Khi có cuộc gặp chuyển giao quyền lực với Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng, người tiền nhiệm Barack Obama đã nhấn mạnh rằng, vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với chính sách đối ngoại của Mỹ chính là vấn đề hạt nhân đến từ Triều Tiên.
Trong thời gian qua, những bước tiến mới về công nghệ hạt nhân và tên lửa cũng như sự tăng cường các cuộc thử nghiệm của Bình Nhưỡng đã trở thành mối quan tâm lớn hơn bao giờ hết của nước Mỹ.
“Thời gian dành cho Mỹ không còn nhiều”, Fraser Cameron – Giám đốc trung tâm Á-Âu nhận định trong bài viết trên tờ The Diplomat.
Với những gì đã thể hiện trong vài năm gần đây, giới quan sát hiểu rằng Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình một cách dễ dàng. Bởi tôn chỉ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un là coi trọng thành tựu công nghệ về hạt nhân hơn bất cứ lĩnh vực nào khác.
Với chính quyền mới ở Washington, các nhà hoạch định đang khẩn trương xây dựng một chính sách đáng tin cậy nhằm xóa bỏ tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Một trong số những ý tưởng được đưa ra đó là Mỹ cần mở cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, chuyên gia Cameron gọi đây là một chính sách thực sự “điên rồ” vì Mỹ hoàn toàn không biết rõ các đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng nằm ở đâu.
Trong khi đó, bất kỳ hành động gây hiềm khích nào tương tự như vậy cũng có thể dẫn đến sự trả đũa nhằm vào Seoul – thủ đô Hàn Quốc với 10 triệu dân và chỉ cách biên giới Triều Tiên 60 km.
Những nỗ lực tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cũng không thể có tác dụng rõ rệt một khi Trung Quốc vẫn tỏ ra thiếu nhiệt tình trong các nỗ lực chung tay cùng cộng đồng quốc tế.
Thực tế Bắc Kinh có lý do để lo lắng trước sự lan tỏa ảnh hưởng của Washington ở khu vực Đông Bắc Á. Sự ngại ngần trong việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng bắt nguồn từ lý do giới lãnh đạo Bắc Kinh không muốn phải đương đầu trước dòng người tị nạn ào ạt từ Triều Tiên chạy qua, trong khi quân đội Mỹ dần tiến sát đến biên giới nước nà
“Rõ ràng là không có viên đạn ma thuật nào giúp phá tan cơn mây mù hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, Fraser Cameron bày tỏ quan ngại.
Theo chuyên gia này, điều mà chính quyền Bình Nhưỡng luôn yêu cầu từ trước đến nay đó là Mỹ sẽ tôn trọng công việc nội bộ và không hướng tới mục đích thay đổi chế độ của Triều Tiên.
Do đó giải pháp duy nhất có thể chính là hướng tới một thỏa thuận lớn. Dù cho đây có thể là một thỏa thuận không vừa ý đối với Washington, nhưng ít nhất nó còn được như những gì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mô tả: “Giúp tránh va chạm giữa hai đoàn tàu”.
Tổng thống Donald Trump được đánh giá là doanh nhân giàu kinh nghiệm và là nhà thương thuyết tài ba. Chuyên gia Fraser Cameron cho rằng, đây là cơ hội để nhà lãnh đạo Mỹ vận dụng nghệ thuật đàm phán vào một vấn đề toàn cầu đang làm đau đầu nhiều chính khách.
Giống như nhiều quan điểm trước đó, một thỏa thuận sẽ chỉ có nền tảng thành công khi Mỹ chấp nhận tiết chế các cuộc tập trận hàng năm với Hàn Quốc và giảm bớt các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Triều Tiên.
Ở chiều hướng ngược lại, Bình Nhưỡng sẽ cam kết ngừng sản xuất và thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân và cho phép các chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát các kho dự trữ hiện tại (giống như trong thỏa thuận với Iran).
Sự thành công trong thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên là hết sức triển vọng. Trên thực tế, hai quốc gia này từng có những cuộc thương thuyết gần như thành công.
Khung thỏa thuận năm 1994 giữa Mỹ và Triều Tiên đã hướng tới cam kết ngừng hoạt động sản xuất plutonium trong một thập kỉ, nhưng mọi thứ đã sụp đổ sau khi chính Washington không thực hiện các bước "tiến tới bình thường hoá hoàn toàn các mối quan hệ chính trị và kinh tế" giống như thỏa thuận được yêu cầu.
Trong khi đó, tuyên bố chung đưa ra sau cuộc đàm phán sáu bên năm 2005 kêu gọi Triều Tiên chấm dứt sản xuất plutonium và thử tên lửa trong vòng hai năm bị đổ vỡ do Hàn Quốc không cung cấp viện trợ năng lượng như đã hứa hẹn.
Với tính cách cứng rắn và dứt khoát, nhiều người hy vọng rằng Tổng thống Trump đang có cơ hội để làm nên lịch sử.
Cũng giống như cựu Tổng thống Nixon – người đến từ đảng Cộng hòa đã mở ra một chương mới trong quan hệ với Trung Quốc, viễn cảnh đáng kỳ vọng nhất hiện tại chính là nhà lãnh đạo Kim Jong Un chấp thuận lời mời thăm Washington của Tổng thống Trump.
Và phần thưởng dành cho ông chủ Nhà Trắng không chỉ là cơ hội đầu tư khách sạn, sân golf trong những năm tháng sau này khi từ bỏ chính trường để trở về công việc kinh doanh, mà có thể là giải Nobel Hòa bình, Fraser Cameron kết luận.
Đọc thêm>>> Vì sao TT Trump đi ngược dòng cả thế giới về chống biến đổi khí hậu?
Quốc Vinh