm", Carpio nhận định.
Trong vài tháng đầu cầm quyền của Tổng thống Trump, Trung Quốc tiếp tục củng cố tham vọng lãnh thổ trên Biển Đông khi không dừng lại các hoạt động xâm lấn chủ quyền của các nước trong khu vực.
Theo các hình ảnh vệ tinh cung cấp gần đây, Trung Quốc hiện có khả năng triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo trên một số hòn đảo mà nước này chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
Chính quyền mới của ông Trump đã gửi nhiều thông điệp cứng rắn đối với sự thách thức ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó bản thân Tổng thống Trump từng chỉ trích hành vi của Bắc Kinh trên Twitter cá nhân.
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson đã tuyên bố sẽ chặn Trung Quốc lên các hòn đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, theo một số thông tin gần đây, các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc đã từ chối tiếp tục các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, một trong những hoạt động thường xuyên diễn ra từ thời chính quyền Obama.
Ông Trump cũng thừa nhận mối đe dọa từ các cuộc thử nghiệm tên lửa và phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nghiêm trọng đến mức, nước này có thể tạm dừng lại một số vấn đề bất đồng với Trung Quốc để đổi lấy áp lực chính trị và kinh tế của Bắc Kinh lên Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump đã từng hứa sẽ mạnh tay với Bắc Kinh, nhưng cho đến hiện tại, mọi thứ vẫn chưa có sự chuyển hướng tích cực. Điều này đã dẫn tới việc Philippines, một trong những nước đồng minh mạnh nhất của Mỹ trong khu vực đang trở nên hờ hững với Washington và tìm kiếm một cách tiếp cận mới với Trung Quốc.
Sự tín nhiệm của ông Trump trong khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định từ bỏ TPP, một hiệp định thương mại được mong đợi sẽ có những lợi ích đáng kể cho Đông Nam Á.
Theo New York Times, tính chất căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dường như khiến chính quyền Trump thay đổi thái độ với Trung Quốc.
Theo Giáo sư Andrew L. Oros, chuyên gia chính trị người Mỹ, chính quyền Trump giờ đây coi việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân quan trọng hơn nhiều so với việc đối đầu với Trung Quốc bằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tuy nhiên theo Javier Hernandez, bình luận viên từ tờ New York Times bình luận, không phải ngẫu nhiên ông chủ Nhà Trắng đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của Philippines, Singapore và Thái Lan, đồng thời gửi lời mời các đồng cấp này tới Nhà Trắng.Cùng với đó, Ngoại trưởng Tillerson đã cố gắng trấn an đồng minh rằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải sẽ tiếp tục.
Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bang Kok đánh giá, ông Trump dường như rất quan tâm đến việc xây dựng một mạng lưới chiến lược trong khu vực. Pongsudhirak cũng cho rằng, Tổng thống Trump đã rất khôn khéo khi không chỉ trích các cáo buộc nhân quyền ở Thái Lan, hay Philippines như người tiền nhiệm. Bởi ông hiểu rằng, điều này sẽ đẩy “cả hai quốc gia và phần còn lại của khu vực vào quỹ đạo của Trung Quốc".
"Một khi lấy lại được tầm ảnh hưởng, sự tín nhiệm trong khu vực, Washington sẽ cân bằng và xem xét lại các lợi ích cũng như giá trị của mình”, dù là vấn đề Triều Tiên hay Biển Đông, Giáo sư Pongsudhirak phân tích.
“Chính quyền của Trump vẫn phải theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc và không nên nhượng bộ các vấn đề tranh chấp”, Giáo sư Oros cũng nêu quan điểm.
Đọc thêm>>> Putin tiến thoái lưỡng nan khi lựa chọn Hàn Quốc hoặc Triều Tiên
Quốc Vinh
Căng thẳng Triều Tiên đang đặt ra những nghi ngại rằng Tổng thống Trump có thể ‘mặc cả’ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. |