Trong Diễn đàn ASEAN ở Brunei, Trung Quốc đã đồng ý đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với các nước ASEAN vào tháng Chín tới, nhằm tránh những xung đột ở những vùng biển đang có tranh chấp với các quốc gia như Việt Nam và Philippines. Trung Quốc cũng bày tỏ sự đoàn kết với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc thúc giục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry (phải), bắt tay với Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị tại cuộc họp ASEAN ở Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Bandar Seri Begawan, Brunei vào ngày 01/7/2013
Những quan điểm chính sách này có thể cho thấy Trung Quốc đã dùng một phương pháp hòa giải hơn sau khi có những hành động ‘gây hấn’ đối với những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong những năm gần đây, khiến các nước láng giềng thúc đẩy liên kết an ninh với Mỹ. Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Á khi Mỹ tiến hành chiến lược xoay trọng tâm sang khu vực này và tích cực hỗ trợ các đồng minh như Philippines.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Wang Yi (Vương Nghị), cho biết Trung Quốc và ASEAN là " thành viên của một gia đình lớn". Ông cam kết sẽ nâng cấp một hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc và đẩy mạnh đàm phán về một sự hợp tác kinh tế khu vực.
Giai điệu thân thiện hơn
Cách đây một năm, Trung Quốc đã tìm cách tránh đề cập đến những tranh chấp lãnh thổ trong các cuộc họp ASEAN và khẳng định sẽ chỉ bắt đầu đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông "khi điều kiện chín muồi".
Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc lại dùng giọng điệu thân thiện hơn. Theo hãng tin Bloomberg, động thái trên có thể là để cô lập Philippines, khi nước này đang tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và Mỹ.
Ông Steve Tsang, giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham ở Vương quốc Anh cho rằng, Trung Quốc đang ‘lấy lòng’ các nước ASEAN và đồng thời nhấn mạnh rằng Philippines đang gây rắc rối".
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với ông Vương Nghị hôm 30/6, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nhận định mối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc rất mạnh mẽ và rằng đó là "trụ cột nền tảng cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực."
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết ông Vương Nghị đã tìm cách tạo ấn tượng tốt tại cuộc họp ASEAN đầu tiên của ông kể từ giữ chức vụ này.
Hồi tháng trước, đại sứ Nhật Bản ở Mỹ, Kenichiro Sasae cho biết Nhật Bản cũng là nước phải đối phó với nhiều hành động khiêu khích của Trung Quốc. Ông cho hay, Trung Quốc sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng lên 10,7% trong năm nay - phù hợp với mô hình hiếu chiến của nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định lại cam kết hướng tới châu Á của Mỹ.
Lập trường của Trung Quốc
Hôm 2/7, đoàn đại biểu của Triều Tiên tại diễn đàn ASEAN đã từ chối bình luận về lập trường của Trung Quốc. Thay vào đó, đại biểu Choe Myong Nam cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đã khiến cho căng thẳng leo thang trong khu vực, kêu gọi Mỹ chấp nhận yêu cầu đối thoại với nước này một cách "vô điều kiện".
Kim Han Kwon, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asean tại Seoul nói: "Trung Quốc biết rằng nước này sẽ có một vị trí không thuận lợi khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường liên minh về những vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc đã đưa ra "một quyết định chiến lược để làm đối trọng cho những ảnh hưởng về quân sự và chính trị của Mỹ đối với khu vực này, ông Kim nói.
Theo Bưu điện Việt Nam